Năm 2023, Starbucks đánh dấu 10 năm hoạt động tại Việt Nam bằng cách mở địa điểm thứ 100. Starbucks đã tập trung nâng cấp và mang đến một không gian trải nghiệm hoàn toàn mới khi khai trương lại cửa hàng Starbucks New World - cửa hàng Starbucks đầu tiên tại Việt Nam.
Starbucks của Mỹ đã thực hiện một cách tiếp cận “thận trọng và phù hợp với địa phương”. Cho đến nay, số cửa hàng mở tại thị trường cà phê lớn nhất ở Đông Nam Á được xem là khá khiêm tốn so với các nước khác. Tại Singapore, một thị trường nhỏ trong khu vực, Starbucks có gần 150 cửa hàng.
Starbucks dù đã có thập kỷ hoạt nhưng từ chối cho biết khả năng có lãi khi kinh doanh tại thị trường Việt Nam.
Trong khi đó, các thương hiệu cà phê khác như The Coffee House và Phúc Long Coffee and Tea đã thu hút những khách hàng trẻ tuổi với gu thẩm mỹ sành điệu. Nền kinh tế mở cửa của Việt Nam đã du nhập những xu thế quốc tế, như cà phê "làn sóng thứ ba", tập trung vào việc chưng cất hương vị tự nhiên của hạt cà phê.
Bên cạnh đó, Highlands Coffee, Trung Nguyên Legend, Cà Phê Cộng, Gemini Coffee… vẫn là các thương hiệu được ưa chuộng hàng đầu tại Việt Nam và nó khiến cho các thương hiệu ngoại như Starbucks không dễ mở rộng.
Gần đây, nhiều thương hiệu một thời vang bóng đã về tay các đại gia Việt và phát triển không ngừng. Nó cũng khiến cho cuộc đối đầu nội-ngoại ở thị trường trong nước cân bằng hơn.
Trong 2 năm 2021-2022, Masan đã chi hàng trăm triệu USD để sở hữu 85% cổ phần tại Phúc Long. Chiến lược của Masan là M&A, đầu tư với quy mô lớn để cạnh tranh với các chuỗi nước ngoài.
CEO Masan Danny Le cho biết, tập đoàn này thường nhìn vào những thương hiệu Việt mạnh trên thị trường và tính tới việc mang thương hiệu Việt Nam ra thế giới. Trong lĩnh vực trà - cà phê, Phúc Long là một thương hiệu mạnh giống như Starbucks để có thể đưa ra thế giới.
Trong mảng cà phê chế biến, các ông lớn nội cũng giữ được vị thế lớn. Với Vinacafé Biên Hòa (VCF), cú M&A bất ngờ của Masan đối với thương hiệu cà phê hòa tan có thị phần lớn nhất Việt Nam vào năm 2011 đã giúp Masan đi trước và nắm giữ cổ phần áp đảo tại Vinacafé Biên Hòa so với các quỹ đầu tư nước ngoài: Hongkong GaoLing Fund (hiện nắm giữ hơn 23%), FTIF - Templeton Frontier Markets Fund (1,6%) và Barca Global Master Fund, L.P. (1,5%).
Quyết định thâu tóm VCF cũng giúp Masan cùng với Trung Nguyên cạnh tranh sòng phẳng với tập đoàn ngoại trên thị trường cà phê chế biến Việt Nam.
Còn tại Trung Quốc, G7 Trung Nguyên chỉ đứng sau 3 thương hiệu Nestle, Starbucks và Saturnbird được yêu thích nhất tại Trung Quốc.
Có thể thấy, nhiều thương hiệu lâu đời của Việt Nam suy yếu trong một thế giới phẳng, trước áp lực cạnh tranh từ ngày càng mạnh từ các tập đoàn đa quốc gia, ngay trên thị trường nội địa. Tuy nhiên, có những thương hiệu không ngừng lớn mạnh sau khi về tay các đại gia Việt, nhờ hệ thống quản trị tốt, tiềm lực tài chính mạnh và hệ thống bán hàng sâu rộng.
Vinacafé Biên Hòa (VCF), Nước khoáng Vĩnh Hảo, Vinamilk… là những thương hiệu lâu đời và hiện vẫn là những cái tên nổi bật trong ngành đồ uống của Việt Nam, cạnh tranh vượt trội ở thị trường trong nước và đã vươn tầm để hiện diện ở nhiều quốc gia khác.
Nhiều sản phẩm mới ra đời dưới sự lèo lái của Tập đoàn Masan do ông Nguyễn Đăng Quang làm Chủ tịch cũng như các doanh nhân khát khao xây dựng và bảo vệ thương hiệu Việt như bà Mai Kiều Liên.
