Chắc hẳn đã có nhiều người nghe nói về Pompeii - tàn tích một thành bang La Mã bị chôn vùi một phần gần Napoli, Ý, hiện nay trong vùng Campania, thuộc địa giới công xã Pompei bị phá hủy bởi một ngọn núi lửa, nhưng câu chuyện hôm nay không phải kể về nơi đây, nó xảy ra ở một thành phố cổ đại khác của La Mã là Herculaneum. Hai thành phố Herculaneum và Pompeii đã bị phá hủy trong cùng một vụ phun trào núi lửa, cụ thể là vụ phun trào của Núi Vesuvius vào năm 79 sau Công nguyên. Hai thành phố này đã trải qua cùng một kết cục, nhưng Herculaneum ít được biết đến.
Thành phố cổ đại Pompeii được bao phủ bởi 6 mét tro núi lửa và các mảnh vụn, nhưng vẫn giữ được diện mạo ban đầu tương đối hoàn chỉnh của thành phố. Sự tàn phá của núi lửa tại Herculaneum thì lại hoàn toàn khác, tro núi lửa chôn vùi cả thành phố dày tới 20 mét, các nhà khảo cổ nhận thấy nó còn bí ẩn hơn cả Pompeii. Vào thế kỷ 18, một người nông dân Ý đã tình cờ phát hiện ra một bức tường khi đang đào giếng, và mọi người nhận ra rằng thành cổ Herculaneum đang ẩn dưới chân họ.
Ngày nay, với sự nỗ lực của các nhà khảo cổ, công cuộc khai quật của thành phố cổ đã mang lại rất nhiều kết quả. Họ gần như có thể khôi phục những gì thành phố này đã phải trải qua trong thời gian ngắn của các vụ phun trào núi lửa. Nó xảy ra vào năm 79 sau Công nguyên khi núi Vesuvius phun trào một lượng lớn khí và mảnh vỡ vào không khí, đạt độ cao 34 km. Trong 12 giờ đầu tiên, do hướng gió, vụ phun trào đã bị thổi về phía Pompeii ở phía đông nam của núi lửa.
Sau đó, cột tro bụi của núi lửa sụp đổ và một lượng lớn tro núi lửa và khí nóng tạo thành một đợt sóng dâng cao tấn công Herculaneum vào ban đêm. Lúc đó, mọi cư dân của thành phố đã vô cùng hoảng sợ và chạy trốn, nhưng nhiều người trong số họ đã bị chôn vùi dưới những đợt phun trào này. Một vụ phun trào núi lửa sẽ phun ra nhiều loại vật chất khác nhau, chẳng hạn như các hạt đá núi lửa có kích thước lớn và tro núi lửa với các hạt nhỏ hơn, chúng và khí nhiệt độ cao tạo thành các luồng mạt vụn núi lửa (Pyroclastic flow) hủy diệt có thể đạt tốc độ lên tới 700 km một giờ.
Luồng mạt vụn núi lửa đã tấn công Herculaneum trong đợt đầu tiên đạt tốc độ 160 km một giờ, tốc độ này không hề nhanh, vì vậy diện mạo của thành phố về cơ bản vẫn còn nguyên vẹn. Mặc dù vậy, cư dân thành phố khi thấy nguy hiểm ập đến thì cũng không còn nhiều thời gian để chạy thoát thân. Trong thảm họa này, có tổng cộng 6 luồng mạt vụn núi lửa đổ vào và chôn vùi toàn bộ thành phố một cách tuyệt đối.
Sau năm 2000, các nhà khảo cổ đã đào sâu vào các căn phòng ở thành phố cổ Herculaneum và nhận thấy rằng hình dạng của tất cả các đồ nội thất bằng gỗ vẫn còn nguyên vẹn, nhưng chất liệu đã thay đổi rất nhiều - tất cả chúng đều đã được carbon hóa. Tất cả những ai có tìm hiểu thì sẽ đều biết rằng quá trình carbon hóa đòi hỏi nhiệt độ cao và sự cách ly đối với oxy, nên hiển nhiên các thành phố được bao phủ bởi những luồng mạt vụn núi lửa đều sẽ đáp ứng được cả hai điều kiện này.
