Hội nghị có sự tham gia của 280 đại biểu từ các cơ quan, ban ngành Trung ương cũng như 26 tỉnh, thành trên cả nước.
Phát biểu khai mạc, ông Phạm Anh Tuấn, Cục trưởng Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đây là hội nghị tập huấn thứ 3 trong năm nay nhằm quán triệt Kết luận số 57-KL/TW ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới và triển khai trực tiếp Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, công tác thông tin, truyền thông đối ngoại về quyền con người đang bị đặt trước nhiều thách thức khi thế giới, khu vực có nhiều biến động; đời sống của người dân trong nước dù đã có cải thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, lợi dụng tình hình khó khăn, các đối tượng cơ hội chính trị, các thế lực thù địch trong và ngoài nước xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo trong nước, phủ nhận các thành tựu và nỗ lực của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Nhấn mạnh về thực tế truyền thông về quyền con người hiện nay, Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Nhân quyền Chính phủ nhấn mạnh: Vai trò của công tác truyền thông về quyền con người đã góp phần tích cực phản bác được thông tin xấu độc; truyền thông khá toàn diện những thành tựu chúng ta đã đạt được trong bảo đảm về quyền con người. Tuy nhiên, các thế lực thù địch vẫn luôn tìm cách bôi đen tình hình thực tế tại Việt Nam như: Thiếu quyền tự do báo chí, tự do tín ngưỡng tôn giáo, vi phạm dân chủ nhân quyền... vì thế cần có thêm các biện pháp linh hoạt, chủ động trong công tác truyền thông về quyền con người.
Tại hội nghị, ông Lê Hải Bình, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại Trung ương quán triệt lại Kết luận số 16-KL/TW, ngày 14/2/2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2010-2020, nhấn mạnh là một văn bản quan trọng, đến nay vẫn còn nhiều giá trị.
Tuy nhiên, trong bối cảnh, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế, công tác truyền thông, thông tin đối ngoại cần phải có sự thay đổi nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế và đáp ứng tình hình mới. Nhìn nhận về vấn đề này, Kết luận số 57-KL/TW của Bộ Chính trị đã thể hiện tinh thần mới, quan điểm mới của Đảng ta về công tác thông tin đối ngoại, cũng như yêu cầu đặt ra đối với công tác truyền, thông tin đối ngoại về quyền con người.
Ông Đinh Tiến Dũng, Phó cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông nêu các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại về quyền con người, trong đó nhấn mạnh: Cần có cơ chế cung cấp thông tin nhanh nhất cho các cơ quan báo chí. Các địa phương vẫn còn hạn chế khi chậm thông tin, né tránh báo chí, gây ra khủng hoảng truyền thông, khi các thế lực thù địch có thông tin, báo chí lại không được cung cấp thông tin.
Theo ông Dũng cần tăng cường tập huấn thông tin, đưa phóng viên đi thực tế để nắm bắt thông tin, từ đó báo chí sẽ phản ánh chính xác tình hình ở cơ sở. Ngoài ra, cần "đặt hàng" các cơ quan báo chí, truyền thông, tạo điều kiện tác nghiệp và cho ra các sản phẩm báo chí chất lượng cao về quyền con người. Tăng cường hợp tác truyền thông thông qua các hoạt động truyền thông quốc tế. Tổ chức giải thưởng truyền thông về quyền con người...
Tại hội nghị tập huấn, các báo cáo viên đã đi sâu phân tích tình hình trong nước và quốc tế; chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác thông tin đối ngoại về quyền con người; cập nhật tình hình thế giới, khu vực; thống nhất nhận thức về tầm quan trọng của công tác thông tin đối ngoại về quyền con người, công tác truyền thông chính sách; cập nhật tình hình và yêu cầu đặt ra đối với công tác thông tin, tuyên truyền về quyền con người trong thời gian tới.