Du lịch tháng cao điểm: "Mất sức hơn cả đi làm"
Tới biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) vào chiều cuối tuần nắng nóng, anh Minh Đức (đang sống và làm việc tại Phú Quốc) "giật mình" với cảnh hàng ngàn người ken đặc bãi biển, phía trên đường, dòng xe chen chúc xếp hàng dài.
"Mình đang sống ở Phú Quốc - nơi cao điểm du lịch hè nhưng các bãi biển ở đó không đông nghịt khách như thế này. Mình thực sự bị choáng", anh Đức cho biết. "Lượng khách quá đông nên mình tắm giải nhiệt một chút chứ không thực sự thấy thoải mái", anh nói thêm.
Do có người quen ở gần bãi biển nên anh Đức có thể dễ dàng gửi xe. Trong khi đó, nhiều du khách đến Sầm Sơn "than trời" vì phải gửi ô tô cách hàng cây số, sau đó lại "khốn khổ" tìm xe ôm, xe điện... đi vào khu vực bãi tắm.
Sầm Sơn đông nghẹt trong chiều cuối tuần tháng 7 (Video: Minh Đức)
Từ Hà Nội về Hạ Long (Quảng Ninh) du lịch, gia đình chị Thanh Nga (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cảm thấy "mất sức hơn cả đi làm". "Từ trên cao tốc, vợ chồng tôi đã thấy lượng xe đông. Vào tới trung tâm thành phố, một số cung đường tắc nghẽn. Nhưng đáng sợ nhất là các khu vui chơi hay quán ăn nổi tiếng. Tới quán vào lúc 11h trưa, gia đình tôi (2 người lớn, 2 trẻ nhỏ) phải chờ gần 1 giờ mới có đồ ăn. Sáng hôm sau, cả nhà xếp hàng dài để mua vé khu vui chơi. Mua được vé thì "nắng vỡ đầu", các con kêu gào mệt mỏi, chỉ chơi vài trò rồi đòi về khách sạn", chị Nga ngao ngán kể. "Dẫu biết đang cao điểm du lịch nhưng các con tuổi đi học, nếu không đi tầm này thì nhà tôi chẳng có thời gian nào khác. Không ngờ, du lịch chật vật, mất sức hơn cả đi làm", chị Nga nói.
Gia đình anh Thanh Hải (Linh Đàm, Hà Nội) cũng "nhớ đời" khi mất 8 tiếng đồng hồ, trong đó có 6 giờ chờ phà mới có thể từ Hà Nội tới Cát Bà (Hải Phòng). "Dự định đi từ 4h sáng để tránh tắc đường, thời tiết mát mẻ nhưng 3 con còn nhỏ, lịch trình bị trễ. Tôi đến bến phà khoảng 9h sáng, hàng trăm xe lớn, nhỏ xếp hàng dài chờ đợi. Buổi trưa, tôi cho con ăn tạm sữa, bánh ngọt còn hai vợ chồng thì "uống nước cầm hơi". Tới khoảng 15h chiều, chúng tôi mới lên phà", anh Hải cho biết.
Trên một số diễn đàn du lịch, nhiều du khách cho biết, họ gặp khó khăn khi tìm đặt phòng ven biển tại Đà Nẵng, Hội An vào dịp cuối tuần. Tại các huyện đảo như Phú Quý (Bình Thuận), Lý Sơn (Quảng Ngãi) hay Cô Tô, Quan Lạn (Quảng Ninh), du khách đều phải tìm đặt trước 10 - 15 ngày mới có khách sạn như ý.
