Tại Hội thảo khoa học “Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam” do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức sáng 5/12/2023 tại Hà Nội, đại diện Cục Thông tin đối ngoại, Bộ TT&TT đã có bài tham luận với chủ đề:“Chương trình truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030”.

Theo đó, hoạt động tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo đã được triển khai rộng khắp, thông qua nhiều hình thức thiết thực, phù hợp; đối tượng tuyên truyền được mở rộng, áp dụng với từng nhóm đối tượng phù hợp. Công tác thông tin tuyên truyền về biển và đại dương thời gian qua không chỉ triển khai ở các cơ quan báo chí truyền thông mà đã được triển khai cả trên mạng internet, mạng xã hội; thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các buổi sinh hoạt chính trị, tư tưởng; hoạt động của các câu lạc bộ của các đoàn thể xã hội ở cơ sở; đặc biệt là việc lồng ghép vào nội dung học tập, giáo dục trong các nhà trường, góp phần bồi dưỡng tình yêu biển, đảo cho đối tượng học sinh, sinh viên. 

W-15-chuong-trinh-truyen-thong-ve-bien-va-dai-duong-den-nam-2030-1.jpg
Triễn lãm trực tuyến “Trường Sa Xanh” thu hút đông đảo người quan tâm.

Một số kết quả nổi bật đã được đại diện Cục Thông tin đối ngoại nêu ra như xây dựng và tổ chức Triễn lãm trực tuyến “Trường Sa Xanh”; tăng cường các tuyến bài quảng bá hình ảnh biển đảo và đại dương Việt Nam qua nền tảng Cổng thông tin đối ngoại vietnam.vn...; Tổ chức 03 Triển lãm ảnh, tư liệu với chủ đề “Việt Nam đất nước, con người - Nhìn từ biển, đảo” tại nước ngoài (Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Séc và Liên bang Nga); Tổ chức 03 Hội thi tuyên truyền về chủ quyền và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam cho các Đội tuyên truyền lưu động của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tổ chức 04 Chương trình nghệ thuật “Biển, đảo – Trái tim Việt Nam” nhân ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12) hằng năm; Tổ chức 80 cuộc tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chủ quyền biển, đảo Việt Nam tại 46 tỉnh, thành phố, 23 đơn vị lực lượng vũ trang và lực lượng kiểm ngư; 10 huyện, thành phố đảo trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, Cục cũng thường xuyên rà quét phát hiện các thông tin liên quan đến biển đảo trên không gian mạng để tham mưu các cấp lãnh đạo; việc duy trì tần số trực canh, bảo đảm thông tin duyên hải thông suốt phục vụ quản lý nhà nước và hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển, tập trung tuyên truyền và kịp thời thông tin đến ngư dân các vấn đề liên quan đến an ninh hàng hải, phòng chống thiên tai thông qua thiết bị tần số vô tuyến điện trang bị cho ngư dân...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Cục Thông tin đối ngoại  cũng thừa nhận một số hoạt động tuyên truyền vẫn mang tính hình thức, chưa thật sự sâu sát; nhiều nhiệm vụ trong Đề án chỉ dừng ở việc ban hành các văn bản, chưa tích cực tuyên truyền, phổ biến và vận động để người dân hiểu và tiếp cận với các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến vấn đề biển, đảo; Công tác tuyên truyền về về phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định IUU còn hạn chế về số lượng, nhất là các bài viết bằng tiếng nước ngoài. Công tác tuyên truyền tại các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, dân cư phân tán, giao thông đi lại không thuận lợi, người dân chưa có điều kiện tiếp cận nhiều với các hoạt động thông tin, tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam còn hạn chế...

Để khắc phục những hạn chế trên, chuyển đổi số và áp dụng các hình thức truyền thông mới là giải pháp quan trọng nhất cho công tác tuyên truyền phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam giai đoạn tới. 

Đại diện Cục Thông tin đối ngoại cho biết, trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục hoàn thiện và vận hành Hệ sinh thái Triển lãm số về biển, đảo Việt Nam trên cơ sở nâng cấp Triển lãm trực tuyến “Trường Sa Xanh”; Xây dựng, vận hành ứng dụng cung cấp thông tin bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc thiểu số cho ngư dân, lực lượng biên phòng tuyến biên giới biển và người dân tộc thiểu số; Thực hiện tuyên truyền, phổ biến trên báo chí về đề tài biển, đảo, chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông trên thuê bao di động. Đặc biệt là xây dựng và vận hành chuyên trang Biển Đông - Hải đảo trên Cổng Thông tin điện tử đối ngoại (Vietnam.vn) với một số chuyên mục như Ngư dân bám biển, Kinh tế biển; Chủ quyền biển, đảo…

Bình Minh và nhóm PV, BTV