Tỉnh Thanh Hóa có 11 huyện miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Điều kiện môi trường sống và đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Trình độ dân trí không đồng đều, việc hiểu biết kiến thức pháp luật hạn chế, dẫn đến nhiều thiệt thòi trong bảo vệ quyền lợi hợp pháp, cũng như vô tình vi phạm pháp luật.
Lang Chánh là huyện miền núi biên giới của tỉnh với dân số khoảng 52.600 người. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 90% sinh sống ở 78 thôn, bản, khu phố thuộc 10 xã, thị trấn.
Thời gian gần đây, huyện đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật ở các thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Việc nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp với nhu cầu, đặc điểm, phong tục tập quán của từng dân tộc, từng khu vực.
Bên cạnh đó, địa phương cũng chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác tuyên truyền pháo luật có kỹ năng nghiệp vụ tốt, am hiểu pháp luật và biết tiếng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong 6 tháng đầu năm nay, huyện đã phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức 16 hội nghị với 1.284 đại biểu tham dự, tại cấp xã tổ chức 13 hội nghị với 1.986 đại biểu tham dự.
Bên cạnh những kết quả nổi bật của huyện Lang Chánh, huyện miền núi Như Thanh cũng được xem là điểm sáng trong việc nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật của tỉnh Thanh Hóa.
Huyện Như Thanh đã kiện toàn Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật với 100% thành viên đều có trình độ chuyên môn luật. Các tuyên truyền viên pháp luật và hòa giải viên cơ sở là những người có trình độ, kinh nghiệm thực tiễn, có uy tín trong thôn, bản và cộng đồng dân cư.
Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật huyện đã chỉ đạo các cấp, các ngành đổi mới nội dung tuyên truyền pháp luật. Nội dung tuyên truyền được xây dựng đảm bảo tiêu chí ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, tác động trực tiếp tới nhận thức của người dân.
Hiện 100% các xã, thị trấn của huyện Như Thanh được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, trong đó có 9 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật , ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân được nâng lên, hạn chế những vi phạm pháp luật xảy ra, giúp người dân, các doanh nghiệp tự bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình khi tham gia vào các quan hệ dân sự, hình sự.
Tại huyện Như Xuân, địa bàn có khoảng hơn 70 nghìn người sinh sống, trong đó dân tộc Thái chiếm 43%, dân tộc Thổ chiếm 14,5%, dân tộc Mường chiếm 5,5% và dân tộc Kinh chiếm 37%.
Với lượng lớn đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Như Xuân đã thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân trong các lĩnh vực đất đai, môi trường, an toàn giao thông, tệ nạn xã hội, từng bước giảm số vụ về người vi phạm pháp luật.
Có thể nói, việc đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đã góp phần nâng cao nhận thức, khả năng tiếp cận pháp luật của người dân, đồng bào dân tộc thiểu số cũng như hiệu quả công tác tuyên truyền cho cán bộ thôn, bản, các huyện miền núi Thanh Hóa.