- Cần dừng việc coi nguồn lực lao động giá rẻ là ưu thế cạnh tranh thu hút vốn đầu tư, đồng nghĩa với việc có một chính sách lương căn bản linh hoạt theo hướng tăng và tái quy hoạch đào tạo dạy nghề chuyên sâu chính quy.
Mới đây, Tổng cục Thống kê công bố thống kê năng suất lao động (NSLĐ) Việt Nam. Theo đó, tính theo sức mua tương đương, NSLĐ của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, bằng 7% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia; 56,7% của Philippines và bằng 87,4% năng suất lao động của Lào. Đáng chú ý là chênh lệch về NSLĐ giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng...[1].
Con số công bố không khỏi động chạm lòng tự ái dân tộc ở nhiều người chúng ta. Và sẽ tệ hơn nếu kết quả này được đem ra làm số liệu báo cáo tại các hội thảo quốc tế về phát triển nguồn nhân lực, làm dẫn liệu tại các hiệp thương kêu gọi vốn đầu tư...
Đã có nhiều ý kiến chỉ ra những nguyên nhân, nêu giải pháp để tăng hiệu suất lao động. Những giải pháp có tính "kỹ thuật" như cải thiện chất lượng giáo dục đào tạo, đẩy nhanh tiến độ chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, đầu tư công nghệ máy móc hiện đại khơi thông nguồn vốn, đẩy nhanh cổ phần hóa DNNN, v.v... đều đúng về lý thuyết. Nhưng đặt trong bối cảnh bộ máy cồng kềnh, cơ chế rườm rà, đụng đâu cũng thấy vướng của Việt Nam thì việc triển khai chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian.
Trong lúc chờ bộ máy khởi động thì có những việc có thể triển khai làm ngay để tăng năng suất lao động mà ít gặp vướng. Đó là dừng việc coi nguồn lực lao động giá rẻ là ưu thế cạnh tranh thu hút vốn đầu tư, đồng nghĩa với việc có một chính sách lương căn bản linh hoạt theo hướng tăng và tái quy hoạch đào tạo dạy nghề chuyên sâu chính quy.
Lâu nay trong hoạt động xúc tiến đầu tư kêu gọi vốn...các nhà thương thuyết thường nhấn mạnh lợi thế cạnh tranh của Việt Nam như chính sách ưu đãi thuế (tax holiday) 5 hoặc 10 năm đầu, giảm giá cho thuê đất / cơ sở hạ tầng... trong đó ưu thế nguồn lao động dồi dào nhân công giá rẻ luôn luôn được nhấn mạnh.
Không thể phủ nhận hiệu quả về ưu thế cạnh tranh nguồn lao động giá rẻ (lương cơ sở 2017 là 1.210.000 vnđ) trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Nhưng chủ trương này cũng tiềm ẩn nhiều nhược điểm.
Ảnh minh họa: Báo đầu tư/ VGP |
Góc nhìn từ nhiều phía
Trước tiên, đứng từ góc độ các nhà đầu tư. Thực tế cho thấy các nhà đầu tư chú trọng lao động giá rẻ thường là những nhà đầu tư có tầm nhìn tương đối “ăn xổi”, lĩnh vực ngành nghề hoạt động thiên về hóa chất, giày da, nhuộm dệt may, công nghiệp nặng... Họ có xu hướng sử dụng máy móc công nghệ cũ, lạc hậu... chính là tác nhân gây ô nhiễm môi trường tạo rác công nghiệp. Nhà đầu tư loại này thường bị nhiều nước "chê" hoặc bị đặt ra hàng rào kỹ thuật khắt khe khi đến tìm hiểu cơ hội đầu tư.
Thực tế ở nước ta đã có những doanh nghiệp nước ngoài sau một thời gian vào đầu tư thuê mướn nhân công cơ sở hạ tầng rình rang... đã “bỏ của chạy lấy người”, để lại một mớ bòng bong như nợ lương nhân công, nợ tiền hàng, nợ tiền thuê công xưởng, trốn thuế, nợ bảo hiểm các loại... gây nhiễu sự cho chính quyền địa phương.
Không chủ trương lấy lao động giá rẻ làm lợi thế cạnh tranh kêu gọi vốn đầu tư tức là gián tiếp loại trừ các nhà đầu tư kiểu này, ngăn chặn từ xa nạn ô nhiễm môi trường, bảo vệ an toàn cho người lao động, góp phần cải thiện chất lượng môi trường sống...
Thứ 2, đứng từ góc độ người lao động. Một khi công nhân biết rằng đồng tiền công nhật thấp rẻ mà họ nhận được chính là kết quả của việc mặc cả trong thu hút vốn đầu tư thì trong thâm tâm họ lòng tự hào dân tộc bị triệt tiêu, niềm tin và độ gắn bó với doanh nghiệp về "mo". Họ sẽ không có động cơ phấn đấu, làm việc cầm chừng, thậm chí khi bất mãn thì vừa làm vừa phá... là những tác nhân làm thất bại NSLĐ.
Người viết từng có lần bỏ ra ngoài phòng họp khi các ông chủ nước ngoài lấy chính sách lương tối thiểu thấp rẻ của lao động Việt Nam ra làm cái cớ mặc cả giá cho thuê hạ tầng một khu công nghiệp. Đáng nói là cũng có đồng nghiệp người Việt nhanh nhẩu "vẽ đường cho hươu chạy" các chiêu trò để nhà đầu tư ép giá nhân công lao động xuống, một "nỗi đau không nói thành lời"!
