Hiện nay, số lượng người Việt Nam di cư ra nước ngoài làm việc ngày càng tăng. Lợi dụng nhu cầu đó của người dân, các đối tượng mua bán người ngày càng tận dụng các nền tảng trực tuyến để tuyển mộ, lừa đảo, ép buộc và bóc lột nạn nhân làm việc cho các trung tâm lừa đảo trực tuyến hoạt động tại các khu vực biên giới các nước Đông Nam Á.

Trong bối cảnh đó, Bộ đội Biên phòng Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống mua bán người và bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Với nhiệm vụ quản lý 5.036km đường biên giới đất liền và 3.260km đường bờ biển, Bộ đội Biên phòng là lực lượng tuyến đầu trong phòng, chống tội phạm xuyên biên giới. Đây cũng là lực lượng đầu tiên và đôi khi là lực lượng duy nhất mà nạn nhân bị mua bán có thể tiếp xúc trong suốt quá trình giải cứu.  

Chính vì thế, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức triển khai Dự án Nâng cao năng lực phòng, chống mua bán người ở khu vực biên giới cửa khẩu và trên biển của Việt Nam trước nguy cơ tội phạm mua bán người và các loại tội phạm xuyên biên giới liên quan.

Ảnh màn hình 2024 11 05 lúc 13.34.25.png
Lực lượng Bộ đội Biên phòng Lai Châu bắt giữ các đối tượng mua bán người qua biên giới.

Dự án nhằm tăng cường năng lực của Bộ đội Biên phòng, đặc biệt là các cán bộ tuyến đầu tại khu vực biên giới trong phát hiện, điều tra và xử lý các vụ án mua bán người, cũng như trong công tác xác định, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, nhất là trong bối cảnh tội phạm chuyển sang hoạt động trên không gian mạng.

Trong khuôn khổ dự án, một Bộ tài liệu đào tạo mới về phòng, chống mua bán người và bảo vệ nạn nhân sẽ được xây dựng dành cho các cán bộ tuyến đầu. Bộ tài liệu sẽ cập nhật các điều luật mới, xu hướng tội phạm và các vụ án cụ thể để phân phát đến các đồn biên phòng trọng điểm.

Dự án sẽ sử dụng tài liệu này để tổ chức 16 khóa tập huấn cho hơn 600 cán bộ biên phòng tuyến đầu về phòng, chống tội phạm và kiểm soát xuất nhập cảnh trên toàn quốc. Với trang thiết bị hỗ trợ điều tra được tài trợ từ dự án, các cán bộ biên phòng sẽ có thể áp dụng ngay kiến thức chuyên môn để xử lý các vụ án phức tạp về mua bán người và tội phạm xuyên biên giới có liên quan, cũng như cải thiện khả năng bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Ngoài ra, dự án cũng tập trung vào đào tạo kỹ năng giao tiếp cho các cán bộ tuyến đầu nhằm gắn kết cộng động tốt hơn và phổ biến về di cư an toàn, giảm thiểu tình trạng di cư trái phép ở các cộng đồng dễ bị tổn thương ở khu vực biên giới.

Theo ông Park Mi-Hyung, Trưởng Phái đoàn IOM Việt Nam, mua bán người là một vấn nạn toàn cầu, đòi hỏi phải có sự phối hợp hiệu quả chặt chẽ. Dự án này là một phần quan trọng của IOM trong hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam không chỉ tăng cường quản lý biên giới và quản lý dòng người di cư, mà còn góp phần thực hiện các mục tiêu của Chương trình quốc gia về phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 tầm nhìn đến 2030 và Kế hoạch triển khai Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự mà Việt Nam là một quốc gia thành viên tích cực trong công tác triển khai Thỏa thuận.

Đại tá Vũ Xuân Đại, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng khẳng định, hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia nói chung, tội phạm mua bán người nói riêng là một tất yếu khách quan. Thời gian qua, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm đã triển khai rất hiệu quả công tác này. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Cục sẽ triển khai tích cực các hoạt động hợp tác đã được phê duyệt nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người thời gian tới.