Tăng cường năng lực ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia

Cuối tháng 10/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1251/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình tăng cường năng lực phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia đến năm 2030. Mục tiêu chung của Chương trình nhằm hoàn chỉnh hệ thống tổ chức lực lượng và nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia đến năm 2030.

Cụ thể, trong giai đoạn 2023 – 2025 phấn đấu hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về giám sát, cảnh báo và ứng phó sự cố môi trường quốc gia, kiện toàn hệ thống tổ chức, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách cho các lực lượng ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia; xây dựng cơ chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, phát hiện và ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia.

Hoàn thành việc xây dựng bộ kịch bản, quy trình ứng phó, các tài liệu hướng dẫn và thực hiện việc điều tra, khảo sát, đánh giá nguy cơ sự cố môi trường cấp quốc gia trên phạm vi cả nước; hoàn thiện hệ thống quan trắc, nâng cao năng lực giám sát, cảnh báo; hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu về lực lượng, phương tiện ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia.

img 1046.jpg
Xây cống ngăn mặn, ngăn triều cường để đối phó với tình trạng xâm nhập mặn diễn ra vào mùa khô ở các tỉnh Tây Nam Bộ là một trong những giải pháp đối phó với các thảm họa môi trường biển. Trong ảnh là cống Sông Kiên tại TP. Rạch Giá, Kiên Giang. 

Giai đoạn 2026 – 2030 phấn đấu hoàn thành việc nâng cao năng lực cho các lực lượng tham gia ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia; 100% cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia được đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ và năng lực thực hành các giải pháp kỹ thuật.

Để không còn những thảm họa Formosa

Nói đến thảm họa môi trường biển, chúng ta không thể không nhắc tới thảm họa Formosa năm 2016. Cụ thể, ngày 4/4/2016, ngư dân Hà Tĩnh phát hiện những đường ống xả thải chìm của Formosa đang xả rất nhiều chất thải ra biển. Với màu nước đục ngầu, nhưng tại thời điểm đó ngư dân không ai biết chất thải đó là gì, tác hại ra sao.

Để rồi 2 ngày sau, ngày 6/4/2016, hiện tượng cá chết hàng loạt đã xảy ra. Bắt đầu từ Vũng Áng (Hà Tĩnh), sau đó lan ra khắp 4 tỉnh Bắc Trung bộ là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Kể từ khi hiện tượng cá chết xảy ra hàng loạt đến ngày 29/4, số cá chết tăng lên nhanh chóng: Hà Tĩnh trên 10 tấn, Quảng Trị trên 30 tấn, Quảng Bình hơn 100 tấn. Thảm họa này đã gây xáo trộn và biến động lớn đến sản xuất và đời sống của ngư dân miền Trung suốt thời gian dài sau đó.

Để không còn những thảm họa tương tự Formosa, công tác thanh kiểm tra giám sát và ứng phó với sự cố được đặt lên hàng đầu. Quay lại với Chương trình tăng cường năng lực phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia đến năm 2030, Chương trình đặt ra 6 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện gồm: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia; hoàn thiện hệ thống tổ chức lực lượng ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia;

Nâng cao năng lực giám sát, cảnh báo của các trạm quan trắc phục vụ ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia; nâng cao năng lực ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia; nâng cao nhận thức về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia; tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, tổ chức ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia…

Đáng chú ý, ngoài các giải pháp sắp xếp, kiện toàn hệ thống tổ chức lực lượng ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia trên cơ sở lực lượng của Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành, địa phương để đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ: Quan trắc; sơ tán người dân, tài sản; hỗ trợ y tế ban đầu; ứng phó, khắc phục hậu quả; bảo đảm an ninh trật tự; trong đó, Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) là lực lượng nòng cốt bảo đảm hoạt động, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả.

Chương trình cũng yêu cầu phải nâng cấp các trạm quan trắc môi trường hiện có của Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ; nghiên cứu, dự báo các tình huống sự cố môi trường cấp quốc gia. Đồng thời tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức về những nguy cơ, tác hại của sự cố môi trường cấp quốc gia; về vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động bảo vệ môi trường nói chung, công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia nói riêng.

Thanh Hùng và nhóm PV, BTV