Eschool: cầu nối gia đình và nhà trường

 Nếu như giờ đây người ta có thể chỉ cần một tin nhắn, một cuộc điện thoại là đã cập nhật được giá cả thị trường, diễn biến giao dịch trên sàn chứng khoán, tình trạng giao thông, thậm chí là cả mua bán bất động sản và nhiều thứ khác nữa thì những thông tin xung quanh vấn đề học tập của con em dành cho các bậc phụ huynh chắc hẳn cũng không nằm ngoài khả năng của chiếc ĐTDĐ. Và điều này đang trở thành hiện thực ở Việt Nam?

Công nghệ “phủ sóng” đến trường học

Eschool là một khái niệm rộng chỉ mô hình trường học điện tử bao gồm việc giảng dạy trực tuyến và quản lý học sinh trên các phương tiện điện tử như máy tính, Internet, tổng đài thoại, ĐTDĐ. Đây cũng chính là phần mềm quản lý học sinh trong nhà trường phổ thông cho phép lưu trữ các dữ liệu về giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh để từ đó những thành viên có thể truy cập thông tin qua một tài khoản đã đăng ký trước (bằng cách truy cập Internet qua máy tính, đưa thông tin lên tổng đài thoại và tin nhắn SMS). Tại Việt Nam, eschool xuất hiện khoảng đầu những năm 2000, tuy nhiên, giai đoạn này mới chỉ phát triển trên máy tính và sau đó là tổng đài thoại.

Tới khoảng cuối năm 2004, các nhà cung cấp nội dung đã đưa dịch vụ này tiến lên một bước mới là truy cập thông tin qua tin nhắn SMS. Phụ huynh học sinh và nhà trường có thể trao đổi thông tin với nhau bằng cách soạn tin nhắn gửi tới tổng đài để nhận những thông tin cần biết. Và khái niệm eschool còn được hiểu là "sổ liên lạc điện tử", một số nơi gọi là tin nhắn học đường (school SMS). Dịch vụ này đã phát triển mạnh tại các nước có nền viễn thông phát triển, đặc biệt là Hàn Quốc. Qua hệ thống này giáo viên có thể dễ dàng tham vấn với phụ huynh cũng như gửi đến phụ huynh các thông tin liên quan đến việc học tập của con cái họ như thời khóa biểu, lịch sinh hoạt ngoại khóa, các khoản tiền đóng góp, tình hình học tập… thông qua ĐTDĐ.

Tại Việt Nam, eschool cũng không còn là một khái niệm quá mới mẻ bởi từ năm 2005, nhiều công ty dịch vụ đã phối hợp với các trường trong cả nước để phổ biến dịch vụ này. Khởi động chương trình này là Trường Marie Curie ở Hà Nội do Công ty Cổ phần HiPT cung cấp. Phụ huynh muốn biết con em mình hôm nay có đi học không, điểm kiểm tra các môn là bao nhiêu, đạt hạnh kiểm thế nào… chỉ cần gọi tới số điện thoại của Tổng đài 2660555 rồi bấm mã số của con mình để nghe hệ thống trả lời tự động.

Dịch vụ này đã được cha mẹ học sinh rất hoan nghênh và hàng ngày có trung bình khoảng hơn 30% phụ huynh gọi tới hệ thống này. Mức phí mà phụ huynh trả cho dịch vụ này là 10.000 VND/tháng/học sinh. Cùng tham gia phát triển dịch vụ này là công ty Điện toán và Truyền số liệu VDC thử nghiệm cung cấp tại 3 trường, sau đó cung cấp đại trà tại hơn 30 trường của quận Đống Đa, Hà Nội. Cũng trong thời điểm đó, tại TP. Hồ Chí Minh, công ty Đăng Anh đã phối hợp với Viettel cho ra mắt dịch vụ eschool - "sổ liên lạc điện tử", bắt đầu được triển khai thử nghiệm tại 5 trường PTTH. Với loại dịch vụ này phụ huynh có thể liên lạc hàng ngày bằng cách gửi tin nhắn để biết điểm kiểm tra, hạnh kiểm, nhận xét của giáo viên… về con mình. Bên cạnh đó, nếu phụ huynh đăng ký hình thức nhận tin tự động theo yêu cầu, hệ thống sẽ tự động nhắn tin vào số điện thoại đã đăng ký mỗi khi con họ có điểm số dưới trung bình.

Dịch vụ "sổ liên lạc điện tử" ra đời đã nhận được sự đồng tình của hầu hết các bậc phụ huynh, nhờ tính năng động, chính xác và công khai. Anh Trần Văn Hùng (Trung tâm Giáo dục Tổng hợp số 1) cho biết: “Tôi chỉ biết đến dịch vụ này khi vô tình thấy một tờ rơi, giới thiệu về mô hình dịch vụ trong cặp sách của con. Tôi đã nhắn tin và gọi điện thử theo như hướng dẫn để lấy thông tin và mọi việc khá dễ dàng. Dịch vụ này rất hay và hữu ích cho phụ huynh trong việc phối hợp với nhà trường quản lý việc học tập của con. Giờ đây, tôi không cần phải chờ đến cuối kỳ đi họp phụ huynh mới biết con mình học ra sao. Chỉ cần ngồi ở cơ quan, tôi cũng có thể biết điểm số các môn học là bao nhiêu, lịch học thế nào, hôm nay con có đi học không… Trước đây, hầu như mọi thứ đều chỉ dựa vào sổ liên lạc viết tay gửi về gia đình. Giáo viên vừa mất nhiều thời gian mà cha mẹ đôi khi cũng không thể kiểm tra và lường hết được những trò ma mãnh của học trò nhằm che giấu khuyết điểm được viết trong quyển sổ liên lạc…”

