Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an phối hợp với Hội Phụ nữ Bộ Công an và Văn phòng Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam (UN Women) đã tổ chức Hội thảo "Phụ nữ, hòa bình và an ninh mạng - Nâng cao nhận thức, năng lực cho phụ nữ và trẻ em gái trong việc ứng phó với các thách thức trên không gian mạng”.
Hội thảo nhằm hiểu rõ hơn về Luật An ninh mạng, Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và các quy định về bảo vệ dữ liệu, quyền riêng tư cho phụ nữ và trẻ em gái trên không gian mạng của Việt Nam.
Đồng thời, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn giữa các chuyên gia trong nước và quốc tế trong lĩnh vực an ninh mạng, các mối đe dọa an ninh mạng có yếu tố giới tính, các biện pháp trao quyền, sáng kiến giáo dục và đề xuất hướng hoàn thiện chính sách, pháp luật để đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái trên không gian mạng.
Mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo vệ an ninh mạng, phòng, chống tội phạm mạng. Theo đó, Việt Nam mong muốn thúc đẩy hợp tác và chung tay cùng cộng đồng quốc tế thông qua các hoạt động cụ thể, thiết thực để phòng, chống các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng; bảo vệ các đối tượng yếu thế, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em trên môi trường mạng.
Đặc biệt, hội thảo đánh dấu sự khởi đầu của việc triển khai Kế hoạch hành động quốc gia (NAP) đầu tiên của Việt Nam về phụ nữ, hòa bình và an ninh (WPS).
Theo đó, một trong những nhiệm vụ và giải pháp mà NAP đưa ra là “Nâng cao hiệu quả phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, trong đó có cả bạo lực dựa trên công nghệ (technology - facilitated violence), đáp ứng các nhu cầu cụ thể và thúc đẩy sự tham gia có ý nghĩa của phụ nữ trong việc giải quyết hậu quả chiến tranh và trong phòng ngừa, kiểm soát, xử lý và ứng phó với các sự cố, thảm họa và các thách thức an ninh phi truyền thống". Hội thảo đã đi tiên phong trong việc thực hiện hoạt động số II.2.e của NAP: "Nâng cao nhận thức và năng lực cho phụ nữ và trẻ em gái trong việc ứng phó với các thách thức trên không gian mạng”.
Tại hội thảo, bà Gaelle Demolis, Chuyên gia chương trình và chính sách quản trị, hòa bình và an ninh, Văn phòng UN Women khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho hay, tội phạm mạng, tấn công mạng, quấy rối và bạo lực trên mạng đã và đang gây ra những mối đe dọa thường xuyên đối với các cá nhân, tổ chức và thậm chí cả tới nền hòa bình và sự phát triển ổn định của các quốc gia. Nhu cầu bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái trước những vấn đề an ninh đó cũng ngày càng trở nên cấp bách và đòi hỏi khắt khe hơn.
Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đánh giá, hội thảo tạo điều kiện cho một cuộc đối thoại giữa các lãnh đạo, chuyên gia an ninh mạng, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, lãnh đạo, cán bộ Hội Phụ nữ các cấp và các tuyên truyền viên. Từ đó, không chỉ nâng cao nhận thức, năng lực cho phụ nữ, trẻ em gái ứng phó với các thách thức trên không gian mạng mà còn xây dựng và nhân rộng các mô hình, thực hành tốt trong hỗ trợ phụ nữ ứng phó với các thách thức trên không gian mạng.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về các biện pháp trao quyền, sáng kiến giáo dục và đề xuất hướng hoàn thiện chính sách, pháp luật để đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái trên không gian mạng; giao thoa giữa trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng – đi sâu vào mối qua hệ giữa trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng; xác định các lỗ hổng tiềm ẩn và cơ hội sửdụng Al làm công cụ tăng cường các biện pháp an ninh mạng.
Đáng chú ý, các chuyên gia của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, đại diện Hội Phụ nữ Bộ Công an và UN Women cũng đã đối thoại với cán bộ, giáo viên, học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy, tỉnh Ninh Bình, thúc đẩy trao đổi quan điểm phản biện về những vấn đề cấp bách này.
Một số ý kiến cho rằng, cần trao đổi với phụ nữ và trẻ em để cùng đưa ra nguyên tắc khi sử dụng Internet và điện thoại di động, như: Không sử dụng điện thoại di động trong phòng ngủ; kiểm soát thời gian các em nhỏ sử dụng mạng cho mục đích giải trí; đặt các thiết bị truy cập mạng trong không gian chung của gia đình.
Các bậc phụ huynh cũng cần chủ động nghiên cứu sử dụng giải pháp công nghệ, bao gồm cài đặt thiết bị, phần mềm chống, chặn, lọc nội dung người lớn, xấu, độc, không phù hợp với trẻ em; theo dõi lịch sử truy cập mạng hoặc sử dụng ứng dụng của con em để nhắc nhở, chỉ dẫn phù hợp.
Phụ huynh cần chú trọng việc trao đổi cởi mở, trò chuyện với con em mình để biết được con thường truy cập, sử dụng nội dung nào và vì sao; hướng dẫn con cần chia sẻ với cha mẹ, thầy cô giáo ngay khi gặp rắc rối trên mạng. Đặc biệt, nếu bị xâm phạm quyền riêng tư, bị bắt nạt qua mạng, phụ nữ và trẻ em cần chủ động gọi Tổng đài 111 để được hỗ trợ giải pháp, tháo gỡ.