Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, bao gồm 54 dân tộc anh em. Phần lớn dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống ở vùng miền núi, vùng biên giới, hải đảo với địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn nhưng lại là địa bàn chiến lược về phát triển kinh tế -xã hội và đặc biệt là an ninh quốc phòng của đất nước.
Xác định rõ tuyên truyền, truyền thông có vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội, kết nối cộng đồng, chia sẻ thông tin, làm thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi con người, là một trong những yếu tố duy trì và phát triển xã hội bền vững, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, đầu tư nhiều dự án tăng cường cơ sở vật chất và các hoạt động truyền thông cho vùng DTTS. Theo đó, các cơ quan truyền thông triển khai tích cực thông qua nhiều kênh khác nhau, từ trực tiếp đến gián tiếp, nhất là thông qua truyền thông đại chúng.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác tuyên truyền chính sách dân tộc ở các xã khó khăn khu vực biên giới còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.
Vì vậy, việc triển khai thực hiện dự án "Điều tra, đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền chính sách dân tộc ở các xã biên giới đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi" là rất cần thiết, góp phần thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, đồng thời giúp đồng bào DTTS nhận thức sâu sắc hơn về quyền lợi và trách nhiệm của mình trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi Quốc hội đã phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, thì đây là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết.
Báo cáo tổng quan Dự án đã nêu rõ về thực trạng công tác tuyên truyền chính sách dân tộc ở các xã đặc biệt khó khăn vùng biên giới bao gồm tuyên truyền về các chính sách văn hóa, kinh tế, giáo dục, y tế, an ninh quốc phòng; thực trạng về lực lượng tham gia làm công tác tuyên truyền; thực trạng về phương thức, phương tiện tuyên truyền.
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự bày tỏ đồng tình, nhất trí với sự cần thiết của việc thực hiện Dự án. Đồng thời, các đại biểu cũng đã đánh giá, bổ sung nội dung, phương pháp, số liệu và cơ sở vật chất phục vụ công tác tuyên truyền; đánh giá, bổ sung những kiến nghị, những đề xuất và các giải pháp được trình bày trong báo cáo.
Theo đó, một số giải pháp cụ thể được đề ra như: Tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho lực lượng tham gia là công tác tuyên truyền, nhất là đội ngũ cán bộ thôn, bản, những người có uy tín, đội ngũ biên tập viên, phát thanh viên của đài truyền thanh xã; tăng cường nội dung tuyên truyền bằng tiếng dân tộc.
Ngoài ra, xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên là người dân tộc thiểu số ở cơ sở; kết hợp tốt các hình thức tuyên truyền, tăng cường hình thức tuyên truyền, vận động trực tiếp; chế độ đãi ngộ xứng đáng cho người làm công tác tuyên truyền; bảo đảm cơ sở vật chất, tài chính phục vụ cho hoạt động tuyên truyền. Đây là các giải pháp hiệu quả giúp nâng cao chất lượng chủ thể tuyên truyền đến các yếu tố phục vụ công tác tuyên truyền.
Ban Chủ nhiệm Dự án cho biết, sẽ tiếp thu toàn bộ các ý kiến để hoàn thiện dự án góp phần đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền các chính sách dân tộc vùng đồng bào DTTS và miền núi trong thời gian tới, nhất là việc tuyên truyền vận động đồng bào tham gia thực hiện có hiệu quả Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Hồng Khanh, Hoài Thanh, Thu Thủy, Diệu Bình, Kiều Oanh