Sáng 18/11, tại Trung tâm hội nghị huyện Đồng Văn, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam và UBND huyện Đồng Văn tổ chức Hội thảo khoa học: Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Mèo Vạc” cho sản phẩm mật ong Bạc hà tỉnh Hà Giang. 

W-anhminhhoa-4.png

Tính đến nay, tỉnh Hà Giang được cấp 25 văn bằng bảo hộ nhãn hiệu dùng chung, gồm: 8 Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý, 14 nhãn hiệu chứng nhận, 3 nhãn hiệu tập thể. Trong đó, 8 sản phẩm đặc sản của địa phương được đăng ký bảo hộ Chỉ dẫn địa lý bao gồm: Mật ong Bạc hà, chè Shan tuyết, thịt bò vàng, cam Sành, gạo tẻ Già Dui, Hồng không hạt, cá Bỗng, Thảo quả.

Chỉ dẫn địa lý “Mèo Vạc” dùng cho sản phẩm mật ong Bạc hà của tỉnh Hà Giang được cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý số 00035 theo Quyết định 316, ngày 1.3.2013 của Cục Sở hữu trí tuệ. Việc sản xuất mật ong gắn liền với cây Bạc Hà được phân bố theo những vùng địa lý nhất định. Mật ong mang Chỉ dẫn địa lý “Mèo Vạc” có nguồn gốc thực vật hoa Bạc hà quý hiếm, không chỉ có lợi cho sức khỏe mà còn có nhiều đặc tính biệt dược quý. Sản phẩm gắn liền với đời sống của người Mông và các hoạt động văn hóa du lịch trên Cao nguyên đá Đồng Văn.

Để phát triển, nâng cao giá trị mật ong Bạc Hà mang Chỉ dẫn địa lý “Mèo Vạc”, những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, cơ chế, chính sách. Bên cạnh đó, tỉnh cũng có chính sách bảo hộ đàn ong địa phương tại các khu vực được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý, ngăn ngừa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ.... Các cơ sở sản xuất và kinh doanh mật ong Bạc hà tại địa phương ngày càng quan tâm tới việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc quản lý, khai thác và sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Mèo Vạc” cho sản phẩm mật ong Bạc Hà của tỉnh còn một số khó khăn, hạn chế như: Công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và quản lý, phát triển về chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, về lợi ích, trách nhiệm của người được cấp quyền sử dụng còn chậm, chưa thường xuyên, chưa sâu sát với tình hình thực tiễn; một số doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất, kinh doanh chưa thể hiện rõ trách nhiệm trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm; việc đầu tư cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm chưa được các doanh nghiệp, hợp tác xã quan tâm, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước…

Tại hội thảo, các đại biểu dành nhiều thời gian tham luận, tập trung vào các vấn đề như: Thực trạng sản xuất, quản lý chất lượng mật ong Bạc Hà tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá; giải pháp về công tác xúc tiến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm mật ong Bạc hà; phát triển du lịch gắn với khai thác sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao; định hướng phát triển cây Bạc Hà phục vụ nuôi ong mật trong vùng chỉ dẫn địa lý…

Hội thảo là dịp để các cấp, ngành, cơ quan quản lý cùng đánh giá, nhìn nhận kết quả hoạt động quản lý, phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm mật ong Bạc Hà mang Chỉ dẫn địa lý “Mèo Vạc” của tỉnh trong những năm qua; chỉ ra những hạn chế, chia sẻ kinh nghiệm, phát hiện và đề xuất những giải pháp nhằm tạo đột phá trong hoạt động quản lý và phát triển Chỉ dẫn địa lý mật ong Bạc Hà "Mèo Vạc" của tỉnh thời gian tới.

Mỹ Hoà và nhóm PV, BTV