Thứ 3, đứng từ góc độ Nhà nước. Nhà nước phải chứng tỏ là chỗ dựa là niềm tin của người lao động, luôn luôn đứng về phía bảo vệ quyền lợi người dân trên bàn đàm phán... không lấy đồng lương thấp rẻ của hàng triệu lao động ra làm ưu thế để đổi lấy dự án đầu tư. Đành rằng phát triển kinh tế thị trường là cạnh tranh, là đánh đổi..., nhưng phẩm giá, cuộc sống an toàn của người lao động là những giá trị không thể mang ra đánh đổi.
Nâng chất lượng lao động
Đến bây giờ mà vẫn lấy lao động giá rẻ làm ưu thế cạnh tranh là trái với xu thế! Đã qua rồi thời kỳ đói ăn thiếu mặc, áp lực ngày càng gia tăng về cải thiện chất lượng môi trường sống đưa đất nước vào quỹ đạo phát triển bền vững. Việc đón đầu xu thế nâng chất lượng nguồn lực lao động gắn với kỹ năng chuyên sâu qua đó thanh lọc chất lượng các dự án đầu tư... phải trở thành chính sách ưu tiên.
Cần tái quy hoạch giáo dục dạy nghề chuyên môn có chiều sâu theo kiểu "nhất nghệ tinh", song song với huấn luyện các kỹ năng mềm như tinh thần kỷ luật, kỹ năng làm việc nhóm, ngoại ngữ, lòng tự hào dân tộc... Có chính sách ưu đãi đạo tào ra những "nhân sự nòng cốt" (key worker) cho từng lĩnh vực ngành nghề.
Khi có trong tay "đội quân tinh nhuệ" thì chúng ta tự tin ngã giá với các nhà đầu tư: "tiền nào của đó"! Nhà nước sẽ thu được dự án đầu tư có chất lượng, đời sống người lao động được bảo đảm, NSLĐ tăng cao, doanh nghiệp cũng nhờ đó mà gia tăng lợi nhuận...
Các nước giàu như Úc, Mỹ, Canada... đang có chính sách thu hút nhân tài, khái niệm "nhân tài" của họ không hề cao siêu. Người hàng xóm của tôi năm ngoái xuất cảnh qua Úc diện "skilled worker" (lao động có kỹ năng) mang gia đình đi theo vì cô ấy có bằng chứng nhận làm bánh ngọt đạt chuẩn!
Trong khi đó, chuyện dạy nghề, học nghề của ta thì sao? Chỉ đơn cử một việc, đó là quy chế dạy nghề cho học sinh THCS hiện hành từ lâu mang tiếng là "hữu danh vô thực", chỉ để "làm đẹp hồ sơ"... [2] cũng cần phải được kiểm định lại sự chính đáng của nó. Chương trình "cưỡi ngựa xem hoa", cách tổ chức học và thi thiếu chuyên nghiệp, học sinh đăng ký học nghề không vì yêu nghề mà vì áp lực cộng điểm thi v.v...
Trong tương lai không lâu, lao động Việt Nam không chỉ cạnh tranh năng suất lao động với các nước trong khu vực mà còn phải cạnh tranh robot. Nếu chậm trễ trong việc chuẩn bị nguồn lực nhân sự chính quy thì thị trường lao động nước nhà sẽ mất phương hướng, phát triển chắp vá, thiếu thừa hoảng loạn... Nạn "chảy máu chất xám" lao động lành nghề sẽ càng diễn ra khốc liệt.
Trúc Nguyễn
------------
[1] Tổng cục Thống kê: Năng suất lao động người Việt thua Lào, bằng 7% Singapore, VnEconomy, 27/12/2017.
2] Bộ Giáo dục: Bỏ cộng điểm ưu tiên để khắc phục hiện tượng làm “đẹp hồ sơ”, Dân trí, 09/01/2018.
Tám ngàn lễ hội và năng suất lao động đứng cuối khu vực
Việt Nam có số lượng lễ hội "vô địch" trong một năm nhưng lại đang đứng ở nhóm cuối trong khu vực về năng suất lao động.
Giám đốc Nhật cúi đầu: Người Việt ngưỡng mộ nhưng ngại thực hành
Nhiều người Việt bày tỏ sự khâm phục trước hình ảnh ông giám đốc người Nhật cúi mình trong mưa hàng giờ để cám ơn khách hàng. Nhưng ai sẽ làm như ông ấy?
Bệnh ‘giờ cao su’ thấm vào máu người Việt?
Có thể do thói quen, do tính ỷ lại hoặc đơn giản là sự thiếu tôn trọng chính bản thân mình đã ngấm vào máu thịt. Cũng có thể do những nguyên nhân gì khác nữa...
Gộp Tết cũng chẳng giúp được người Việt thay đổi nếu…
Bản chất của vấn đề làm cho đất nước giàu mạnh, văn minh không nằm trong chuyện chuyển đổi lịch thuần túy.
Người Việt ham học, ham làm giàu và ham thăng quan tiến chức
Để phần nào lý giải vì sao chúng ta mãi chưa giàu, có lẽ nên bắt đầu tìm hiểu từ khía cạnh nhận thức, quan điểm về giàu nghèo của người Việt.
Chiếm 70% dân số Việt: 'lao động rẻ' là sự đau đớn
Gần 70% dân số ở độ tuổi lao động; phần lớn lại rơi vào lao động phổ thông, lao động trình độ thấp. Thậm chí ta đã từng tạm hài lòng với lợi thế cạnh tranh tương đối đau đớn là “lao động rẻ”.