Các nhà khoa học đã tìm thấy cùng một loại gỗ được sản xuất tại địa phương và sử dụng điều kiện tương tự để mô phỏng quá trình carbon hóa sau khi bị chôn vùi bởi các luồng mạt vụn núi lửa. Mỗi thí nghiệm sẽ tăng thêm 50 độ C cho đến khi mẫu được xử lý và lộ diện dưới kính hiển vi thể hiện các đặc điểm tương tự như những đồ vật được tìm thấy tại thành phố này.
Kết quả thí nghiệm cho thấy nhiệt độ carbon hóa những đồ nội thất này cao tới 500 độ C. Để so sánh, hãy đưa ra một bộ dữ liệu khác: Nhiệt độ của một bếp nướng than khoảng 250-340 độ và nhiệt đội sôi của dầu chiên là từ 200 - 330 độ.
Trong điều kiện này, nhiều vật thể ở Herculaneum đã bị carbon hóa và vô tình được bảo quản dưới lớp tro bụi. Ngoài những tấm cửa lớn hay đồ nội thất bằng gỗ thì còn có một số tài liệu bằng giấy cói được bảo quản theo phương thức tương tự, và nó đã trở thành tư liệu quý giá cho nghiên cứu khảo cổ học.
Ngoài ra còn có một số phát hiện rất thú vị khác, chẳng hạn như quả sung bị carbon hóa, điều này có thể giúp các nhà nghiên cứu xác định thời gian cụ thể của thảm họa, và bánh mì carbon hóa khi vừa mới ra khỏi lò, những điều này cũng có thể cho chúng ta biết chế độ ăn uống của người La Mã.
Trên thực tế, luồng nhiệt "dẻo" nóng tới 500 độ còn đáng sợ hơn nhiều so với dòng chảy từ địa ngục. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy một cảnh tượng kinh hoàng trong kiến trúc có mái vòm nằm gần biển, hơn 300 bộ xương được chôn cất tại đây và họ vẫn giữ nguyên tư thế lúc chết.
Trong những người này, có một số phụ nữ vẫn đang bế con, một số cậu bé ôm chó, và một số gia đình đang trong tư thế bỏ trốn. Theo suy đoán của các nhà khảo cổ học, địa điểm này chỉ cách bờ biển 50 m và có thể đây là một bến tàu nhỏ, những ngôi nhà trong hang động có mái vòm này thực chất là nơi thường có tàu thuyền đến đợi, nhưng những người này không đợi tàu cứu hộ mà chỉ đơn giản là ẩn náu.
Rất có thể là họ đã thực sự tránh được những trận động đất trước khi núi lửa phun trào, vì theo nhiều ghi chép, hoạt động của núi Vesuvius thường gây ra những trận động đất. Họ có thể không biết núi lửa phun trào.
Tuy nhiên, khi bác sĩ pháp y kiểm tra xương, họ phát hiện ra nhiều điều gây sốc hơn thế. Các bác sĩ pháp y đã phát hiện ra một số hiện tượng kỳ dị trong hộp sọ của một số nạn nhân, những hộp sọ này đã bị vỡ và những phần bị gãy xuất hiện các vết tích không đều đặn, điêu này không giống như những tổn thương do ngoại lực gây ra.
Vì vậy, họ suy đoán rằng sự phân mảnh của hộp sọ là do nội lực gây ra, tức là hộp sọ bị nổ. Lý do của vụ nổ cũng rất đơn giản, nhiệt độ cao khiến não của các nạn nhân sôi lên, áp suất trong khoang sọ tăng mạnh dẫn đến phát nổ.
Ngoài ra, các bác sĩ pháp y còn phát hiện bề mặt của những mảnh xương này còn dính một lớp cặn màu đỏ lạ, bên trong có chứa sắt và oxit sắt, đây là dấu vết của máu để lại sau khi các cơ bốc hơi.
Mặc dù những mô tả nghe có vẻ đáng sợ, nhưng trên thực tế, những nạn nhân này có thể bị hơi nóng giết chết trước khi cảm thấy đau đớn. Ngoài ra, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một thi thể kỳ lạ trong một căn phòng được giấu kín.
Nạn nhân được xác định đang nằm trên giường, phần lớn xương của tử thi đã bị carbon hóa, và hầu như không thể nhìn thấy đặc điểm của con người, bác sĩ pháp y đã tìm thấy một số chất thủy tinh lạ khi quan sát hiện trường và chụp ảnh. Sau khi kiểm tra trong phòng thí nghiệm, các bác sĩ pháp y cho rằng đây là một loại axit béo cô đặc cao xuất phát từ mô não của người đã khuất.
