Phát triển du lịch sinh thái gắn với cây chè
Hà Giang là địa phương có diện tích chè Shan tuyết lớn nhất cả nước. Cây chè Shan tuyết với búp to, mập thường mọc ở các đỉnh núi cao mây mù bao phủ quanh năm. Chè Shan tuyết gắn liền với đời sống của người dân tộc vùng cao Tây Bắc, trong đó có núi Tây Côn Lĩnh.
Đỉnh Tây Côn Lĩnh (cao hơn 2.400m so với mực nước biển) của Hà Giang không chỉ níu chân du khách bởi cảnh vật hoang sơ, hùng vĩ với bạt ngàn rừng hoa đỗ quyên mà nơi đây còn có hơn 8.700 gốc chè Shan tuyết cổ thụ, độ tuổi từ 50 – 400 năm. Những gốc chè này còn được mệnh danh là ‘’vàng xanh” của núi rừng.
Với lợi thế đó, nhiều năm nay tỉnh Hà Giang đã tập trung bảo tồn những gốc chè cổ thụ, phát triển chuỗi sản phẩm từ lá chè song song với du lịch sinh thái trải nghiệm. Chè Shan tuyết cũng trở thành một trong những cây trồng mũi nhọn giúp đồng bào dân tộc giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế hộ gia đình và du lịch địa phương.
Tại thành phố Hà Giang, 5 thôn vùng cao Nà Thác, Khuổi My, Lùng Vài (xã Phương Độ), Gia Vài, Cao Bành (xã Phương Thiện) có trên 320 hộ, gần 1.000 nhân khẩu, đều là người dân tộc Dao, đang gắn bó với nghề hái chè.
Riêng xã Phương Độ có 192ha chè Shan tuyết, cho năng suất bình quân 25 tạ/ha; giá trị sản xuất đạt hơn 12 tỷ đồng/năm. Trong xã cũng có 15 hộ dân xây dựng du lịch cộng đồng, trở thành điểm đến trải nghiệm, khám phá của du khách trong và ngoài nước.
Áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất trà
Trước đây, đồng bào sống ở vùng Tây Côn Lĩnh thường thu hái chè tự do, bán cho thương lái. Hiện tại, các công ty chè, hợp tác xã ra đời tạo thành chuỗi liên kết, qua đó còn hướng dẫn bà con cách hái chè đảm bảo chất lượng, cách bảo vệ búp chè sau thu hoạch. Vì vậy, giá chè tươi sau hái cũng tăng cao gấp 2 – 3 lần.
Trà Shan tuyết truyền thống có giá từ 300 – 700 nghìn đồng/kg. Để nâng cao hiệu quả kinh tế từ nguồn “vàng xanh” của núi rừng này, hợp tác xã chè không chỉ sản xuất trà truyền thống, họ đã bắt đầu đưa công nghệ khoa học vào sản xuất các loại trà có giá trị cao, trong đó có trà Phổ Nhĩ.
Chị Chu Thị Minh Huệ - Hợp tác xã nông lâm sản Việt Nam Tea Nà Thác (Hà Giang) cho biết, hợp tác xã này đã áp dụng công nghệ sản xuất trà lên men để tăng giá trị búp chè Shan tuyết, tạo ra thương hiệu trà Phổ Nhĩ. So với trà truyền thống, trà Phổ Nhĩ có giá trị kinh tế rất lớn. Hiện nay, các cơ sở sản xuất bán trà Phổ Nhĩ với mức giá dao động từ 450 – 900 nghìn đồng/100gram.
Để sản xuất được loại trà này, các hợp tác xã phải đầu tư máy ép trà. Công đoạn làm trà Phổ Nhĩ cũng rất khó khăn, phức tạp từ khâu chọn nguyên liệu. Nguyên liệu làm trà Phổ Nhĩ là loại trà 1 tôm 1 lá hoặc 1 tôm 2 lá, ở độ cao phù hợp.
Có hai cách làm trà Phổ Nhĩ:
Với trà Phổ Nhĩ sống, người làm sẽ chọn búp chè Shan tuyết rồi sao lên, để trà lên men theo thời tiết tự nhiên, sau đó ép bánh. Vị của loại trà Phổ Nhĩ này nhẹ nhàng, hợp với những người ưa vị nhẹ, tốt cho sức khỏe vì chứa nhiều lợi khuẩn.
Với trà Phổ Nhĩ chín, lá chè phải ủ đúng kỹ thuật để trà chín rồi mới ép bánh và để lên men dần dần. Quá trình ủ trà rất khó về mặt kỹ thuật với độ rủi ro hỏng cao. Thế nhưng đổi lại, lợi khuẩn sẽ phát triển nhanh hơn, tốt cho sức khỏe con người hơn.
Hiện nay, kỹ thuật làm trà Phổ Nhĩ khó nên không nhiều người làm được. Tại Hà Giang, một số hợp tác xã hoặc những hộ có kinh phí mới có khả năng kinh tế để đầu tư máy ép trà.
Theo chị Huệ, Phổ Nhĩ là dòng trà “thượng lưu” nên kén khách. Loại trà này vốn là học theo cách làm của Trung Quốc nên việc làm thương hiệu gặp khó khăn, ít người biết tới. Hiện tại, khách hàng chủ yếu mua trà này đi biếu, tặng là chính.
Chị Huệ cho rằng, trong thời đại công nghệ số cần có nhiều chính sách phát triển thương hiệu chè Shan tuyết Tây Côn Lĩnh như tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường; dự báo thị trường gắn với tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm đặc thù.