Ngày 11/10 năm 2022, trong cuộc bầu cử do Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tổ chức tại New York, Việt Nam được các nước tín nhiệm bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025 cùng 14 nước khác.
Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc là cơ quan trực thuộc Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, được thành lập năm 2006 gồm 47 thành viên có nhiệm kỳ 3 năm, là diễn đàn đối thoại, hợp tác và thúc đẩy cân bằng tất cả các quyền con người, kể cả quyền phát triển; hoạt động trên cơ sở khách quan, hợp tác và đối thoại, trên tinh thần xây dựng, không thiên vị, chọn lọc, chính trị hóa và tiêu chuẩn kép.
Để bầu thành viên Hội đồng nhân Nhân quyền, các thành viên Liên hợp quốc tham gia ứng cử được chia thành 5 khu vực địa lý, trong đó, nhóm châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có sự cạnh tranh cao nhất cho vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ này với 7 nước giới thiệu ứng cử từ giữa năm 2020 (1 nước rút ứng cử vào phút chót).
Việt Nam được các thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhất trí ủng hộ là ứng cử viên duy nhất của ASEAN cho vị trí này; đồng thời cũng là ứng cử viên châu Á duy nhất của Cộng đồng Pháp ngữ.
Trong thực tiễn, Việt Nam luôn tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc từ khi cơ quan này được thành lập. Trong đó, Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước. Việt Nam tham gia tích cực các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền, thúc đẩy các sáng kiến thể hiện dấu ấn, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, nhất là việc tham gia Nhóm Nòng cốt tại Hội đồng Nhân quyền về "Biến đổi khí hậu và quyền con người".
Với trọng trách mới tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Việt Nam sẽ có cơ hội đóng góp vào thúc đẩy thông điệp ứng cử "Tôn trọng và Hiểu biết. Đối thoại và Hợp tác. Tất cả các quyền con người cho Tất cả mọi người".
Việt Nam cũng sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn đối với các vấn đề trọng tâm của Liên Hợp Quốc cũng như của cộng đồng quốc tế, như thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, di cư, bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người thiểu số, người di cư, đặc biệt trong các cuộc khủng hoảng nhân đạo hoặc xung đột vũ trang trên phạm vi toàn thế giới.
Việc Việt Nam lần thứ hai trúng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025 là thành công lớn của công tác đối ngoại đa phương, góp phần cụ thể hóa đường lối đối ngoại, chủ trương đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương của Đại hội Đảng lần thứ XIII và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư.
Kết quả này có được là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao và tham gia trực tiếp của Lãnh đạo Cấp cao; uy tín, vị thế và những thành tựu toàn diện của đất nước ta trong phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và bảo đảm quyền con người; quá trình phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa cơ quan chủ trì là Bộ Ngoại giao với các ban, bộ, ngành liên quan và sự ủng hộ, tín nhiệm của các nước, bạn bè quốc tế.