Phẫu thuật nâng mũi cấu trúc là ca phẫu thuật đòi hỏi bác sĩ thực hiện phải có kỹ năng phẫu tích chính xác và thuần thục, nhiều kinh nghiệm trong kỹ thuật lấy sụn, ghép sụn để dựng trụ mũi, tái tạo chóp mũi bằng sụn cánh, sụn vách ngăn hay sụn sườn, sụn tai còn màng sụn, mỡ trung bì, megaderm… và đặc biệt là kinh nghiệm đánh giá sự tưới máu, nuôi dưỡng của các tổ chức mô tại vị trí ghép sụn mà lựa chọn mô ghép phù hợp nhất để có kết quả lâu dài và hạn chế tối đa các tai biến, biến chứng.
Sau phẫu thuật nâng mũi cấu trúc, thường xuất hiện nhất là sưng bầm vùng quanh sống mũi, đặc biệt là vùng khóe trong mắt, phần dưới hốc mắt, một số trường hợp nặng hơn là mí trên và phần trán trên gốc mũi. Tình trạng này không có gì đáng ngại vì đó chỉ là chấn thương, phản ứng viêm của cơ thể sau quá trình bóc tách mô. Thường dấu hiệu này sẽ giảm sau ngày thứ 5 phẫu thuật. Chườm lạnh trong 72 giờ đầu, nẹp định hình 7-10 ngày đầu sau phẫu thuật giúp giảm sưng bầm.
Bên cạnh đó là các biến chứng sau nâng mũi cấu trúc có thể xảy ra như:
- Chảy máu và tụ máu sau phẫu thuật, đặc biệt là ở vách ngăn mũi, vùng lấy sụn tai, vùng lấy sụn sườn do kỹ thuật lấy và cầm máu không tốt. Nếu nhiều cần phải phẫu thuật làm sạch máu cục, cầm máu lại thật kỹ, có thể dẫn lưu.
- Nhiễm trùng mũi sau nâng mũi: Xuất hiện tình trạng đau sưng, nóng đỏ có khả năng phát sốt, thường chỉ xảy ra 3-5 ngày sau phẫu thuật. Nhiễm trùng xuất hiện khi không đảm bảo vô trùng, vô khuẩn phòng mổ, dụng cụ mổ, tay phẫu thuật viên, vật liệu ghép đặc biệt là sụn, mảnh ghép nhân tạo.
- Mũi bị co rút, biến dạng: Mũi bị hếch, nghiêng sang một bên, lỗ mũi không cân xứng, đầu mũi to, trụ mũi lệch,... các biến chứng này chủ yếu là do bác sĩ thực hiện không đảm bảo kỹ thuật khi bóc tách, phẫu tích mô (xâm lấn nhiều gây tổn thương mô), không đủ kinh nghiệm trong việc đánh giá, khâu cố định mảnh ghép vào sụn nền không vững chắc hoặc khâu cột quá nhiều gây tiêu sụn sau phẫu thuật. Rất nhiều trường hợp khi mổ lại ghi nhận việc ghép sụn rất nhiều (sụn tai, vách ngăn, mảnh ghép nhân tạo…) tuy nhiên sự vững chắc không có dẫn đến trục mũi bị vẹo lệch.
- Lộ sống mũi, đầu mũi bị bóng đỏ, nặng hơn là tình trạng lộ sụn, thủng da mũi: Đây là một dạng biến chứng muộn, thường xuất hiện sau nâng mũi cấu trúc một vài hoặc nhiều năm. Nguyên nhân là do bác sĩ thực hiện không đánh giá đúng độ dày mỏng của da, trong quá trình đặt sụn ghép gây áp lực lớn lên mô mềm và da mũi. Ngoài ra, còn có nguyên nhân khác là sử dụng sụn ghép kém chất lượng.
- Hoại tử mũi là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất, xảy ra khi tình trạng nhiễm trùng, nhiễm khuẩn không được xử lý sớm. Nguyên nhân là do tổn thương cuống mạch chính, rách thủng niêm mạc mũi diện rộng khi phẫu tích, nhiễm trùng không được phát hiện và xử lí sớm kịp thời.
Ngoài ra, nhiều trường hợp biến chứng khi phẫu thuật nâng mũi cấu trúc hỏng sửa đi sửa lại nhiều lần gây nên tổn thương bề mặt bên trong (hay còn gọi là niêm mạc mũi). Cũng như khi ghép các mảnh ghép để tạo cấu trúc mũi vững chắc, bác sĩ đã dùng mảnh ghép quá nhiều, làm tăng bề dày của vách ngăn nhiều hơn so với tự nhiên ảnh hưởng vấn đề hô hấp và chèn ép các cuống mũi. Có trường hợp dẫn đến bít lỗ mũi gây nên biến chứng nghẽn sự thông khí ở mũi, cảm giác khi thở không thoáng; trường hợp chèn ép cuống mũi gây phù nề, dị ứng, tăng tiết dịch mũi, lâu ngày dẫn đến polyp, tắt lỗ xoang gây viêm xoang cùng nhiều biến chứng khác.
Khi nghi ngờ dấu hiệu mũi sau nâng bị hoại tử, hay biến chứng, người bệnh cần đến ngay cơ sở nâng mũi để bác sĩ trực tiếp thăm khám và khắc phục chỉnh sửa.
ThS.BS Hồ Cao Vũ
BS. Hồ Cao Vũ tốt nghiệp thạc sĩ Trường đại học Y Dược TP.HCM, đã có nhiều năm công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy. BS. Vũ có kinh nghiệm phẫu thuật thẩm mỹ và tạo hình nâng mũi hỏng sau phẫu thuật như mũi lệch trụ, lệch sóng, lệch vách ngăn, lộ sóng… Năm 2010, BS. Vũ đã trải qua khóa đào tạo trực tiếp tại khoa phẫu thuật tạo hình của MD Aderson Cancer Center Hospital, Houston, Texas, USA. |