Ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục An toàn thông tin phát biểu tại hội nghị tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về an toàn thông tin diễn ra trung tuần tháng 11/2018 tại Bình Thuận. |
Thông tin từ Cục An toàn thông tin cho hay, ngày 8/11 vừa qua, tại tỉnh Bình Thuận, cơ quan này đã chủ trì tổ chức hội nghị nâng cao nhận thức - yếu tố quyết định đảm bảo an toàn thông tin trong chuyển đổi số quốc gia.
Có sự tham dự của cán bộ các Bộ, cơ quan ngang bộ, các Sở, ban, ngành các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên và đại diện các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, hội nghị tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về an toàn thông tin là hoạt động trong khuôn khổ Đề án 893 (Đề án Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về an toàn thông tin đến năm 2020 - PV).
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục An toàn thông tin – Bộ TT&TT cho biết, trong thời gian qua, các cuộc tấn công mạng ngày càng diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng mạnh cả về quy mô và tính chất phức tạp. Cục An toàn thông tin đã ghi nhận nhiều cuộc tấn công mạng trực tiếp nhằm vào người dùng như tình trạng lừa đảo thẻ cào, lừa đảo chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, mã hóa dữ liệu người dùng…, đặc biệt xuất hiện nhiều nhóm tội phạm trong nước sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tiền của cá nhân, tổ chức. Nhiều vụ đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.
Trên cơ sở đó, hội nghị tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về an toàn thông tin tại Bình Thuận do Bộ TT&TT tổ chức trang bị thêm cho các đại biệu tham dự kiến thức pháp luật, kỹ năng để tự đảm bảo an toàn thông tin cá nhân và triển khai công tác bảo đảm an toàn cho các hệ thống thông tin phục vụ hoạt động của cơ quan, đơn vị mình cũng như phục vụ cho cộng đồng.
Cụ thể, theo đại diện Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT, tại hội nghị lần này, các chuyên gia về an toàn thông tin đã tập trung chia sẻ 3 nhóm nội dung chính, bao gồm: Tuyên truyền phổ biến về chủ trương, đường lối, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước về an toàn thông tin; Phổ biến các kỹ năng đơn giản để đảm bảo an toàn thông tin và tự bảo vệ thông tin cá nhân trên môi trường mạng, khả năng chủ động đấu tranh, phòng chống những thông tin và luận điệu tiêu cực, độc hại trên Internet, khai thác sử dụng Internet một cách hiệu quả, thiết thực; Kinh nghiệm và giải pháp “đảm bảo an toàn thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử” tại tỉnh Bình Thuận.
Đề án Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về an toàn thông tin đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 6/2015. Đề án này đặt mục tiêu đến năm 2020, công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về an toàn thông tin tạo được tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về an toàn thông tin với các kết quả cụ thể gồm: Dưới 50% các sự cố mất an toàn thông tin xảy ra vì lý do bắt nguồn từ nhận thức yếu kém về các nguy cơ mất an toàn thông tin của con người; Trên 50% người sử dụng nói chung, trên 60% học sinh và trên 70% sinh viên được tuyên truyền, phổ biến về các nguy cơ và kỹ năng cơ bản phòng tránh mất an toàn thông tin; chủ trương, đường lối, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước về an toàn thông tin;
Trên 80% công chức, viên chức, cán bộ của các cơ quan, tổ chức nhà nước được tuyên truyền, phổ biến về thói quen, trách nhiệm và kỹ năng đơn giản để bảo đảm an toàn thông tin khi ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước; Trên 80% cán bộ, công nhân viên, người lao động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, CNTT, được tuyên truyền, phổ biến về nguy cơ, quy trình điều phối ứng cứu, xử lý sự cố mất an toàn thông tin; trách nhiệm và quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực an toàn thông tin; trên 90% phóng viên hoạt động trong lĩnh vực CNTT, và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị được phổ biến về các nguy cơ, hậu quả và trách nhiệm trong vấn đề mất an toàn thông tin; xu hướng và tình hình mất an toàn thông tin tại Việt Nam và trên thế giới.
Để đạt được các mục tiêu kể trên, “Đề án Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về an toàn thông tin đến năm 2020” đã xác định rõ một trong 5 nhiệm vụ chính sẽ được tập trung triển khai thời gian tới là tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về ATTT ở các cơ sở giáo dục. Cụ thể, sẽ rà soát chương trình, nội dung, thời lượng giảng dạy và biên tập tài liệu giáo dục về an toàn thông tin lồng ghép vào môn tin học, hoạt động ngoại khoá phù hợp với từng lớp học và bậc học (từ trung học cơ sở đến trung học phổ thông); đồng thời tổ chức các cuộc thi về an toàn thông tin cho các nhóm đối tượng khác nhau là học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp.
Cùng với đó, Đề án còn thực hiện tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về an toàn thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông xã hội như: Mở chuyên mục, chuyên trang trên các phương tiện thông tin đại chúng để thực hiện các nội dung tuyên truyền; Sản xuất phóng sự, chương trình, trao đổi, đối thoại trên hệ thống phát thanh, truyền hình; Đưa tin, bài viết trên hệ thống báo chí, báo điện tử, trang tin điện tử, diễn đàn trực tuyến, mạng xã hội; Tổ chức tập huấn, phổ biến cho đội ngũ phóng viên CNTT về các nội dung của Đề án.
Được biết, trong năm nay, nhằm tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về an toàn thông tin mạng, bảo vệ hệ thống thông tin theo cấp độ, Bộ TT&TT đã chủ trì tổ chức các đoàn công tác làm việc với 20 cơ quan chuyên trách về CNTT của các Bộ, ngành, địa phương để kiểm tra, đánh giá, giám sát an toàn thông tin và triển khai các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có Quyết định 893 ngày19/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về an toàn thông tin đến năm 2020.