Tính đến đầu năm 2023, tỉnh Lai châu có hơn 485.000 ha rừng với tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn đạt 51,8%. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, các địa phương cùng với sự nỗ lực của người dân, công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Để có được những thành quả này, lực lượng chức năng tỉnh Lai Châu đã thực hiện đồng loạt nhiều biện pháp phòng chống cháy rừng, tiêu biểu trong đó phải kể đến công tác tuyên truyền tới toàn bộ các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Qua đó, trong giai đoạn mùa khô năm 2022/2023, đã có hơn 21.000 lượt hộ gia đình ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.
Tại huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng), nơi chiếm 2/3 diện tích rừng của thành phố với hơn 50.000ha, lực lượng chức năng xác định công tác phòng cháy chữa cháy rừng lấy phòng là chính, chữa cháy phải kịp thời. Do đó, trong mùa cao điểm cháy rừng, Hạt Kiểm lâm trên địa bàn đã phân công các lực lượng túc trực 24/7, và thành lập đội phản ứng nhanh với 40 người, chia làm ba tổ công tác tại các khu vực trọng điểm. Cùng với đó, phối hợp tuyên truyền cho người dân trên địa bàn để phát đi những cảnh báo cháy rừng.
Có thể thấy, để nâng cao công tác phòng chống cháy rừng, cần đặc biệt quan tâm tới sự chung tay của cả lực lượng chức năng và người dân. Theo đại diện Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, để giải quyết được vấn đề cốt lõi trong công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng, cần chú trọng đặc biệt tới việc tuyên truyền, nâng cap ý thức của người dân.
Theo đó, công tác tuyên truyền cần được triển khai theo phương châm "mưa dầm thấm lâu". Qua đó, ý thức của người dân trong công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng sẽ được nâng lên, nhất là trong giai đoạn mùa hanh khô, nguy cơ cháy rừng cao như hiện nay.
Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm tới công tác quản lý, phát triển rừng bền vững bằng cách quan tâm tới các chính sách hỗ trợ, nâng cao đời sống cho lực lượng bảo vệ rừng, chủ rừng, người dân làm nghề rừng hoặc người dân sinh sống trong khu vực gần rừng. Đây là những lực lượng nòng cốt trong công tác bảo vệ rừng, có như vậy, họ mới gắn bó, chủ động tham gia các hoạt động bảo vệ rừng.
Để nâng cao hiệu quả phòng chống cháy rừng, các địa phương cũng cần phát động, huy động người dân tham gia phát dọn những đường băng cản lửa trong mùa hanh khô.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần làm rõ nguyên nhân khi xảy ra cháy rừng, có những biện pháp răn đe, xử lý các đối tượng vi phạm các quy định phòng cháy, chữa cháy rừng, kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, cần bố trí kinh phí phù hợp để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, hoặc các công nghệ phát hiện sớm cháy rừng. Qua đó, kịp thời có các phương án ứng phó.
Các thiết bị chữa cháy rừng chuyên dụng cũng cần được đầu tư nâng cấp, mở rộng để luôn luôn trong trạng thái hoạt động tốt nhất, sẵn sàng làm nhiệm vụ bất kỳ khi nào xảy ra cháy rừng.