-Hầu hết các ý kiến tại hội thảo góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục sáng 30/11 tại ĐH Thái Nguyên Nhiều bày tỏ sự đồng tình với đề xuất nâng chuẩn được nêu trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, song đề xuất cần có lộ trình đặc biệt là với những địa phương còn khó khăn.

Đây là 1 trong 5 hội thảo được Bộ GD-ĐT tổ chức nhằm lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi trước khi trình Chính phủ.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó GĐ Sở GD-ĐT Phú Thọ việc nâng chuẩn giáo viên tiểu học là hoàn toàn phù hợp đồng thời là yếu tố then chốt để thực hiện nâng cao chất lượng đội ngũ.

{keywords}
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền

"Thực tế từ báo cáo tổng kết năm học 2016-2017 của Bộ đã cho thấy, trình độ GV tiểu học có trình độ trên chuẩn tức là từ CĐ trở lên đã là 86,7%. Điều này cho thấy, nếu để trình độ trung cấp thì GV tiểu học khó đáp ứng nhiệm vụ" - bà Huyền phân tích.

Ông Nguyễn Thế Bình, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang cho biết, hiện nay, trình độ GV tiểu học đã vượt xa nhiều so với quy định của Luật Giáo dục trước đây nên việc nâng chuẩn là phù hợp.

"Ngay tỉnh Hà Giang là một tỉnh khó khăn vì vừa là tỉnh miền núi, nhiều dân tộc ít người vừa là tỉnh biên giới, tuy nhiên, trình độ GV tiểu học trên chuẩn của Hà Giang đã là 70%" - ông Bình dẫn chứng.

Tuy nhiên, ông Bình cũng đề xuất, sau khi Luật sửa đổi ban hành cũng cần có lộ trình thực hiện cụ thể với những địa bàn, khu vực khó khăn chưa đáp ứng được ngay các chuẩn đặt ra để giúp các địa phương này thực hiện theo chuẩn mới.

Liên quan tới vấn đề này, bà Chu Thị Yến cũng cho rằng, việc đi học nâng cao trình độ đối với các giáo viên trẻ có thể khả thi song với những giáo viên đã lớn tuổi thì việc nâng chuẩn mới có thể sẽ gặp nhiều khó khăn, vất vả vì không phải ai cũng có thể đi học nâng cao trình độ được.

Ông Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thái Nguyên cũng nhận định, việc nâng chuẩn trình độ đối với GV tiểu học là khả thi nhưng vẫn nên có lộ trình.

Cũng theo ông Đức, điều cần nhấn mạnh chính là, trong Nghị quyết 29 của BCH TƯ đã nêu rõ, tiến tới GV tiểu học, THCS, THPT đều phải có trình độ ĐH trở lên, do đó, việc nâng chuẩn GV tiểu học từ trung cấp lên cao đẳng chỉ là 1 bước trong lộ trinh thực hiện mục tiêu này.

Trao đổi thêm tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Hữu, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT cho biết, việc nâng chuẩn trình độ là phù hợp với xu thế hiện nay khi tại nhiều quốc gia đã yêu cầu GV tiểu học phải có trình độ thạc sĩ.

Tại Việt Nam, theo số liệu cập nhật nhất vào tháng 9/2017, 33/63 tỉnh thành phố có tỉ lệ 90% GV tiểu học trên chuẩn, chỉ có 3 tỉnh là Hà Giang, Tuyên Quang và Lào Cai có tỉ lệ dưới 70% trong đó thấp nhất là Tuyên Quang, 63,86%.

Từ đó, ông Hữu cho rằng, đây là những con số thuyết phục để ban soạn thảo đề xuất đưa việc nâng chuẩn trình độ GV vào dự thảo lần này.

{keywords}
Ông Nguyễn Đức Hữu

Về lộ trình, ông Hữu cũng đề xuất, Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn các địa phương sau khi Luật ban hành.

"Dự kiến, những người có trình độ trung cấp còn công tác từ 1-5 năm thì địa phương bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao trình độ, đáp ứng nhu cầu, không yêu cầu đi đào tạo lại để có bằng cao đẳng. Còn những người còn công tác trên 5 năm thì nâng chuẩn với các hình thức đào tạo linh hoạt và phù hợp".

"Không phải Luật có hiệu lực là những người không có đủ tiêu chuẩn thì loại ra khỏi ngành" - ông Hữu nhấn mạnh.

