Bối cảnh tình hình hiện nay tạo ra nhiều lợi thế cho công tác đối ngoại nhân dân. Trên thế giới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn. Cùng với sự phát triển của khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, và xu hướng dân chủ hóa đời sống quốc tế, vai trò, tiếng nói và sự tham gia của các tổ chức nhân dân ngày càng được coi trọng cả ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong hơn 35 năm đổi mới vừa qua đã tạo nên thế và lực mới, tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước, bạn bè quốc tế tiếp tục dành cho Việt Nam những tình cảm tốt đẹp. Đảng ta đặc biệt nhấn mạnh vai trò tiên phong của đối ngoại, cũng như vị trí quan trọng của đối ngoại nhân dân.
Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Nguyễn Ngọc Bình (bên phải) tiếp nhận hỗ trợ từ Dự án Đà Nẵng của Mỹ để trao cho người lao động tự do và người có thu nhập thấp trên địa bàn thành phố bị ảnh hưởng Covid-19. |
Để phát huy vai trò “trụ cột”, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trong bài viết có tựa đề "Phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân - một trụ cột của nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại" đã đưa ra 7 giải pháp cần thực hiện như sau:
Thứ nhất, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng và sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với công tác đối ngoại nhân dân. Quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng, tạo chuyển biến sâu sắc và sự thống nhất cao trong toàn bộ hệ thống chính trị về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đối ngoại nhân dân, xác định rõ triển khai công tác đối ngoại nhân dân là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị.
Thứ hai, đổi mới mạnh mẽ tư duy, nội dung và phương thức hoạt động đối ngoại nhân dân theo hướng đa dạng hóa, mở rộng phạm vi hoạt động, đối tác, lực lượng tham gia, tạo đan xen lợi ích và độ tin cậy, thúc đẩy quan hệ với nhân dân các nước láng giềng, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đối tác chiến lược, toàn diện, bạn bè truyền thống đi vào chiều sâu, thực chất, phục vụ các lợi ích an ninh, phát triển và vị thế của đất nước, làm tốt vai trò “cầu nối” xúc tiến hợp tác kinh tế - thương mại, du lịch, đầu tư, văn hóa, giáo dục, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả chiến tranh... phù hợp với thế mạnh và nhu cầu của từng đối tác, từng địa phương. Phát huy vai trò tích cực, có trách nhiệm, tăng cường sự tham gia rộng rãi, hiệu quả của các tổ chức nhân dân Việt Nam tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế, đóng góp phù hợp vào các nỗ lực của cộng đồng quốc tế ứng phó với những thách thức chung đối với hòa bình, an ninh và phát triển, thể hiện vai trò, vị thế của Việt Nam. Chăm lo hỗ trợ đồng bào Việt Nam ở nước ngoài, phát huy vai trò tích cực của đồng bào trong công tác đối ngoại nhân dân và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Thứ ba, tích cực hội nhập quốc tế, huy động nguồn lực bên ngoài phục vụ các yêu cầu, mục tiêu phát triển bền vững của đất nước đến năm 2025, năm 2030 và năm 2045. Nâng cao hiệu quả công tác phi chính phủ nước ngoài, mở rộng, thúc đẩy hợp tác với các đối tác tiềm năng, đặc biệt là trong các lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển xanh và bền vững, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống...
Thứ tư, hỗ trợ hiệu quả cho đối ngoại đảng và ngoại giao nhà nước trong việc bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia - dân tộc, đặc biệt là trong các vấn đề dân chủ, nhân quyền, chủ quyền biển, đảo, tham gia giải quyết các vấn đề nảy sinh, góp phần tăng cường và thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước.
Thứ năm, tăng cường chất lượng công tác nghiên cứu, dự báo tình hình, phát huy vai trò của đội ngũ chuyên gia đối ngoại trong nghiên cứu, tham mưu, đóng góp vào việc xây dựng chính sách và triển khai đường lối đối ngoại. Đổi mới nội dung và phương thức thông tin đối ngoại, ứng dụng thành tựu của công nghệ thông tin, truyền thông để tăng cường thông tin tích cực về đất nước, con người và thành tựu của Việt Nam, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, đấu tranh với những luận điệu sai trái về Việt Nam.
Thứ sáu, hoàn thiện cơ chế, nâng cao hiệu quả chỉ đạo, quản lý, phối hợp trong công tác đối ngoại nhân dân, bảo đảm phối hợp chặt chẽ giữa các trụ cột của đối ngoại, giữa Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trong xây dựng chủ trương và triển khai các hoạt động đối ngoại. Tăng cường phối hợp giữa các tổ chức nhân dân ở Trung ương và giữa Trung ương với địa phương, chú trọng phát huy vai trò của các tổ chức đối ngoại nhân dân ở địa phương.
Thứ bảy, chăm lo xây dựng, đầu tư nguồn lực tài chính và con người cho đối ngoại nhân dân. Kiện toàn, củng cố tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ theo hướng tinh gọn, hiệu quả, chuyên nghiệp hóa, trẻ hóa, chú trọng thu hút nhân tài, đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại nhân dân chuyên trách ổn định, “mạnh” ở cả Trung ương và địa phương, có bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, tâm huyết, có năng lực chuyên môn và ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Như Sỹ (lược trích)