Đối với kinh tế Việt Nam, cải thiện và thúc đẩy tăng năng suất lao động là vấn đề cốt lõi hiện nay, là con đường ngắn nhất đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, bắt kịp trình độ phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Thực tế, năng suất lao động của Việt Nam vẫn đang thuộc nhóm thấp ở châu Á dù có những cải thiện trong những năm gần đây.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và thấp hơn Hàn Quốc 10 lần. So với các nước Đông Nam Á, năng suất lao động của Việt Nam cũng ở mức rất thấp, chỉ bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan. Năng suất lao động của Việt Nam chỉ cao hơn năng suất lao động của Campuchia (gấp 2,4 lần), Myanmar (1,6 lần), Lào (gấp 1,2 lần).
Lao động làm công việc tự sản tự tiêu trong khu vực nông nghiệp là 3,7 triệu người, một con số rất đáng kể trong lực lượng lao động. Hầu hết tất cả lao động sản xuất tự sản tự tiêu đều không có bằng cấp, chứng chỉ. Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng yêu cầu cao về tay nghề, kỹ năng cũng như nền kinh tế có dấu hiệu suy thoái và thiếu tính ổn định, cơ hội để nhóm lao động này tìm kiếm được công việc tốt là rất khó khăn.
Chất lượng lao động cũng là một trong những thách thức khác mà nhiều doanh nghiệp đang gặp phải. Theo Tổng điều tra lao động và việc làm của Tổng cục Thống kê, cả nước chỉ có khoảng 26,1% người có việc làm đã qua đào tạo.
Trong đó, tỷ lệ người lao động có trình độ từ cao đẳng-đại học trở lên chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 15%. Tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo thấp nhất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (14,7%) và cao nhất ở vùng Đồng bằng sông Hồng (36,8%).
Chất lượng lao động còn có thể xem xét qua một thước đo quan trọng khác, đó là năng suất lao động, thể hiện qua số lượng sản phẩm được tạo ra tính trên một đơn vị người lao động làm việc hoặc giờ lao động.
Năng suất lao động được coi là chìa khóa dẫn đến sự thịnh vượng của quốc gia. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế đã xác định tốc độ tăng năng suất lao động giai đoạn 2021-2025 bình quân trên 6,5%/năm.
Tuy nhiên, tốc độ tăng năng suất lao động năm 2021, 2022 lần lượt là 4,6%; 4,8%, thấp hơn so với mục tiêu đặt ra. Năm 2023 ước tính tăng 3,8 - 4,8%; bình quân 3 năm 2021-2023 tăng 4,36 - 4,69%, thấp hơn so với bình quân 3 năm 2016 - 2018 là 6,26%.
Năng suất lao động của nước ta thấp là do: Cơ cấu lao động theo ngành kinh tế chưa hợp lý; Chưa phát huy được vai trò chủ đạo của năng suất lao động nội ngành; Năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp thấp; Ứng dụng công nghệ, kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh còn hạn chế, máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu; Nguồn nhân lực còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Vấn đề năng suất lao động thấp đã được đề cập trên báo chí nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Đã đến lúc cần nhận thức về tầm quan trọng của năng suất lao động, khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về nâng cao năng suất lao động Việt Nam.
Suy cho cùng, để “cạnh tranh sòng phẳng” với các nền kinh tế trong khu vực và thế giới, chúng ta phải cạnh tranh bằng năng suất lao động vượt trội.