Chia sẻ của ông Sunil Kumar Pandit -Giám đốc sản xuất công ty URC Việt Nam về những sáng kiến của công ty trong việc điều chỉnh quy trình sản xuất theo hướng bền vững để tối ưu hóa các nguồn lực, không chỉ thu nhận một chiều các giá trị từ môi trường, mà còn tạo ra các giá trị mới, đóng góp trở lại cho cộng đồng.
Ông Sunil Kumar Pandit (bên trái) tại nhà máy URC Việt Nam |
Ưu tiên hàng đầu
- Ông có thể cho biết đâu là động lực chính cho những điều chỉnh về quy trình sản xuất bền vững với môi trường của URC Việt Nam?
Khối ngành sản xuất đóng vai trò xương sống đối với nền kinh tế, vì thế, tác động của nó với môi trường, nguồn lực tài nguyên, hệ sinh thái xã hội là điều mà bất cứ doanh nghiệp sản xuất hàng đầu nào cũng cần quan tâm. Đối với URC Việt Nam, việc đạt được các mục tiêu trong kinh doanh không thể tách rời trách nhiệm xã hội. Do đó, việc cải tiến quy trình sản xuất để giảm thiểu tối đa các tác động với môi trường, đảm bảo sức khỏe, an toàn cho nhân viên, người tiêu dùng luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của chúng tôi.
- Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về việc cải tiến quy trình sản xuất của URC Việt Nam hướng đến phát triển bền vững với môi trường được thực hiện như thế nào?
Là doanh nghiệp sản xuất thực phẩm và nước giải khát, URC Việt Nam nhận thức rất cao về việc triển khai hoạt động sản xuất đồng thời phải bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Trong tất cả các hoạt động sản xuất, chúng tôi luôn chú trọng 3 mục tiêu:
- Với tài nguyên thiên nhiên: nguyên tắc 3R (Reduce – Reuse – Recycle) - Giảm thiểu, Tái sử dụng và Tái chế để cải tiến hiệu năng sử dụng nước, năng lượng đồng thời giảm rác thải.
- Với con người: quan tâm chất lượng cuộc sống tại nơi làm việc và trong cộng đồng.
- Với sản phẩm: sản xuất sản phẩm an toàn, chất lượng cho mọi người.
Cụ thể, là doanh nghiệp sử dụng nhiều nước, các nhà máy URC Việt Nam đều có hệ thống lọc thẩm thấu ngược và tái sử dụng nước từ hệ thống lọc thẩm thấu ngược để tối ưu lượng nước sử dụng đầu vào và hạn chế nước thải ra, đồng thời tránh thất thoát. Chúng tôi cũng thực hiện tái sử dụng nước đã sử dụng tại hệ thống máy đóng gói và tiệt trùng. Nước thải sau khi xử lý tại Trạm xử lý nước thải của công ty phải đạt tiêu chuẩn của khu công nghiệp VSIP (theo cam kết được ghi trong Báo cáo Đánh giá tác động Môi trường) trước khi xả thải vào hệ thống thu gom nước thải tập trung của khu công nghiệp VSIP.
Quy trình sản xuất tại các nhà máy của URC Việt Nam được cải tiến hướng đến phát triển bền vững với môi trường |
Mặt khác, URC Việt Nam là doanh nghiệp tiên phong sử dụng năng lượng sạch như Khí CNG, Năng lượng sinh khối (biomass) để bảo vệ môi trường. Một trong những sáng kiến nữa để tiết kiệm năng lượng là chuyển qua sử dụng bóng đèn LED tại các nhà máy.
Về quản lý chất thải, chúng tôi cố gắng giảm thiểu việc chôn lấp rác tại các nhà máy xử lý chất thải. Rác thải công nghiệp sẽ được nhà thầu có chức năng xử lý để tái chế dùng làm nguyên liệu để sản xuất gạch lót vỉa hè, phân bón…
Nỗ lực sản xuất theo hướng bền vững với môi trường
- Để đạt được hiệu quả tổng thể về phát triển bền vững, việc xây dựng văn hóa công ty xoay quanh trách nhiệm với xã hội và môi trường cần được quan tâm đặc biệt. Ở URC Việt Nam, vấn đề này được triển khai như thế nào?
Tại URC Việt Nam, chúng tôi luôn khuyến khích mọi người ghi nhớ văn hóa trách nhiệm đối với EHS (An toàn, Sức khỏe và Môi trường) thông qua việc đảm bảo nơi làm việc an toàn và lành mạnh; quản lý nguồn nước; sử dụng năng lượng và bảo vệ khí hậu; quản lý chất thải; và thực hiện các hoạt động trong khuôn khổ trách nhiệm và nghĩa vụ của một công dân doanh nghiệp tại cộng đồng địa phương. Chính vì thế mà các nhân viên luôn chủ động truyền đạt và tham gia vào việc xác định, kiểm soát và quản lý sức khoẻ, an toàn tại nơi làm việc cũng như các mục tiêu về môi trường trong kinh doanh của chúng tôi.
- Đến nay, URC Việt Nam đã ghi nhận được những thành quả gì từ những nỗ lực sản xuất bền vững với môi trường? Lộ trình và các mục tiêu sắp tới như thế nào?
URC Việt Nam nâng cao năng lực phát triển bền vững bằng việc ứng dụng những chương trình tiết kiệm năng lượng và nước. Năm 2018, lượng nước tiêu thụ cho mỗi kilogram sản phẩm giảm đến 18% so với năm trước, giúp tiết kiệm hơn 310.000 m3, lượng điện năng tiêu thụ cũng giảm được đến 4,5%. Điều này không chỉ tạo giá trị cho chính URC Việt Nam, mà ở khía cạnh khác, còn đóng góp ngược lại cho xã hội, bởi 310.000 m3 nước đó có thể cung cấp đủ nguồn nước cho 6.500 người trong một năm, hay 2,6 triệu người trong một ngày. Năm 2019, chúng tôi đặt mục tiêu giảm thêm 10% tỉ lệ sử dụng nước và 3% trên tỉ lệ tiêu dùng năng lượng cho sản xuất.
URC Việt Nam cũng là công ty đầu tiên của tập đoàn đạt chứng nhận ISO 45001:2018 Hệ thống quản lý An toàn Sức khỏe Nghề Nghiệp cho các nhà máy sản xuất, chưa kể các chứng nhận quốc tế đầu ngành khác về hệ thống quản lý môi trường (ISO 14001:2015) và chất lượng như FSSC 22000 (một trong những bộ tiêu chuẩn tiêu biểu cho ngành thực phẩm). Việc áp dụng các tiêu chuẩn này sẽ giúp cho chúng tôi đo lường và cải thiện các tác động đến môi trường, không chỉ trong nội bộ doanh nghiệp mà còn với các đối tác mà doanh nghiệp đang hợp tác.
Mỗi năm chúng tôi đều có kế hoạch và lộ trình để đẩy mạnh hơn nữa những nỗ lực sản xuất theo hướng bền vững với môi trường, và xem đây là trọng tâm trong chiến lược sản xuất và kinh doanh của URC Việt Nam.
Năm 2019, ngoài mục tiêu kế hoạch sử dụng năng lượng tái tạo, URC Việt Nam cũng sẽ đẩy mạnh chương trình Nhà máy Tương lai nhằm áp dụng các thành quả của công nghiệp 4.0 cho các nhà máy, đảm bảo các sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên cả thị trường nội địa và quốc tế.
- Xin cảm ơn ông!
Vân Ngọc (thực hiện)