Với mô hình eschool, tùy vào mức độ ứng dụng của từng trường, các vị phụ huynh sẽ có 3 hình thức để cập nhật tình hình học tập của con mình. Thứ nhất là vào website eschool bằng một tài khoản đã đăng ký và theo dõi thông tin từ nhà trường (miễn phí hoặc mức cước phí khoảng 5.000 VND/tháng truy cập). Thứ 2 là gọi điện tới tổng đài (cước tính theo bưu điện). Và cách thứ 3 là sử dụng SMS nhắn tin tới trung tâm để lấy thông tin. Nếu sử dụng dịch vụ trả trước thì mức phí sẽ là 15.000 VND/tháng. Trong đó hình thức thứ 3 là sử dụng dịch vụ SMS để nhắn tin được đánh giá khá hiệu quả do tính tiện lợi mà nó mang lại.

Song, cái khó vẫn bó cái khôn...

Từ các cấp lãnh đạo, nhà trường, thầy cô giáo, đến các bậc phụ huynh đều không ai phủ nhận mặt tích cực của các dịch vụ eschool. Tuy nhiên, để khai thác và áp dụng đại trà không hề dễ. Từ năm 2005, công ty �HiPTtriểnkhaithànhHiPTTtriểnkhaithành triển khai thành công tại trường Marie Curie Hà Nội. Nhưng khi áp dụng vào hầu hết các trường công lập lại vấp phải khó khăn về cơ chế. Phần lệ phí thu thêm hàng tháng không lớn nhưng cũng chưa có được sự đồng thuận của phụ huynh và học sinh. Bên cạnh đó, phần quan trọng nhất là thu thập tin và nhập tin sao cho kịp thời, nhanh, chính xác để chuyển lên hệ thống cũng khó thực hiện do các trường không bố trí được người làm. Ít nhất nếu muốn thực hiện chương trình này thì mỗi trường phải có máy vi tính nối mạng ADSL và nhân viên chuyên nhập dữ liệu (thường là giám thị) cập nhật thông tin từng buổi học.

Kinh nghiệm của các trường đi trước như Marie Curie là cần phải có 3 người chuyên trách việc nhập số liệu, còn mỗi lớp sẽ cử một em học sinh để cập nhật thông tin hàng ngày. Trường THCS Ba Đình cũng phải có hẳn một đội ngũ “biên chế” cho việc nhập dữ liệu, đồng thời, mức đầu tư ban đầu cho hệ thống vào khoảng 50 triệu VND. Tuy không quá lớn, song cũng là một khó khăn đối với nhiều trường.

Một khó khăn nữa khiến eschool chưa thể mở rộng được đó là do tâm lý sợ bố mẹ kiểm soát của các em học sinh. Nhân viên phụ trách eschool của công ty THT cho biết việc vận động các em tham gia và phổ biến dịch vụ này tới phụ huynh thường gặp nhiều khó khăn do các em sau khi nghe xong thường không về trao đổi lại với cha mẹ vì sợ bị bố mẹ theo dõi. “Và nhiều bậc phụ huynh cũng không muốn những thông tin về con cái mình bị “bại lộ” do lực học của chúng kém hoặc ý thức chưa cao nên họ còn e ngại” - Thầy Nguyễn Kim Dũng, Hiệu trưởng trường THCS Ba Đình nhận xét.

Thầy Dũng cũng cho biết, một khó khăn rất lớn nữa là hiện nay vẫn chưa có một hành lang pháp lý nào công nhận hình thức quản lý và công nhận kết quả học tập của học sinh bằng các phương tiện công nghệ thông tin là chính thống. Do đó, việc triển khai dịch vụ này ở trường Ba Đình mặc dù đã được 4 năm nhưng vẫn chỉ là “thử nghiệm” mà thôi.

Thái độ của những nhà cung cấp

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng nhiều nhà cung cấp vẫn quyết tâm đưa công nghệ đến với trường học. Họ đã rút kinh nghiệm từ thất bại của các “bậc đàn anh” đi trước và từng bước đưa eschool nhân ra diện rộng. Công ty THT cho biết họ đã triển khai thành công tại một số trường như THCS Ba Đình, Cao Việt Bắc (Thái Nguyên) và trong kế hoạch năm 2008 là “phủ sóng” 300 trường tiểu học và THCS tỉnh Phú Thọ.

Ngoài việc trích từ 5 -10% vào quỹ khuyến học của nhà trường, đại diện công ty này cho biết họ còn thường xuyên phối hợp, tổ chức giới thiệu dịch vụ tới các bậc phụ huynh tại cuộc họp mặt giữa cha mẹ và nhà trường bởi đây thường là khâu khó nhất để phát triển dịch vụ. “Gia đình và học sinh có chấp nhận thì nhà trường mới dám triển khai dịch vụ” - phía THT cho biết. Trường THCS Ba Đình mới chuyển sang dùng dịch vụ của THT (trước là sử dụng dịch vụ của VDC) trong học kỳ I đã có khoảng 40% số lượng học sinh, phụ huynh trong trường tham gia. Đây là một trong những tín hiệu vui cho thấy sự phát triển của eschool đang lan nhanh trong các trường học.

“Nhà trường muốn quản lý được học sinh được bằng các phương tiện hiện đại như máy tính, điện thoại di động hay tổng đài cần có sự hỗ trợ rất nhiều từ phía chính sách nhà nước…” - Thầy Nguyễn Kim Dũng tâm sự.

Theo e-Chip MOBILE