Theo báo cáo của công ty tư vấn định giá thương hiệu Brand Finance, giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam đã tăng tới 11% trong năm 2022, từ 388 tỷ USD lên 431 tỷ USD
Về tốc độ tăng trưởng giá trị thương hiệu quốc gia, Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia toàn cầu và là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới là 74% trong giai đoạn 2019-2022.
Cụ thể, nếu như năm 2019, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam định giá là 274 tỷ USD, năm 2020 là 319 tỷ USD tăng 29%, năm 2021 là 388 tỷ USD tăng 21%, thì năm 2022 đã là 431 tỷ USD, tăng 11%.
Sự gia tăng lớn về giá trị thương hiệu của Việt Nam tương quan với việc quốc gia này đang ngày càng được nhận định là một nơi an toàn và ổn định để đầu tư khi mà nhiều nhà sản xuất tìm cách điều chuyển các hoạt động ở Châu Á để tới Việt Nam.
Theo báo cáo của Brand Finance, Việt Nam đã có mức tăng giá trị thương hiệu cao thứ ba trong thời gian đại dịch xét về số hạng tuyệt đối, tăng từ 184 tỷ USD lên tới 431 tỷ USD vào năm 2022, nhưng đạt mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới về mặt giá trị tương đối, tăng 74% so với năm 2019.
Những doanh nghiệp lớn với thương hiệu như Vingroup, Viettel, FPT, Vietjet, Thaco, VNPT, BRG, Vinamilk, Thái Bình Shoes (TBS),… đã vươn tầm khu vực và thế giới, thể hiện vai trò quan trọng trong phát triển các ngành, các địa phương và dẫn dắt doanh nghiệp Việt Nam phát triển ngày một mạnh mẽ hơn. Cộng đồng doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia đã đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế và ổn định xã hội của Việt Nam.
Sự hỗ trợ và thúc đẩy từ Chính phủ, thông qua các cơ chế và chính sách hỗ trợ phù hợp, đã góp phần lớn vào sự phát triển của thương hiệu quốc gia. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương làm đầu mối tham mưu, đề xuất cũng như phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức, địa phương triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, phát triển thương hiệu cho các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam.
Bà Trịnh Huyền Mai, Phó Trưởng phòng Chính sách xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, Bộ Công Thương đã thực hiện các chương trình nòng cốt như: Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, Chương trình Thương hiệu quốc gia, Chương trình xây dựng thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam…
“Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ cũng như sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương và quan trọng là sự đồng hành rất tích cực và chủ động của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, trong thời gian qua các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu đã đạt được những kết quả khích lệ”- bà Huyền cho hay.
Đến nay, tại nhiều thị trường quốc tế, sau những nỗ lực rất bền bỉ của doanh nghiệp đã có một số sản phẩm made in Việt Nam đi ra nước ngoài bằng thương hiệu riêng, như Cà phê Trung Nguyên, sữa Vinamilk, dịch vụ viễn thông Viettel, ô tô Vinfast gần đây chẳng hạn. Qua những điển hình này, bà Trịnh Huyền Mai cho rằng, các hoạt động xúc tiến thương mại đã lan tỏa rất tích cực thương hiệu hàng hóa của Việt Nam đến với các thị trường tiềm năng, trong đó có các quốc gia thành viên CPTPP.
Nhờ đó, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam gia tăng thị phần hoặc giá trị thương hiệu ở những thị trường truyền thống, đồng thời tiếp cận và thâm nhập vào các thị trường mới.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung đẩy mạnh hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại đối với các thị trường trọng điểm, đặc biệt khai thác các thị trường/khu vực hiện đang có FTA với Việt Nam, thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại trên các thị trường mới, thị trường tiềm năng mà các doanh nghiệp chưa trực tiếp triển khai được hoạt động xúc tiến thương mại.
Đẩy mạnh công tác tổ chức các sự kiện quảng bá, trưng bày, xây dựng hình ảnh thương hiệu hàng Việt Nam tại các nước; tiếp tục đẩy mạnh công tác cung cấp thông tin, tư vấn thị trường xuất khẩu và kết nối thị trường cho các địa phương, hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp.
Triển khai các hoạt động quảng bá, phát triển thương hiệu quốc gia, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu ngành hàng Việt Nam và các hoạt động nâng cao năng lực xúc tiến thương mại gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển xuất khẩu bền vững giúp doanh nghiệp Việt Nam từng bước tham gia sâu vào những khâu có giá trị cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Bộ Công Thương đánh giá những kết quả đạt được là tiền đề quan trọng để các thương hiệu quốc gia Việt Nam vươn lên và vươn ra thế giới trong năm 2024, sau hành trình 20 năm mang đến giá trị cho thương hiệu Việt.