Khối hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) dự định tăng quân số lực lượng phản ứng nhanh lên gấp 10 lần so với năm ngoái tại khu vực Đông Âu.
RT cho biết, theo kế hoạch đó, số quân này sẽ vào khoảng 40.000 người và phần
lớn sẽ đồn trú gần biên giới Nga.
Tổng thư ký NATO Stoltenbers hôm qua cho biết: “Các bộ trưởng quốc phòng của
NATO sẽ ra quyết định tăng cường tiềm lực và sức mạnh của lực lượng phản ứng
nhanh NATO (NRF) hơn nữa, từ 13.000 lên tới 30.000 hoặc 40.000 lính”.
Quyết định này sẽ được thông báo chính thức vào kỳ họp tới đây, diễn ra trong
hai ngày 24-25/6 tại Brussels, Bỉ.
Số binh sĩ này sẽ nằm dưới sự chỉ huy của 6 tổng hành dinh đóng tại Bulgaria,
Estonia, Latvia, Lithuania, Ba Lan và Romania.
Cùng lúc đó, Mỹ cho biết họ sẽ đóng góp thêm vào lực lượng tác chiến đặc nhiệm
của NATO, cùng với các thiết bị tình báo và quân sự công nghệ cao. Đóng góp này
của Mỹ một phần là nhằm phát hiện các hành động của Nga.
Reuters cho biết trong chuyến công du tới Đức, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton
Carter cáo buộc Moscow đang cố tìm cách mở lại vùng ảnh hưởng thời Liên Xô.
“Chúng tôi không tìm cách biến Nga trở thành kẻ thù. Nhưng chớ nhầm lẫn: chúng
tôi sẽ bảo vệ đồng minh của mình, trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, và tương lai
tích cực cho các bên” – ông Carter nói.
Mối quan hệ xấu đi nghiêm trọng giữa Nga và Mỹ, NATO đang gợi nhớ lại những năm
tháng đen tối trong Chiến tranh Lạnh. Các chuyên gia cảnh báo rằng khủng hoảng
Ukraina leo thang sẽ dẫn tới đối đầu trực diện giữa Moscow và Washington.
Nếu Mỹ cung cấp vũ khí cho các nhà chức trách Kiev, một số chuyên gia cho rằng
điều này có thể khiến Moscow hành động ngay lập tức.
Tờ New York Times dẫn lời cựu đại sứ Mỹ tại Nga là Michael McFaul cho rằng
Washington nên theo đuổi giải pháp ngoại giao cho xung đột với Nga.
“Xung đột Mỹ - Nga sẽ không được giải quyết chỉ trong vài tuần hay vài tháng.
Thách thức này sẽ phải mất nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ” – ông McFaul nói.
Lê Thu