Để thực hiện tốt chủ trương mở rộng hợp tác quốc tế, giao lưu với lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước trong khu vực và trên thế giới, bên cạnh việc không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, xây dựng nguồn nhân lực giỏi về nghiệp vụ, quân sự, pháp luật, trình độ chuyên môn, quản lý, một vấn đề được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Lực lượng Cảnh sát biển quan tâm, coi trọng đó là nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ trên biển, trực tiếp tham gia vào các hoạt động hợp tác quốc tế.
Để nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ, chiến sĩ, ngày 28/5/2014, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã ra Nghị quyết chuyên đề số 519-NQ/ĐU về “Lãnh đạo việc học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ trong Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam”. Tiếp đó, ngày 21/11/2018, Tư lệnh Cảnh sát biển đã ban hành Chỉ thị số 3238/CT-BTL về “Tăng cường đào tạo ngoại ngữ và khuyến khích tự học ngoại ngữ trong Lực lượng Cảnh sát biển” nhằm tạo nền tảng và cầu nối để cán bộ, chiến sĩ hòa nhập, giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác với các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.
Ảnh minh họa: Lễ đón tàu CSB 8001 tại cảng Chenai trong chuyến thăm, giao lưu với lực lượng Bảo vệ Bờ biển Ấn Độ năm 2018. |
Trong một bài phân tích kỹ lưỡng bàn bề việc tăng cường ngoại ngữ cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam, Thiếu tướng Phạm Kim Hậu, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển nhấn mạnh một số nội dung, giải pháp cần được coi trọng và triển khai thực hiện tốt như sau:
Một là, Phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp và cơ quan chính trị, cán bộ chính trị tại các đơn vị; làm tốt công tác quán triệt, giáo dục về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tạo sự thống nhất về nhận thức, trách nhiệm của mọi cấp, mọi ngành và toàn thể cán bộ, đảng viên. Đây chính là nhân tố quyết định đến chất lượng học tập, nâng cao trình độ ngoại ngữ trong các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, phát huy tốt vai trò của các cơ quan chuyên môn trong nghiên cứu, đề xuất biện pháp và tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào dạy và học ngoại ngữ tại cơ quan, đơn vị mình, từ đó từng bước nâng cao trình độ ngoại ngữ cho mọi quân nhân nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Hai là, Lựa chọn đúng đối tượng cử đi học, coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng; kết hợp tốt tổ chức học tập ngoài giờ với học tập trung trong giờ hành chính; phân công cụ thể lãnh đạo, chỉ huy phụ trách theo dõi, kiểm tra đôn đốc trong quá trình triển khai lớp học. Lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị thường xuyên có chính sách khuyến khích, động viên người học, tạo thành phong trào học tập, để người học tự giác, say mê học đồng thời tạo điều kiện tối đa về thời gian và công việc, để cán bộ, nhân viên tham gia học tập đầy đủ, đúng kế hoạch. Khuyến khích động viên cán bộ, nhân viên tham gia các khóa học và đào tạo tại các trung tâm, nhà trường trong và ngoài nước để có những đồng chí chuyên sâu về ngoại ngữ nhằm đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ, làm chủ phương tiện, trang bị, khí tài hiện có và có đủ khả năng trình độ giao tiếp tốt khi làm việc với người nước ngoài.
Ba là, Phát huy nội lực, kết hợp với giữ gìn, khai thác sử dụng tiết kiệm, hiệu quả kinh phí giảng dạy, trang thiết bị phục vụ học tập, các phòng học, phương tiện đã được đầu tư trang bị. Đối với các cơ quan, đơn vị không có điều kiện mở lớp học ngoại ngữ, cấp ủy, chỉ huy có chính sách động viên người có trình độ ngoại ngữ dạy cho cán bộ, nhân viên có nhu cầu học tập, tự đào tạo tại chỗ để nâng cao trình độ; tích cực liên hệ với các cơ quan, đơn vị, nhà trường và trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn có mở lớp đào tạo ngoại ngữ để gửi cán bộ tham gia học tập.
Bốn là, Quá trình học tập thường xuyên chỉ đạo, rút kinh nghiệm về công tác tổ chức, quản lý lớp học; tích cực đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng đa dạng hóa các hình thức, giáo trình học tập, phù hợp với đối tượng người học. Lựa chọn được các đồng chí cán bộ có kiến thức về ngoại ngữ nằm trong Tổ giáo viên để nghiên cứu, đầu tư thời gian chuẩn bị các bài giảng trực quan, sinh động. Giáo viên chú trọng đa dạng hóa các hoạt động, hình thức dạy học nhằm tạo hứng thú học tập cho học viên. Sau từng giai đoạn học tập đều tổ chức thi, kiểm tra ở các trung tâm đào tạo ngoại ngữ có tư cách pháp nhân để đánh giá rõ trình độ người học.
Năm là, Lấy kết quả học tập ngoại ngữ là một tiêu chí trong bình xét thi đua - khen thưởng, đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên hằng năm. Trong quá trình xem xét, đề bạt, bổ nhiệm, Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh và cấp ủy, chỉ huy các cấp luôn coi trọng đưa tiêu chí trình độ ngoại ngữ vào tiêu chí đề bạt, bổ nhiệm, tạo động lực và yêu cầu bắt buộc trong việc trau dồi, nâng cao trình độ ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, nhất là đối với các cán bộ, nhân viên đảm nhiệm công tác thực thi pháp luật, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng, biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.
Thiếu tướng Phạm Kim Hậu nhấn mạnh, nâng cao năng lực toàn diện và trình độ ngoại ngữ cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển là nhiệm vụ vừa cấp thiết trước mắt vừa cơ bản lâu dài của Lực lượng.
Với ý thức quyết tâm cao và các biện pháp, giải pháp phù hợp, được triển khai đồng bộ, quyết liệt, kiên trì theo lộ trình cụ thể, tin tưởng rằng phong trào học tập ngoại ngữ trong Lực lượng Cảnh sát biển sẽ ngày càng được đẩy mạnh; trình độ ngoại ngữ của cán bộ, chiến sẽ ngày càng được nâng cao, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đào tạo đội ngũ cán bộ, sĩ quan, nhân viên chuyên môn kỹ thuật có chất lượng toàn diện, thiết thực góp phần xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính qui, tinh nhuệ, hiện đại, có tính chuyên nghiệp cao, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới.
Hải Văn