Lượng khách tăng "chóng mặt"
Hình ảnh biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) ken đặc du khách không chỉ xuất hiện trong những ngày cao điểm nắng nóng mà đã trở nên quen thuộc trong các ngày cuối tuần vài tháng qua. Tỉnh thành này đã và đang đón lượng khách "khủng", đạt những con số ấn tượng về du lịch.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa thông tin, chỉ trong 6 tháng đầu năm, tỉnh này đón gần 7,4 triệu lượt khách. Riêng bãi biển Sầm Sơn đã đón 4,4 triệu lượt khách. Riêng trong tháng 6, Thanh Hóa đón 2,5 triệu lượt khách (trong đó có 15.700 lượt khách quốc tế) và dự kiến lượng khách tháng 7 là hơn 1,6 triệu.
Sở Du lịch Quảng Ninh thông tin, trong 6 tháng đầu năm, tỉnh này đã đón 5,5 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt hơn 12.000 tỷ đồng. Các dịp cuối tuần, ngày lễ, tỷ lệ lấp đầy phòng tại các khu nghỉ dưỡng, khách sạn hạng sang trên địa bàn tỉnh đạt từ 90-100%; tàu đưa khách tham quan và ngủ đêm trên vịnh Hạ Long luôn ở tình trạng kín khách...
Dịp cuối tuần 16-17/7, các điểm du lịch của tỉnh như Hạ Long, Cô Tô, Vân Đồn đón trên 160.000 lượt khách đến tham quan. Riêng vịnh Hạ Long đón 45.000 lượt, các điểm vui chơi tại khu du lịch Bãi Cháy đón trên 60.000 lượt.
"Lượng khách đặt phòng sớm ngày cuối tuần tăng mạnh. Cơ sở nằm ven biển ở Bãi Cháy của chúng tôi đã kín 95% phòng các ngày cuối tuần đến hết tháng 7. Các cơ sở khác chỉ còn khoảng 20 -25% lượng phòng trống ngày cuối tuần", giám đốc kinh doanh một chuỗi khách sạn tại Hạ Long cho biết.
Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cũng đón lượng khách ấn tượng vào tháng 7/2022. Theo bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, trong 6 tháng đấu năm 2022, huyện đảo đón gần 40.000 lượt khách. Riêng nửa đầu tháng 7, huyện đảo đã đón tới hơn 33.000 lượt khách.
Phòng vé cảng Sa Kỳ, huyện Bình Sơn lúc nào cũng chật kín du khách chờ lên tàu cao tốc. Mỗi ngày, đơn vị này có khoảng 8-11 tàu cao tốc, đưa khoảng 1.000 người dân, du khách ra huyện đảo Lý Sơn.
Sở Du lịch Khánh Hòa thông tin, trong 6 tháng đầu năm, địa phương ước đón hơn một triệu lượt khách. Tính riêng tháng 6/2022, tỉnh này đón khoảng 350.000 lượt khách, trong đó có khoảng 13.000 lượt khách quốc tế. Các điểm tham quan nổi tiếng như Tháp Bà, Hòn Chồng, bến tàu, bến cảng thường xuyên xảy ra tình trạng đông đúc, thậm chí quá tải dịp cuối tuần.
Tại Bình Định, nhiều khách sạn, resort ven biển đã chật kín phòng các ngày trong tuần, và gần như kín chỗ vào các ngày cuối tuần trong tháng 7. Các đoàn khách MICE có thể đặt phòng sớm 1-2 tháng. Thống kê của Sở Du lịch Bình Định, 6 tháng đầu năm nay, địa phương đón hơn 2,2 triệu lượt du khách, tăng 92,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thông tin với báo VietNamNet, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận cho biết: 6 tháng đầu năm địa phương này đón khoảng 2,39 triệu lượt khách du lịch. Du khách tới Bình Thuận không chỉ đến tham quan thành phố Phan Thiết mà còn đổ tới bãi đá Bình Thạnh, Hòn Cau và đặc biệt là Phú Quý. Thông tin từ UBND huyện Phú Quý, trong 6 tháng đầu năm 2022, huyện đảo này đón khoảng 44.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, trong đó riêng tháng 6 ước đón gần 13.300 lượt du khách.