Cà Mau nằm ở cực nam của tổ quốc, có 3 mặt tiếp giáp với biển, chịu tác động rất mạnh bởi biến đổi khí hậu, dễ bị tổn thương trước diễn biến cực đoan của thời tiết, tình trạng sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển diễn biến rất phức tạp, khó lường; bờ biển bị sạt lở rất nghiêm trọng, làm mất đai rừng phòng hộ ở nhiều đoạn, nguy cơ làm vỡ đê biển Tây, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đe dọa tính mạng, tài sản của hàng trăm ngàn hộ dân vùng ven biển.

Tác động xấu của biến đổi khí hậu hiện nay đối với địa bàn tỉnh Cà Mau là một trong những nguyên nhân làm cho sản xuất của nông dân gặp khó khăn và xảy ra hầu như ở các mùa trong năm. Vào mùa khô thì tình trạng nắng hạn kéo dài, không có nguồn nước ngọt bổ sung, mực nước trên đồng hạ thấp gây ra hiện tượng xâm nhập mặn vào sâu trong nội địa và sự nhiễm mặn của nước ngầm, tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp và tài nguyên nước ngọt, làm tăng nguy cơ cháy rừng. Vào mùa mưa thì tình trạng mưa bão, nước dâng cao với cường độ ngày càng tăng gây thiệt hại lớn đến sản xuất, tài sản và tính mạng của người dân và làm cho rừng phòng hộ ven biển bị tàn phá nặng nề.

Trong bối cảnh đó, việc nâng cao năng lực HTX nông nghiệp được tỉnh xác định là khâu đột phá của toàn ngành trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Đề án nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2022 – 2025.

Mục tiêu chung của kế hoạch là nâng cao năng lực chủ động áp dụng các biện pháp thích ứng, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực, tận dụng cơ hội do biến đổi khí hậu mang lại nhằm phát triển bền vững các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 có 100% hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được tuyên truyền, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất, kinh doanh, chế biến, bảo quản sản phẩm nông, lâm, ngư và diêm nghiệp.

Phấn đấu xây dựng từ 03 - 05 mô hình hợp tác xã nông nghiệp áp dụng các biện pháp thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, kết hợp mô hình kinh tế tuần hoàn để nghiên cứu, học tập và nhân rộng.

Phát triển ít nhất 30 sản phẩm của hợp tác xã nông nghiệp gắn với phát triển các sản phẩm OCOP.

Hình thành các diễn đàn về kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp, chia sẻ thông tin về biến đổi khí hậu, ứng dụng khoa học, công nghệ, các sáng kiến, kinh nghiệm tổ chức sản xuất, kinh doanh nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.

Xã Lý Văn Lâm, thành phố Cà Mau mở rộng phát triển mô hình sản xuất lúa - tôm, hướng đến sản phẩm nông sản an toàn, giảm nguy cơ làm ô nhiễm môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

W-luatom-1.png

Mô hình canh tác lúa – tôm là kinh nghiệm quý báu làm nên thành công bước đầu của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và thủy sản Ông Muộn (HTX Ông Muộn), tại xã Lý Văn Lâm, thành phố Cà Mau. Ðến nay, HTX Ông Muộn đã liên kết gần 100 hộ dân để mở rộng vùng sản xuất lúa – tôm, với hơn 180 ha đất sản xuất lúa – tôm kết hợp tại địa phương. Toàn bộ diện tích đất sản xuất này, bà con nông dân không dùng thuốc hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Trong đó, có 50 ha lúa đạt chứng nhận lúa hữu cơ và 80 ha lúa đạt chứng nhận VietGap. Ngoài hiệu quả về kinh tế, mô hình trồng lúa trên đất nuôi tôm đã góp phần trực tiếp bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phó Chủ tịch UBND xã Lý Văn Lâm, thành phố Cà Mau Trần Quyết Toán cho biết: “Việc sản xuất lúa - tôm là mô hình canh tác nông nghiệp thông minh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu ở Cà Mau. Riêng tại địa phương, HTX Ông Muộn đã tiên phong thực hiện mô hình này. Quá trình cải tạo đất từ mặn sang ngọt để trồng lúa làm cho nhiều mầm bệnh trên tôm không sống được ở môi trường nước ngọt và ngược lại. Chính vì lợi ích kép này mà bà con nông dân canh tác lúa - tôm không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm tạo ra thân thiện với môi trường và sức khỏe cộng đồng”.

Theo đánh giá của nhiều nông dân, vụ sản xuất lúa năm 2022 của các hộ dân trong HTX Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm nhiều khả năng sẽ đạt năng suất, sản lượng cao nhờ thời tiết khá thuận lợi, lượng mưa đảm bảo. Đây là mô hình hiệu quả trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Cà Mau, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững do không sử dụng thuốc hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, góp phần bảo vệ môi trường, các sản phẩm từ mô hình như gạo hữu cơ, tôm sinh thái an toàn cho người sử dụng. 

Ngoài nhận được sự hỗ trợ về chính sách, vốn đầu tư, các HTX nông nghiệp từng bước thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh, chuyển từ truyền thống sang sáng tạo và áp dụng KHCN để làm chủ quy trình sản xuất, hướng đến một nền nông nghiệp bền vững…

Bên cạnh đó, các HTX nông nghiệp góp phần dần thay đổi tư duy sản xuất cũ làm theo kinh nghiệm sang áp dụng KHCN, không phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết, nhằm tạo ra những sản phẩm quanh năm có giá trị kinh tế cao.

Câu chuyện ghi nhận được tại xã Lý Văn Lâm là minh chứng sống động cho thấy vai trò quan trọng của HTX trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu ở vùng nông nghiệp tỉnh Cà Mau.

Giao Linh và nhóm PV, BTV