Đại biểu Nguyễn Phi Thường đề nghị giao cho Chính phủ thống nhất quy định cụ thể về công tác thu, quản lý, sử dụng nguồn tài chính công đoàn để công tác quản lý Nhà nước minh bạch, hiệu quả hơn, tránh thất thoát, lãng phí.
Sáng 18/6, thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), nhiều đại biểu quan tâm đến việc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn.
Nên quy định tỷ lệ “tối thiểu” và “tối đa”
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) tán thành việc dự luật quy định “kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động”. Vì đây là nội dung đã thực hiện ổn định, lâu dài, không phát sinh nhiều vướng mắc trên thực tế.
Về quản lý, sử dụng tài chính công đoàn, đại biểu tỉnh Hải Dương chọn phương án 2 của dự thảo và cho rằng, việc quy định cụ thể tỷ lệ phân phối kinh phí công đoàn là cần thiết, nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho việc tăng cường bố trí nguồn kinh phí công đoàn cho các hoạt động của công đoàn cơ sở , theo bà Nga, nên có sự linh hoạt trong việc quy định tỷ lệ phân bổ kinh phí công đoàn, không quy định cứng tỷ lệ 25% và 75% như khoản 2 Điều 30 dự thảo.
Phương án 1
Phương án 2
Quy định kinh phí công đoàn 2% được phân phối cho các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở theo quy định của Chính phủ.
Quy định kinh phí công đoàn 2% do công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng 25%; 75% còn lại được phân phối cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Việc quản lý, sử dụng kinh phí công đoàn của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp do Chính phủ quy định.
Bà Nga đề nghị chỉ nên quy định đó là tỷ lệ “tối thiểu” và “tối đa” theo hướng quy định “kinh phí công đoàn do công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng tối đa 25%, còn lại được phân phối cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp”.
Cùng mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cũng bày tỏ đồng tình theo phương án 2. Theo ông Thông, việc phân định sử dụng kinh phí công đoàn giữa công đoàn cấp trên với công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp là vấn đề quan trọng, thể hiện sự công khai, minh bạch của việc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn. Do đó, quy định cụ thể như phương án 2 của dự thảo là phù hợp.
Tuy nhiên, ông Thông lưu ý, việc đề xuất tỷ lệ cần bám sát tinh thần của Nghị quyết số 18 Trung ương là “rà soát, sửa đổi cơ chế quản lý tài chính, nguồn kinh phí công đoàn bảo đảm quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch và nâng cao hiệu quả”, cũng như bám sát thực tế hoạt động của công đoàn các cấp và dự liệu các vấn đề phát sinh trong thời gian tới.
Đồng thời, ông Thông đề nghị không nên quy định cứng “công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được phân phối 75%” hay “công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng 25%” mà nên quy định theo hướng “tối thiểu 75%” và “tối đa 25%” để bảo đảm linh hoạt trong điều tiết tổng thể của cả hệ thống, tùy theo quy mô của tổ chức công đoàn hoặc theo địa bàn.
Khắc phục tình trạng chủ doanh nghiệp can thiệp quá sâu vào thu, chi phí công đoàn
Đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) cho rằng, việc tiếp tục quy định thu kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là phù hợp. Đây là điều kiện tiên quyết để công đoàn chủ động, độc lập hơn trong tổ chức và hoạt động tại cơ sở.
Tuy nhiên, ông Thường cho rằng, nên giao cho Chính phủ thống nhất quy định cụ thể về công tác thu, quản lý, sử dụng nguồn tài chính công đoàn, không chỉ có đối với tổ chức “đại diện của người lao động” như dự thảo nêu.
“Việc này sẽ giúp cho công tác quản lý Nhà nước về tài chính công đoàn sẽ minh bạch, chặt chẽ và hiệu quả hơn, tránh được thất thoát, lãng phí. Đồng thời cũng khắc phục được tình trạng chủ doanh nghiệp can thiệp quá sâu vào hoạt động thu, chi tài chính của công đoàn”, đại biểu đoàn Hà Nội nói.
Như vậy, Nhà nước sẽ thống nhất quản lý về thu, quản lý, sử dụng tài chính công đoàn (bao gồm cả kinh phí và đoàn phí công đoàn), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ hướng dẫn triển khai, thực hiện thay vì phải thực hiện cả quy định của Chính phủ và cả quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, như trong dự thảo luật.
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) lại thống nhất lựa chọn phương án 1. Bởi thực tiễn cho thấy nếu quy định một tỷ lệ xác định phân phối kinh phí công đoàn giữa các cấp và giữa các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở như trong phương án 2 sẽ gây khó khăn, không khả thi để áp dụng.
Điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Tình hình ra đời và hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, tình hình quan hệ lao động, nhiệm vụ của từng cấp công đoàn trong mỗi giai đoạn,…
Tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận của Đại biểu Quốc hội tại Tổ về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, nguồn thu kinh phí công đoàn 2% được quy định từ năm 1957 và được duy trì từ khi có Luật Công đoàn cho đến nay. Việc luật hóa và duy trì nguồn thu 2% kinh phí công đoàn thể hiện sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, kinh phí công đoàn được sử dụng tại công đoàn cơ sở là chủ yếu để trực tiếp chăm lo cho đoàn viên, người lao động.
Với mức tiền lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH hiện nay của người lao động khoảng 5,7 triệu/tháng thì trong một năm doanh nghiệp phải đóng phí công đoàn khoảng 1,4 triệu đồng. Khi đó, 75% số phí này (khoảng 1 triệu đồng) sẽ được phân phối cho công đoàn cơ sở để chăm lo cho đoàn viên, người lao động dùng để thăm hỏi ốm đau, quà sinh nhật, quà Tết, hoạt động văn hóa, thể thao...
Tổng hợp báo cáo của các cấp công đoàn, số dư nguồn tài chính công đoàn tích lũy đến ngày 31/12/2023 khoảng 43.211 tỷ đồng.
Trong đó, số dư tài chính công đoàn tích lũy của công đoàn cơ sở là 12.373 tỷ đồng, chiếm 28,6% tổng số dư tài chính công đoàn tích lũy của hệ thống công đoàn.
Số dư tài chính công đoàn tích lũy của 3 cấp còn lại là 30.837 tỷ đồng; trong đó, dư tại công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở là 8.693 tỷ đồng; dư tại Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố và tương đương là 15.355 tỷ đồng; dư tại Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là 6.789 tỷ đồng.
Chủ tịch nước Tô Lâm lưu ý, có những giai đoạn rất tùy tiện, cái gì cũng phải đi xác nhận và đi xin công chứng mới giải quyết, cứ bắt người dân công chứng mà không biết để làm gì.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng, cải cách thuế là cần thiết nhưng không nhất thiết tăng VAT mà nên hướng đến các nhóm chính sách thu được thuế tài sản, nhất là người có thu nhập cao, tài sản lớn.