Lớn mạnh khi về tay đại gia Việt
CTCP Vinacafé Biên Hòa (VCF) vừa đưa ra kịch bản kế hoạch kinh doanh năm 2023. Theo đó, doanh nghiệp sản xuất cà phê hòa tan đầu tiên ở Đông Nam Á dự kiến lãi ròng tối đa đạt 500 tỷ đồng.
Đây là một mục tiêu không thấp trong bối cảnh sức cầu trên thị trường trong nước cũng như quốc tế giảm mạnh khi mà nền kinh tế hầu hết các quốc gia đối mặt với rất nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19, xung đột Nga-Ukraine cũng như những bất ổn trên thị trường tài chính ngân hàng toàn cầu. Lãi suất ở mức cao cũng gây khó khăn cho các doanh nghiệp.
Mức lợi nhuận 500 tỷ đồng thậm chí là con số ấn tượng đối với một doanh nghiệp có quy mô vốn chưa đến 266 tỷ đồng và cao hơn so với con số lãi hơn 319 tỷ đồng trong năm 2022 đầy khó khăn vừa qua.
Sau khi về tay Tập đoàn Masan (MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang (Masan gián tiếp sở hữu 99% cổ phần), Vinacafé Biên Hòa phát triển mạnh mẽ, với lợi nhuận từ mức khoảng 200 tỷ đồng lên mức 320-720 tỷ đồng/năm sau đó.
VCF luôn là doanh nghiệp có thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) cao hàng đầu trên thị trường chứng khoán và cũng có thị giá thuộc top đầu.
Vinacafé Biên Hòa được biết đến là đơn vị sản xuất cà phê hòa tan đầu tiên ở Đông Nam Á, hoạt động từ năm 1968. Giai đoạn đầu, VCF đã phát triển danh mục sản phẩm cũng như thiết lập hệ thống phân phối sâu rộng, giữ thị phần số 1 trong ngành cà phê hoà tan và vị trí hàng đầu trong ngành hàng đồ uống có thương hiệu tại Việt Nam.
Trong vài năm gần đây, Vinacafe Biên Hòa (VCF) - một công ty con của Công ty TNHH MTV Masan Beverage (thuộc Tập đoàn Masan) tấn công mạnh sang lĩnh vực nước tăng lực, đấu với Red Bull đền từ Thái.
Sau 12 năm về với Masan, VCF thắng lớn với dòng nước tăng lực, đặc biệt dòng nước tăng lực vị cà phê Night Wolf. Trước đó, VCF bắt đầu vào mảng này với nước tăng lực Wake-up 247.
Sự nổi lên của dòng sản phẩm Wake-up 247 đã làm giảm sự thống trị của Red Bull đến từ Thái Lan hay một số thương hiệu khác như Sting của PepsiCo và Number 1 của Tân Hiệp Phát...
Bên cạnh đó, sự ra đời của thương hiệu “Compact” và “Hổ Vằn” cũng giúp Masan đẩy mạnh vị thế trong lĩnh vực đồ uống.
Năm 2017, Vinacafé được công nhận “Nhãn hiệu nổi tiếng Việt Nam”. Danh mục sản phẩm phong phú của VCF bao gồm các thương hiệu như Vinacafé, Wake-Up, Café de Nam, Phil, Wake-Up 247 và Kachi.
Trong toàn bộ phân khúc đồ uống, trà đóng gói uống liền, cacbonat, nước đóng chai, cà phê và nước tăng lực là những sản phẩm chiếm thị phần lớn nhất tính theo giá trị. Masan đang cạnh tranh trong 3 ngành hàng đồ uống lớn nhất ở Việt Nam là nước tăng lực, nước uống đóng chai, và cà phê.
Về nước đóng chai, theo Masan, thị trường này có quy mô thị trường trị giá 6,5 nghìn tỷ đồng năm 2022, và được dự báo sẽ tăng trưởng hai chữ số trong ngắn và trung hạn, với nguyên nhân đến từ chất lượng nguồn nước ngày càng suy giảm một số vùng, dẫn đến nhu cầu có nước uống sạch và an toàn tăng mạnh.
Masan bắt đầu ngành hàng này bằng việc mua lại 2 thương hiệu nước đóng chai hàng đầu và lâu đời tại Việt Nam, gồm: Vĩnh Hảo và Quang Hanh. Bên cạnh đó, trong hơn 2 năm qua, Masan đã xây dựng sản phẩm nước khoáng cao cấp mới với thương hiệu “Vivant”.