Vật chất thủy tinh này chưa từng được phát hiện trước đây và các nhà khoa học cũng không biết làm thế nào để tái tạo sự thay đổi này. Tại sao người đàn ông trên giường này không bỏ trốn? Các nhà nghiên cứu tin rằng anh ta có thể được lệnh ở lại đây, và công việc của anh ta có thể là canh gác khu kiến trúc này. Khoảnh khắc hủy diệt không chỉ đóng băng nỗi thống khổ của các nạn nhân, mà còn phản ánh nhiều hiện tượng xã hội. Các nhà khảo cổ đã cẩn thận kiểm tra những đồ vật xung quanh những bộ xương này, nhiều trong số đó là đồ đạc mà họ mang theo khi chạy trốn.
Một số người không chỉ đeo nhiều đồ trang sức mà còn mang cả vàng bạc châu báu, rõ ràng họ là những công dân giàu có, có địa vị trong thành phố, ngược lại có một số lượng lớn nạn nhân không hề có bất kỳ vật dụng tùy than nào. họ có thể là những người nghèo hoặc nô lệ.
Herculaneum với dân số 4.000 người, tuy không thịnh vượng như Pompeii nhưng cũng là một thành phố rất giàu có thời bấy giờ, thành phố này được coi là nơi nghỉ dưỡng của nhiều quý tộc, và trong thành phố có rất nhiều biệt thự sang trọng. Các quý tộc có hàng trăm nô lệ để phục vụ và cũng có sự phân biệt giàu nghèo rất rõ ràng. Nhưng đối mặt với thảm họa, mọi người đều bình đẳng, nô lệ và chủ nô, người già và trẻ em, đàn ông và phụ nữ, tất cả đều cùng nhau trở về cõi chết.
Vậy có ai thoát được sau thảm họa không? Rõ ràng là chúng ta không thể đào hết xương ra và đếm chúng đủ cho 4000 người. Một phương pháp khả thi là tìm dấu vết của những người sống sót ở các thành phố xung quanh. Vào thời La Mã cổ đại, mỗi thành phố đều có một số họ riêng, nếu bạn tìm thấy họ không thuộc khu vực địa phương trong thành phố thì có nghĩa là có người nhập cư. Ngoài ra, người La Mã thích khắc tên của họ ở những nơi dễ thấy trong nhà.
Các nhà khảo cổ học cũng tìm thấy một phiến đá có ghi danh sách cư dân của Herculaneum trong một ngôi đền, nếu trong những cái tên này có dòng họ nào đó xuất hiện ở một nơi khác thì về cơ bản có thể xác nhận họ là những người sống sót sau thảm họa.
Kết quả tất nhiên đúng như dự đoán, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một người từng xuất hiện trong danh sách cư dân của Herculaneum tại Naples. Và rất có thể anh ta là một trong những người sống sót.
Ngoài ra, một dòng chữ được khắc trên đá cẩm thạch ở Naples mô tả một nơi được gọi là "Vị vua tối cao của Herculaneum", cũng cho thấy một số lượng lớn người dân của Herculaneum đã sống sót sau khi núi Vesuvius phun trào và họ đã bắt đầu cuộc sống mới ở Naples.
Một số nhà sử học tin rằng nhiều người sống sót khác đã đến Kuma, một thị trấn nhỏ ở phía tây, bởi vì theo ghi chép, Kuma là nơi vẫn còn hoang vắng vào năm 79 SCN, nhưng nó đã phát triển nhanh chóng sau năm 81 SCN. Họ đã xây dựng quảng trường, đại lộ, kênh dẫn dòng và các công trình khác. Trước đây, chúng ta chỉ biết rằng vụ phun trào của núi Vesuvius đã phá hủy hai thành phố và để lại những ngôi mộ đầy xác chết.
Nhưng ở thời điểm hiện tại có thể thấy rằng một số lượng lớn những người sống sót đã đi đến những nơi khác nhau để bắt đầu một cuộc sống mới, họ đã để lại cho hậu thế những dấu vết về cuộc sống ở Đế chế La Mã, cũng như những câu chuyện kinh dị khiến chúng ta nhớ đến thảm họa này.
Theo GenK