Tăng lương giáo viên sẽ thu hút SV giỏi vào sư phạm

Vấn đề tăng lương cho GV cũng nhận được nhiều ý kiến quan tâm từ các địa phương.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Huyền, việc dự thảo quy định sẽ xếp lương nhà giáo cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp sẽ nhận được sự đồng thuận cao trong ngành.

Bà Huyền phân tích, hiện nay, lương GV mới ra trường nếu là bằng CĐ thì lương khoảng 3,5 triệu đồng, bằng ĐH thì chỉ khoảng 4 triệu đồng kể cả phụ cấp.

"Tương quan với mặt bằng kinh tế thì lương GV hiện nay quá thấp".

Nhiều ý kiến chia sẻ quan điểm này của bà Huyền.

Bà Chu Thị Yến, Hiệu trưởng Trường TH Lãng Sơn, Yên Dũng, Bắc Giang cho biết, khi các thầy cô giáo trong trường tiếp cận được với dự thảo thì rất vui mừng.

"Các thầy cô trong trường nói với tôi chị phải phát biểu để làm sao chúng em sống được bằng lương. Hiện nay giáo viên cũng sống bằng lương nhưng sống lay sống lắt, sống khổ sống sở".

Ông Bùi Hải Âu, chuyên viên Sở GD-ĐT tỉnh Tuyên Quang cũng cho rằng, việc nâng lương cho GV là vấn đề rất đáng mừng bởi đây là mong mỏi từ lâu của GV, đặc biệt là những tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Tuyên Quang.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc nâng lương cho GV sẽ thu hút được học sinh, SV giỏi vào ngành sư phạm. "Hiện nay mức lương nhà giáo thấp nên khó thu hút, nhiều học sinh, SV giỏi không vào sư phạm. Nếu xếp bậc lương cao nhất sẽ thu hút SV giỏi, nâng cao chất lượng đầu vào ngành sư phạm, đáp ứng nhu cầu thực hiện nhiệm vụ của nhà giáo" - bà Nguyễn Thị Thu Huyền nhìn nhận.

Ông Sầm Văn Du, Phó Giám đốc Sở GD ĐT Bắc Kạn cũng đồng tình rằng, việc nâng lương cho GV mà dự thảo đưa ra sẽ là cách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào ngành.

"Mấy năm gần dây, SV ngành sư phạm có điểm đầu vào khá thấp. Sinh viên sư phạm yếu thì chất lượng GV yếu là đương nhiên".

Thầy giáo Nguyễn Văn Đôn, HT THPT Yên Xuân 2, Bắc Giang thì cho biết, vấn đề chất lượng đội ngũ ngành sư phạm là vấn đề ông trăn trở trong nhiều năm nay.

"Trường tôi năm nào cũng phải đón nhận sinh viên về thực tập. Qua đó thì thấy chất lượng hiện nay của đội ngũ chúng ta chưa tốt. Tôi rất trăn trở làm thế nào nhân sửa Luật để làm thế nào thu hút SV học giỏi, có tài vào ngành sư phạm".

Theo ông Đôn, vấn đề tăng lương sẽ là một giải pháp, song quan trọng hơn nên quan tâm nhiều hơn đến học sinh.

Ông Đôn đề xuất, ngoài việc miễn học phí cho học sinh THCS thì nên miễn học phí cho các em học sinh THPT có học lực giỏi, có nguyện vọng cam kết vào ngành sư phạm.

Phải tính toán phần hụt ngân sách của các trường

Đối với vấn đề miễn học phí tới cấp THCS, nhiều đại biểu các địa phương khẳng định đây là chính sách tốt sẽ giúp phổ cập giáo dục THCS cũng như phân luồng học sinh sau THCS.

"Nếu miễn học phí thì để thuận lợi cho các nhà trường thì chúng ta phải có quy định làm sao cho đỡ khó cho nhà trường. Hiện nay miễn học phí thì phần thu học phí bị giảm. Chúng ta biết rồi, hiện nay tỉ lệ là 40-60, nhà trường được 60% các khoản thu từ học phí do đó miễn 1 cái là nhà trường giảm thu. Theo cơ chế phân bổ các nhà trường là cứ 18-82 (18 chi cho hoạt động GD, 82% chi thường xuyên). Đây là câu chuyện cần tính trước, đưa vào văn bản để các nhà trường không thiếu hụt nguồn ngân sách nếu không muốn giúp nhà trường, muốn giúp giáo dục nhưng lại gây khó khăn cho hoạt động của các trường" - ông Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thái Nguyên đề xuất. 

Lê Văn