Lên tầm khu vực, ngang ngửa ông lớn ngoại
Không chỉ các thương hiệu đồ uống của Masan, Vinamilk (VNM) được đánh giá là một trong số ít những doanh nghiệp đủ khả năng để mở rộng sang ngành nước giải khát (nếu muốn) nhờ vào khả năng quản trị tầm cỡ khu vực cũng như hệ thống phân phối hàng đầu tại Việt Nam.
Dưới sự lãnh đạo của nữ doanh nhân nổi tiếng Mai Kiều Liên, Vinamilk được Brand Finance (công ty định giá thương hiệu hàng đầu thế giới) xếp hạng là thương hiệu sữa lớn thứ 6 thế giới, và là thương hiệu ngành thực phẩm có giá trị nhất Việt Nam. Năm 2022, Vinamilk được định giá 2,814 tỷ USD, tăng ấn tượng 18% so với năm 2021.
Trên thị trường sữa bột, thị phần của Vinamilk ngang ngửa với Abbott (của Mỹ), mỗi đơn vị chiếm khoảng trên dưới 20%.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Vinamilk, doanh nghiệp này đặt mục tiêu doanh thu hơn 63.000 tỷ đồng và lợi nhuận hơn 8.500 tỷ đồng, quyết chuyển đổi để vượt qua cái bóng thành công trước đây.
Bà Mai Kiều Liên cho biết, tại thị trường Việt Nam, VNM có thị trường lớn nhất, có lợi thế cạnh tranh, có sản phẩm trải dài ở hầu hết ngành hàng. Vinamilk đã có lợi nhuận từ lâu tại nhà máy tại Campuchia. Trong nhiều năm qua, VNM đã xuất khẩu sang Trung Quốc. VNM cũng liên doanh với đối tác Del Monte để ra sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng Philippines để xuất khẩu và khi thị trường đủ lớn thì VNM sẽ xây dựng nhà máy và trang trại bò tại quốc gia này.
Một số doanh nghiệp đồ uống Việt khác cũng khẳng định được vị thế của mình trên thị trường nội địa, ở những phân khúc riêng, với nhiều nhãn hiệu trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Việt.
Trong đó, Đường Quảng Ngãi nổi tiếng với sản phẩm bia Dung Quất và sữa đậu nành Việt Nam Vinasoy nhưng cũng có sản phẩm nước khoáng Thạch Bích đạt thương hiệu quốc gia. Đây cũng là một doanh nghiệp có thể tấn công mạnh sang lĩnh vực này.
Với Trung Nguyên, thương hiệu cà phê hàng đầu Việt Nam có khoảng thời gian rơi vào khó khăn khi vợ chồng “vua cafe Việt” Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo trải qua cuộc ly hôn nghìn tỷ.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, Trung Nguyên vẫn là là thương hiệu cà phê nội nổi bật tại Việt Nam. Trong khi đó, bà Thảo gây dựng thành công thương hiệu King Coffee với chiến lược biến thương hiệu thành biểu tượng. Các thương hiệu cà phê Việt cạnh tranh mạnh mẽ với ông lớn ngoại Nestle.
Cách đây hơn thập kỷ, Trung Nguyên đã xuất khẩu cà phê sang Trung Quốc và tới cuối năm 2022 đã khai trương mô hình Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend đầu tiên tại Thượng Hải. Theo Viện nghiên ứu CNPP, G7 Trung Nguyên chỉ đứng sau 3 thương hiệu Nestle, Starbucks và Saturnbird được yêu thích nhất tại Trung Quốc.
King Coffee của bà Thảo cũng tham vọng chinh phục thị trường tỷ dân Trung Quốc, bắt đầu tư văn phòng đầu tiên tại Thẩm Quyến. Trong vài năm gần đây, King Coffee cũng đã hiện diện tại Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Úc, Ấn Độ…
Không chỉ giữ được thương hiệu Việt, các doanh nhân Việt vẫn tiếp tục đẩy mạnh phát triển các tài sản quý giá được thế hệ đi trước để lại. Gần đây, VCF đề ra các chiến lược đẩy mạnh sáng tạo sản phẩm (Innovation). Đây được xác định là động lực tăng trưởng chính, thâm nhập vào thị trường châu Á, tiếp tục tối đa hóa công suất cũng như năng lực sản xuất khẩu của các nhà máy café hòa tan để tối ưu giá thành sản xuất, chuyển đổi số (Digital Transformation) và phát triển bền vững (Sustainable Growth).