|
“Bắt tay” với tiệm game online để đào tạo kỹ năng sử dụng máy tính là ý kiến của nhiều chuyên gia. |
Theo ông Nguyễn Thành Phúc – Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT (Bộ TT&TT), ngay từ giữa những năm 90 đến nay, Việt Nam đã triển khai mạnh nhiều chương trình, dự án như xây dựng và phát triển điểm BĐVHX, chương trình hợp tác quốc tế trang bị và đào tạo kỹ năng sử dụng máy tính cho cộng đồng... Và cùng với các chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích, mới đây nhất, Chương trình mục tiêu quốc gia “Đưa thông tin về cơ sở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo” đã được Quốc hội thông qua trong tháng 11/2010 cũng nhằm góp phần rút ngắn khoảng cách về hưởng thụ thông tin, tuyên truyền giữa các vùng, miền...
Tuy nhiên, riêng trong vấn đề đưa Internet đến cộng đồng, bên cạnh câu chuyện cung cấp hạ tầng, trang bị kiến thức sử dụng máy tính cho người dân, một vấn đề nổi cộm đang được đặt ra là giải pháp nào giúp người dân tại các cơ sở sử dụng Internet hiệu quả?
“Hút” bằng dịch vụ công thiết yếu
Tại hội nghị, ông Chang Hak Choi – Cục trưởng Cục thông tin Văn hoá (Bộ VH, TT&DL Hàn Quốc) cho biết, bên cạnh việc đẩy mạnh cung cấp hạ tầng, thiết bị đầu cuối…, vấn đề cung cấp những dịch vụ công thiết yếu cho người dân với sự vào cuộc quyết liệt của người lãnh đạo các cấp đang được xem là một yếu tố quan trọng nhằm thúc đẩy ứng dụng CNTT tại Hàn Quốc.
Và từ câu chuyện của Hàn Quốc, liên hệ với Việt Nam, ông Phùng Bảo Thạch – Giám đốc Trung tâm Tin học Bộ KH&CN cho rằng ý thức từ cấp lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương còn là một vấn đề nan giải đối với Việt Nam. Qua một cuộc khảo sát để xây dựng một dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 do Bộ KH&CN thực hiện mới đây với 63 Sở KH&CN các tỉnh, thành, trong hàng loạt khó khăn thì rào cản đến từ ý chí của lãnh đạo cũng là một vấn đề nổi cộm.
“Năm 2009, nếu không có quyết định của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chậm nhất đến ngày 20/8/2009 tất cả các Bộ của Nhà nước phải công khai hoá và đưa các thủ tục, dịch vụ hành chính công lên mạng thì có lẽ đến nay vẫn phổ biến tình trạng người dân phải đến tận cơ quan công quyền để sử dụng các dịch vụ hành chính công theo cách thức thủ công”, ông Thạch nhấn mạnh và cho rằng: Nếu chỉ chờ vào ý chí quyết tâm một cách tự giác của người lãnh đạo thôi thì chưa đủ, mà điều đó còn phải được thể hiện bằng chế tài bắt buộc.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Cẩm – PGĐ Sở TT&TT Đà Nẵng cho rằng, trước câu chuyện phổ cập CNTT cho người dân còn nhiều khó khăn, tuỳ theo từng địa phương, vấn đề quan trọng cần được đặt ra để tìm hiểu là: Người dân không dùng ứng dụng vì sao? Do họ không có điều kiện về tiền bạc hay do không có ứng dụng phù hợp?
Chính vì thế, tại hội nghị, ý kiến của các chuyên gia cũng đồng tình cho rằng để có thể kích thích, từ đó nâng cao được khả năng ứng dụng của người dân thì vai trò của người lãnh đạo các ngành các cấp, tại địa phương vẫn cần được đặt ra hàng đầu. Người lãnh đạo cần dựa trên cơ sở nghiên cứu, lắng nghe tâm tư người dân để từ đó tìm cách đưa ra cơ chế giúp người dân tiếp cận, ứng dụng hiệu quả. “Cơ chế ở đây không hoàn toàn có nghĩa là phải áp đặt, bắt buộc mà có ý nghĩa động viên lôi cuốn, kích thích và định hướng người dân thực hiện theo”, PGĐ Sở TT&TT Đà Nẵng lưu ý thêm.
Trang bị kỹ năng từ tiệm… game online
Theo ông Nguyễn Hoàng Cẩm, tại Đà Nẵng đang có một nghịch lý là nhiều điểm truy cập Internet miễn phí luôn… ít người đến dùng hơn so với những điểm có thu phí chỉ với lý do: Các điểm thu phí còn cung cấp dịch vụ game online.
Trước câu chuyện này, ông Nguyễn Thanh Tuyên – Phó Vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ TT&TT) đưa ra gợi ý: Giữa lúc các điểm BĐVHX có trang bị máy tính kết nối Internet đang phát triển khó khăn, thì các điểm Internet của tư nhân lại phát triển rất mạnh. Tại những tụ điểm này, thanh niên, học sinh tự phổ biến kiến thức tin học, tiếp cận kỹ năng máy tính cho nhau rất nhanh chóng. “Vậy chúng ta cần loại bỏ quan niệm coi tiệm game online luôn có nhiều vấn đề tiêu cực, nghiên cứu cơ chế phối hợp với các điểm Internet công cộng theo mô hình hợp tác công – tư để giới thiệu dịch vụ công, phổ cập sử dụng máy tính cho cộng đồng ngay tại những tụ điểm đó?”, ông Tuyên đặt vấn đề, đồng thời cũng cho rằng nếu tận dụng được các điểm như vậy có thể cho phép tiết kiệm được nhiều chi phí tuyên truyền, hướng dẫn, rút ngắn thời gian tìm hiểu ứng dụng…
Đồng quan điểm với ông Nguyễn Thanh Tuyên, bà Phạm Thị Thanh Long - Giám đốc phụ trách Chương trình hợp tác với chính phủ của IBM Việt Nam, cho rằng: Không hẳn người chơi game tốt sẽ ứng dụng CNTT tốt, tuy nhiên việc kết hợp với các phong trào của Đoàn thanh niên, các Hội, đoàn thể, kêu gọi học sinh, thanh niên… để tạo ra một cộng đồng cùng chung tay phổ cập Internet, ứng dụng CNTT là giải pháp có thể tính đến.
Xây dựng, củng cố và phát triển thông tin cơ sở là một trong những nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết của Chính phủ nhằm thực hiện các mục tiêu về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong lĩnh vực TT&TT, đảm bảo công bằng xã hội theo Nghị quyết Trung ương 26/NQ-TƯ.
Bài viết đã đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 147 ra ngày 8/12/2010.