Một trong những định hướng quan trọng để giảm nghèo bền vững đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được nhấn mạnh trong Nghị quyết số 76/2014/QH13 là: “Thúc đẩy việc kết nối phát triển kinh tế - xã hội giữa vùng khó khăn với vùng phát triển. Thực hiện chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng, hỗ trợ thị trường phù hợp đặc điểm vùng nhằm thu hút doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh và kết cấu hạ tầng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, nâng cao khả năng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tại các địa bàn nghèo, địa bàn khó khăn, địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số”.

Ảnh minh họa

Trên cơ sở định hướng đó, TS Bùi Sỹ Lợi đã góp bàn một số giải pháp cần triển khai để có thể đảm bảo giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như sau:

Một là, hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao trùm và bền vững, bảo đảm quyền con người với 3 chức năng: Phòng ngừa - giảm thiểu - khắc phục rủi ro.

Hai là, giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết, bảo đảm ổn định cuộc sống, có việc làm, giải quyết vấn đề nước sản xuất và sinh hoạt cho người dân. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ nhà ở nhằm bảo đảm nhà ở cho người dân, đặc biệt là người di cư, người dân vùng chịu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu. Đa dạng hóa các loại hình đầu tư, khuyến khích sự tham gia của người dân vào việc phát triển nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; chú trọng vùng sâu, vùng xa, vùng bị nhiễm mặn, vùng thường xuyên hạn hán và lũ lụt, khó khăn về nguồn nước.

Ba là, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng, miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bốn là, đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, dịch vụ; chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; đầu tư cho phát triển đối với nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn.

Năm là, tăng cường quản lý nhà nước, truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung một số nội dung sau:

Xây dựng và ban hành tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển, bảo đảm toàn diện, khách quan, khoa học, chính xác, làm cơ sở xác định đối tượng, địa bàn cần ưu tiên để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm;

Tăng cường nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để phục vụ công tác dự báo, hoạch định, quản lý thực hiện chính sách dân tộc;

Huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, trong đó nguồn lực nhà nước giữ vai trò quan trọng, quyết định để huy động các nguồn lực khác. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc;

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc, về thực hiện chính sách dân tộc, chống mọi biểu hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Điều chỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Dân tộc, coi đây là cơ quan đầu mối theo dõi, tổng hợp các chính sách dân tộc; đề xuất và tham gia thẩm định chính sách, các dự án đầu tư liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;

Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số. Có chính sách đặc thù tuyển dụng công chức, viên chức đối với người dân tộc thiểu số, nhất là nhóm dân tộc thiểu số rất ít người, nhóm dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Chú trọng phát hiện, quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thực hiện tốt chính sách sử dụng, đãi ngộ cán bộ là người dân tộc thiểu số;

Tăng cường xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Kịp thời biểu dương, tôn vinh, động viên người tiêu biểu có uy tín, doanh nhân, nhà khoa học trong cộng đồng các dân tộc thiểu số có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;

Đổi mới và mở rộng chính sách tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội theo hướng tăng định mức, mở rộng đối tượng được vay đến các dự án sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Văn Hùng, Ngọc Quý, Bạt Tuấn