Công cuộc chuyển đổi số đang được thúc đẩy mạnh mẽ, toàn diện trên 3 trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số, mang lại nhiều lợi ích cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân, song cũng đặt ra nhiều thách thức, tiềm ẩn rủi ro về an toàn thông tin.
Do đó, công tác truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng số, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số đang được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh quan tâm thực hiện đồng bộ. từ đầu tư hạ tầng, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, đa dạng các phương thức truyền thông…
UBND tỉnh đã ban hành các chương trình, kế hoạch tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số, về bảo đảm an toàn thông tin trong chuyển đổi số cho cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Trong đó ưu tiên hình thức bồi dưỡng, tập huấn qua các nền tảng học trực tuyến mở (nền tảng MOOCs, nền tảng OneTouch) để cán bộ, công chức, viên chức có thể truy cập và học mọi lúc, mọi nơi, không làm giản đoạn thực hiện công việc hàng ngày.
Năm 2023, toàn tỉnh có khoảng 300 cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm làm về CNTT, quản trị mạng và chuyển đổi số (mỗi đơn vị, địa phương có ít nhất 1 cán bộ) có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên; 1.675 Tổ công nghệ số cộng đồng với 8.424 thành viên. Công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng số được quan tâm, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Đồng chí Lê Trần Hương, Phó chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện Nho Quan, Tổ trưởng Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Nho Quan cho biết: Để đảm bảo an toàn, an ninh mạng, nâng cao chất lượng thực hiện dịch vụ công trực tuyến, huyện chỉ đạo công chức, viên chức tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thực hiện nghiêm quy định từ khâu tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả.
Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân khi thực hiện nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính áp dụng dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo bí mật các thông tin cá nhân khi thực hiện giao dịch. Đối với các dịch vụ công toàn trình hoặc một phần, cán bộ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hướng dẫn công dân thực hiện dịch vụ công ở 6 máy tính mà huyện đã bố trí cho công dân đến giao dịch, đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Những năm qua, tỉnh quan tâm phát triển hạ tầng, nền tảng số và dữ liệu số. Hạ tầng công nghệ thông tin, bưu chính, viễn thông, các nền tảng số tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng, phát triển. Năm 2023, tỉnh Ninh Bình đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển hạ tầng, nền tảng số.
Hạ tầng công nghệ thông tin; Mạng truyền số liệu chuyên dùng, hệ thống đường truyền Internet, tốc độ truy cập mạng băng thông rộng cố định, di động; Trung tâm dữ liệu tỉnh, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển chính quyền số, chuyển đổi số của tỉnh; đã cơ bản hoàn thành việc triển khai, đưa vào khai thác sử dụng ổn định, hiệu quả các nền tảng số, hệ thống thông tin dùng chung tạo tiền đề thúc đẩy công tác xây dựng, phát triển chính quyền số, chuyển đổi số.
Đồng chí Nguyễn Văn Thụ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin VNPT Ninh Bình cho biết: Với vai trò là đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông CNTT, đặc biệt cung cấp các dịch vụ phục vụ công tác chuyển đổi số cho khối chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh; VNPT xác định vai trò đảm bảo an toàn hệ thống thông tin phục vụ chính quyền, người dân và doanh nghiệp.
Để đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống, VNPT đã đầu tư nâng cấp hạ tầng mạng lưới cũng như triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin cho các sản phẩm dịch vụ.
Tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin, nâng cao năng lực của hệ thống cũng như xây dựng các biện pháp phòng chống đa lớp nhằm đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống cung cấp, cho cơ quan chính quyền, nhân dân và doanh nghiệp.
Tư vấn, hướng dẫn người dân nâng cao nhận thức, kỹ năng sử dụng hệ thống an toàn trên không gian mạng, tuyệt đối không chia sẻ tài khoản, thông tin cá nhân trên các trang mạng xã hội, không cài đặt phần mềm không rõ nguồn gốc. VNPT có đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực an toàn bảo mật, đủ năng lực xử lý các tình huống theo mô hình 4 lớp trong giải quyết các tình huống giải quyết an toàn thông tin mạng xảy ra.
Tỉnh Ninh Bình là địa phương sớm triển khai thực hiện đảm bảo an toàn, an ninh mạng theo mô hình 4 lớp và hoàn thành kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia. Đảm bảo an toàn thông tin phục vụ kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo chuẩn của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông...
Đại tá Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng Công an thành phố Ninh Bình cho biết: Để thực hiện hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác Công an, đặc biệt là triển khai Đề án 06 và dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công an, công tác bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thông tin, đặc biệt là đối với các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu chuyên ngành do Bộ Công an quản lý được Công an thành phố xác định là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt.
Trong đó, Công an thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện; tổ chức các lớp tập huấn về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin cho cán bộ, chiến sỹ.
Chỉ đạo bộ phận chuyên môn phối hợp với các Đội nghiệp vụ, Công an các phường, xã rà soát, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước, quy định của Bộ Công an về an ninh, an toàn thông tin.
Bố trí kinh phí đầu tư mua sắm các trang thiết bị, giải pháp kỹ thuật để bảo vệ an toàn hệ thống thông tin, hệ thống phần mềm ứng dụng phục vụ nhiệm vụ công tác.
Theo Tiến Minh (Báo Ninh Bình)