Hơn một tháng nay, Hà Nội trải qua những đợt nắng nóng như đổ lửa cũng là thời điểm các loại trái cây giải nhiệt tại quầy hàng của chị Nguyễn Thị Nhung (ở Đại Từ, Hoàng Mai, Hà Nội) đắt khách hơn vì nhu cầu tăng cao đột biến.
Chỉ vào khu vực bày bán cam sành, chị cho biết, có dịp giá chỉ 15.000-20.000 đồng/kg, nay đã tăng lên hơn 50.000 đồng/kg, đắt hơn cả quýt Úc nhập khẩu.
Bán trái cây được hơn chục năm nay, theo chị Nhung, vào mùa hè, các loại cam, quýt, dưa, dừa… đều tăng giá mạnh vì là thức quả giải nhiệt. Song, những ngày này, quýt Úc lại đổ bộ chợ với giá siêu rẻ.
Loại quýt nhập khẩu này vỏ vàng bóng, múi căng mọng, ăn ngọt lịm nhưng giá chỉ 40.000 đồng/kg nếu mua theo combo 5kg. Mức giá này còn rẻ hơn cả cam sành Việt Nam.
“Thời điểm cuối tháng 5 đầu tháng 6, giá quýt Úc thậm chí chỉ 30.000-35.000 đồng/kg. Hàng xấu mã có ngày tôi nhập về bán chỉ 25.000 đồng/kg”, chị Nhung nói và cho biết, chưa bao giờ thấy giá loại trái cây này lại rẻ đến vậy. Thậm chí, nếu so sánh còn rẻ hơn cả cam Ôn Châu nhập khẩu từ Trung Quốc - loại cam có mẫu mã và hương vị tương tự như quýt Úc.
Trên thị trường, quýt Úc đang được rao bán la liệt. Ngoài dòng quýt size đại bán với giá trên dưới 100.000 đồng/kg, dòng size nhỏ đóng theo thùng hoặc theo túi trọng lượng 800 gram/túi có giá khá rẻ, chỉ dao động từ 35.000-60.000 đồng/kg.
Các chủ hàng cho biết, hàng về với số lượng lớn nên giá càng ngày càng rẻ, bất chấp nhu cầu cao vì đang vào mùa nắng nóng.
Chị Đào Thị Yến (bán trái cây online ở Nam Từ Liêm, Hà Nội), cho biết, khoảng 2 tuần nay, chị chuyên bán dòng quýt Babibon nhập từ Úc vì giá rẻ, đắt khách mua ăn.
Như sáng 18/6, loại quýt này có giá bán lẻ tới tay khách hàng chỉ 38.000 đồng/kg nên khách ồ ạt chốt đơn mua. “Chỉ riêng khu chung cư tôi ở, sáng nay, số lượng quýt khách đặt mua lên tới 1,2 tạ”, chị nói. Ngoài ra, chị còn một lượng lớn khách bên ngoài đặt mua. Thế nên, những ngày này, trung bình chị tiêu thụ hết khoảng 2-2,5 tạ quýt/ngày.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Nhung cũng cho hay, do giá rẻ nên mỗi ngày chị tiêu thụ hết khoảng 70-80kg quýt Úc. Lượng hàng bán ra gấp khoảng 2 lần cam sành.
“Một số khách mua 4-5kg mỗi lần để ăn và vắt nước uống giải nhiệt. Bởi, quýt Úc ngọt nên không phải bỏ thêm đường như cam sành”, chị nói.
Trao đổi với PV.VietNamNet, anh Bùi Văn Quân (quản lý một kho hàng, ở Đông Anh, Hà Nội) thừa nhận, quýt Úc về nhiều nên giá hạ nhiệt. Tuy nhiên, trên thị trường, giá phụ thuộc vào từ dòng quýt và phương thức vận chuyển.
Theo đó, dòng size đại vận chuyển bằng đường hàng không giá thường đắt đỏ hơn. Còn dòng giá rẻ chủ yếu là cỡ nhỏ được vận chuyển theo đường biển, tuy nhiên quýt vẫn đảm bảo tươi ngon, ngọt đậm.
Ở dòng giá rẻ, quýt thường được đóng theo thùng hoặc chia theo túi nhỏ. Kho của anh chủ yếu phân phối dòng hàng giá rẻ này cho các khách sỉ ở Hà Nội và các tỉnh lân cận. Lượng hàng bỏ sỉ mỗi ngày lên tới trên dưới 2.000 thùng, anh Quân cho hay.
Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm nay, nước ta chi ra hơn 810 triệu USD để nhập khẩu các loại rau quả về phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2023, kim ngạch nhập khẩu rau quả lên tới 1,96 tỷ USD. Quýt xếp thứ 3 trong top các loại rau quả nhập về Việt Nam nhiều nhất, chiếm 7,1% tổng kim ngạch nhập khẩu của ngành hàng này. |