- Người dân hoàn toàn có thể kiện doanh nghiệp gọi điện, nhắn tin tiếp thị nếu như không nhận được sự đồng ý của khách hàng.
Nhà báo Ngân Phương: Ngày càng có thêm nhiều người bị gọi điện tới cả chục cú điện thoại mời mua bất động sản, mua bảo hiểm, làm thẻ visa, master... Nhiều người tìm cách ngăn chặn nhưng không thành công, tình trạng này cũng không hề thuyên giảm.
Góc nhìn thẳng mời ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (ATTT), Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) để trao đổi về câu chuyện này.
Xin cảm ơn ông Nguyễn Huy Dũng đã nhận lời tham dự chương trình.
Nhà báo Ngân Phương: Thưa ông, ông thấy sao khi ngày càng có thêm nhiều người bị gọi điện, nhận những tin nhắn... mà họ không hề mong muốn đến mức họ cảm thấy phiền phức về vấn đề này?
Ông Nguyễn Huy Dũng: Cá nhân tôi với tư cách một người dùng cũng cảm thấy rất phiền phức với vấn nạn thư rác và tin nhắn rác. Về việc này, trong thời gian qua, cơ quan chức của Bộ TT&TT như Cục Viễn thông, Cục An toàn thông tin, VNCERT và Thanh tra Bộ đã tích cực vào cuộc xử lý. Trong năm 2015, chúng tôi đã điều phối các doanh nghiệp viễn thông di động chặn 3,3 triệu thuê bao phát tán tin nhắn rác.
Nhà báo Ngân Phương: Việc một cá nhân, khi mua nhà tại một dự án chẳng hạn thì họ có thể để lại số điện thoại để chủ đầu tư có thể liên lạc, hoặc cá nhân để lại số điện thoại tại ngân hàng thì việc đó là bình thường. Nhưng nếu số điện thoại này bị đem bán cho bên thứ ba, thứ tư..... thì theo ông, hành vi này có vi phạm pháp luật?
Ông Nguyễn Huy Dũng: Hành lang pháp lý bảo vệ thông tin riêng và thông tin cá nhân của người sử dụng đã và đang được hoàn thiện. Mới đây nhất, ngày 19/11, Quốc hội đã thông qua Luật An toàn thông tin mạng, trong đó có dành hẳn một mục về bảo vệ thông tin cá nhân. Theo tinh thần của Luật An toàn thông tin mạng vừa mới được thông qua thì tổ chức cá nhân có lưu giữ thông tin cá nhân của người khác sẽ không được phán tán, chia sẻ cho bên thứ ba nếu chưa được sự đồng ý của chủ thể thông tin đó. Ngoài ra Luật Dân sự, Luật Bảo vệ người tiêu dùng và các văn bản pháp luật chuyên ngành như Luật Giao dịch điện tử, Luật Viễn thông cũng đều dành những điều quy định về bảo vệ thông tin riêng của người sử dụng khi sử dụng những dịch vụ như vậy.
Nhà báo Ngân Phương: Những hành vi vi phạm như vậy sẽ bị xử lý cụ thể như thế nào?
Ông Nguyễn Huy Dũng: Về chế tài xử phạt thì tùy theo mức độ hành vi thì tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý trách nhiệm hình sự. Điểm a, Khoản 5, Điều 66, Nghị định số 174 về Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông và CNTT có quy định những tổ chức, cá nhân phát tán thông tin riêng của người sử dụng viễn thông trái phép sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 50-70 triệu đồng. Tùy theo tình tiết tăng nặng, Bộ luật Hình sự cũng đưa ra chế tài xử phạt. Theo đó, việc phát tán thông tin cá nhân của người sử dụng gây ra hậu quả nghiêm trọng thì bên cạnh việc phạt tiền, tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị phạt trách nhiệm hình sự, phạt tù từ 2 cho đến 7 năm tùy tình tiết tăng nặng của vụ việc.
Nhà báo Ngân Phương: Cá nhân nhận được quá nhiều cuộc điên thoại, tin nhắn từ một doanh nghiệp mời mua một thứ gì đó mà họ không mong muốn chẳng hạn thì họ có quyền kiện doanh nghiệp đó theo quy định pháp luật hiện hành?
Ông Nguyễn Huy Dũng: Chắc chắn là có. Như tôi trao đổi ở phần trên về những hành lang pháp lý hiện hành trong công tác bảo vệ thông tin cá nhân. Theo đó, một tổ chức doanh nghiệp chỉ được gửi thông tin mang tính quảng cáo tới người sử dụng khi người đó đồng ý. Trong trường hợp người sử dụng từ chối không muốn nhận mà DN tiếp tục gửi để làm phiền như một hình thức quấy rối thì người dùng có thể khiếu nại lên doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và khiếu nại lên cơ quan quản lý nhà nước có chức năng. Như tôi đã nói ở trên, tùy theo tình tiết vụ việc, các cơ quan chức năng có thể phạt hành chính hoặc thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự với những tình tiết tăng nặng, gây hậu quả nghiêm trọng cho người sử dụng.
Nhà báo Ngân Phương: Hành vi DN gọi điện quá nhiều đến người sử dụng dịch vụ viễn thông có hành vi vi phạm pháp luật?
Ông Nguyễn Huy Dũng: Ở đây có hai nhóm cần phải phân biệt. Thứ nhất khi ký kết hợp đồng dịch vụ viễn thông có thể người dùng chưa đọc kỹ nhưng trong đó luôn có điều khoản xác định khi nào DN viễn thông được gọi để thông báo về những dịch vụ của hệ thống mà DN cung cấp cho người sử dụng. Đối với dịch vụ mang tính quảng cáo và thương mại, DN phải được sự đồng ý trước của người dùng trước khi quảng cáo dịch vụ đó. Nếu không sẽ được coi là hành vi phán tán thư rác, tin nhắn rác. Hành vi này như tôi đã nói sẽ bị phạt hành chính hoặc nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ tăng nặng hoặc xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nhà báo Ngân Phương: Ông có lời khuyên gì với những người sử dụng dịch vụ viễn thông để có thể hạn chế tối đa những cuộc điện thoại và tin nhắn làm phiền như vậy không ạ?
Ông Nguyễn Huy Dũng: Từ góc độ người sử dụng cuối, bên cạnh chuyện có nhận thức về bảo vệ an toàn thông tin trên mạng và bảo vệ thông tin cá nhân của mình trên mạng thì chúng ta cũng hiểu hành lang pháp lý, quyền và trách nhiệm của người sử dụng. Bên cạnh đó, cá nhân tôi thấy, chúng ta cần tự nâng cao nhận thức và kỹ năng về ngăn chặn thư rác và tin nhắn rác. Ví dụ như chúng ta có thể cài những phần mềm chặn thư rác và tin nhắn rác. Hiện nay một số DN Việt đã có những sản phẩm rất tốt trên thị trường giúp người dùng làm ngăn chặn điều đó. Bản thân tôi cũng sử dụng thêm một số phần mềm tiện ích mà tôi thấy là ngăn chặn trên 99,9% những thư rác và những cuộc gọi mà tôi không mong muốn.
Nhà báo Ngân Phương: Xin cảm ơn ông Dũng về cuộc trao đổi. Xin cảm ơn quý vị khán giả và hẹn gặp lại quý vị trong Chương trình Góc nhìn thẳng số tiếp theo!
VietNamNet
TIN BÀI LIÊN QUAN