Tham gia Diễn đàn Truyền thông phòng, chống mua bán người được tổ chức tại tỉnh Tây Ninh mới đây, em N.T.M.L, sinh năm 2009, ở huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh là một trong những nạn nhân của đường dây mua bán người chia sẻ, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên em phải nghỉ học từ nhỏ.
Đầu năm 2023, trong một lần lướt Facebook, vô tình thấy người quen đăng tuyển tìm người làm ở xưởng may tại Bình Dương nên L. chủ động liên hệ để đăng ký đi làm. Các đối tượng mua bán người đã cho xe tới tận nhà để đón em đi. Tuy nhiên, sau khi lên xe, em L. được chở đi qua nhiều địa điểm và chở sang Campuchia để làm việc.
Tại Campuchia, L. làm việc tại một công ty có bảo vệ cầm súng. Ban đầu, họ tập luyện cho em gõ máy tính, sau đó bắt em tham gia đường dây lừa đảo do họ hướng dẫn. Càng ngày, chủ đưa ra chỉ tiêu cao, số tiền nhiều hơn nên em không làm được. Những khi như thế, em bị đánh, bị trói.
Cuối cùng, L. đã quyết tâm chui vào xe rác để chạy thoát. Khi thoát khỏi bọn chúng, em đã tìm cách liên hệ với gia đình và được đón về nhà sau hơn 4 tháng bị mua bán. Từ bài học của mình, N.T.M.L hy vọng các bạn trẻ khác đừng dễ dàng tin người lạ để phải chịu tra tấn, tủi nhục, ân hận.
Không chỉ riêng N.T.M.L, rất nhiều nạn nhân bị bán sang nước ngoài, chịu nhiều tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần. Nạn nhân không chỉ là phụ nữ và trẻ em mà còn là nam giới và trẻ sơ sinh, bị lấy nội tạng, cưỡng ép kết hôn, đẻ thuê, bóc lột lao động và tình dục...
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ, 6 tháng đầu năm nay, cả nước xảy ra 98 vụ án mua bán người, 234 đối tượng liên quan đến hành vi mua bán người. Số vụ mua bán người được phát hiện, khởi tố mới tăng 21,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng tại tỉnh Tây Ninh, trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, Công an tỉnh đã phát hiện và khởi tố 3 vụ với 12 đối tượng và giải cứu 24 nạn nhân, đang thụ lý điều tra 2 vụ án mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi với 17 bị can.
Hiện nay, thủ đoạn của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi và phức tạp. Các đối tượng tội phạm mua bán người lợi dụng những lỗ hổng thông tin trên không gian mạng cũng như nhu cầu việc làm tăng cao, đặc biệt trong tầng lớp thanh niên, để thực hiện hành vi phạm tội.
Đặc biệt, tình trạng nạn nhân của tội phạm mua bán người là trẻ em chiếm số lượng lớn (trên tổng số vụ). Trẻ em là đối tượng có nguy cơ bị bạo lực gấp đôi người lớn khi bị mua bán, đồng thời, cũng là đối tượng phải đối mặt với tình trạng bị lạm dụng cho nhiều mục đích như ép buộc lao động, buôn bán nội tạng hay mại dâm.
Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho hay, trong bối cảnh tội phạm mua bán người với những phương thức, thủ đoạn phức tạp trên không gian mạng hiện nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã và đang tăng cường sử dụng công nghệ và mạng xã hội để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người.
Cùng với đó, chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội về phòng, chống mua bán người với các hình thức mới mẻ, nội dung hấp dẫn cũng được triển khai thực hiện thu hút hàng triệu lượt tiếp cận từ công chúng trên khắp cả nước.
Tại sự kiện Diễn đàn Truyền thông phòng, chống mua bán người, thông qua hình thức sân khấu diễn đàn và tọa đàm đối thoại, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam mong muốn cung cấp thêm kiến thức về phòng, chống mua bán người, nhận biết những phương thức, thủ đoạn và hậu quả nghiêm trọng của tội phạm mua bán người trên không gian mạng. Qua đó, giúp các em học sinh và người dân nêu cao tinh thần cảnh giác để tự phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện ra các hành vi phạm tội mua bán người.
"Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người" là thông điệp chính của chương trình mang lại cho học sinh. Mỗi người dân, học sinh, sinh viên hãy luôn là một tuyên truyền viên góp phần cùng toàn dân, toàn xã hội chung tay phòng, chống tội phạm mua bán người.