Nạo vét 347.000m3 bùn tại “điểm nóng” ô nhiễm
Ngày 20/4, ông Lê Minh Tuấn – Phó giám đốc Ban quản lý (BQL) dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng cho biết, đã tạm dừng nạo vét, nhận chìm bùn ở âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà) sau 2 ngày triển khai thí điểm.
“Việc tạm dừng này để rà soát và đánh giá lại những thứ còn bất cập. Hiện chúng tôi đang làm việc với các đơn vị, sau khi đầy đủ các thủ tục sẽ triển khai tiếp”, ông Tuấn thông tin.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP thông tin, việc nạo vét, nhận chìm bùn lưu cữu ở âu thuyền Thọ Quang nằm trong kế hoạch do UBND TP Đà Nẵng ban hành nhằm xử lý “điểm nóng” ô nhiễm này vào năm 2025.
Nhà thầu thi công là Liên danh Công ty CP TNHH Xây dựng và thương mại 126 và Công ty CP Tư vấn và xây dựng Phú Xuân.
Theo đó, mỗi vị trí đáy âu thuyền được đào sâu xuống khoảng 2m để thu gom lớp bùn bên trên với độ dày lớp bùn khoảng 0,5-0,7m, tiếp đó là các lớp bùn pha sét, lớp sét và sét pha cát với độ dày 3 lớp này từ 1,3-1,5m.
Sà lan sau khi chứa đầy chất nạo vét sẽ di chuyển đến khu vực quy định nhận chìm ở bên ngoài vịnh Đà Nẵng, cách phao số 0 Đà Nẵng hơn 12km về phía đông.
Các cửa xả ở dưới đáy sà lan được mở để xả chất nạo vét xuống biển ở độ sâu khoảng 30m và gần như không có dòng chảy trên biển. Đây là một điều kiện thuận lợi để làm lắng nhanh chất nạo vét với đa phần là sét, sét pha cát xuống đáy biển.
Dự kiến sẽ mất khoảng 1 năm để nạo vét và nhận chìm hơn 347.000 m3 bùn ở âu thuyền Thọ Quang. Tổng kinh phí hạng mục này là 99 tỷ đồng.
“Dừng ngay nếu có nguy cơ ô nhiễm”
Ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng cho biết, âu thuyền Thọ Quang nhiều năm qua luôn là một "điểm nóng" về ô nhiễm môi trường. Ngay khi TP ban hành kế hoạch khắc phục "điểm nóng" này, Sở đã hết sức thận trọng khi tham mưu cho TP về đánh giá tác động môi trường (ĐMT) và phê duyệt khu vực nhận chìm.
Theo ông Hùng, để đảm bảo về vấn đề môi trường khi dự án nạo vét, nhận chìm bùn từ âu thuyền Thọ Quang trước, trong và sau khi đã triển khai thì từ đơn vị Ban quản lý dự án đến đơn vị tư vấn đã phải hết sức thận trọng, làm rất nhiều quy trình từ nạo vét thì phải áp dụng nạo vét như thế nào; từ điểm nạo vét phải có hệ thống lưới vây; khi di chuyển bùn bằng sà lan đến điểm nhận chìm phải có gắn hệ thống định vị giám sát…
“Việc xử lý ô nhiễm môi trường âu thuyền Thọ Quang được cụ thể hóa bằng 2 quy trình hoạt động độc lập. Một là quy trình là để phê duyệt đánh giá tác động môi trường trong quá trình nào vét. Hai là quy trình lựa chọn vị trí phù hợp để nhận chìm…
Vịnh Đà Nẵng là vị trí hết sức nhạy cảm nên về phía Sở TN&MT, là cơ quan tham mưu, chúng tôi tự tin với những gì đã được quyết định về ĐTM, giải pháp thi công nhận chìm sẽ đảm bảo vấn đề môi trường”, ông Hùng nói.
Ông Hùng thông tin thêm, trong suốt quá trình thực hiện việc nạo vét và nhận chìm, UBND TP Đà Nẵng thành lập tổ giám sát. Trong quá trình thực hiện phương án đã đưa ra, nếu có nguy cơ xảy ra ô nhiễm môi trường thì sẽ dừng lại để tìm kiếm giải pháp phù hợp hơn.
Hồ Giáp