Tỉnh Thừa Thiên Huế vừa thành lập hợp tác xã (HTX) lâm nghiệp bền vững Hương Vân, thị xã Hương Trà. HTX này được thành lập với 14 thành viên là các hộ gia đình trồng rừng trên địa bàn, vốn điều lệ ban đầu 360 triệu đồng.

{keywords}
Đường vào rừng phòng hộ A Lưới, Huế

Sau khi hoạt động ổn định, HTX lâm nghiệp bền vững Hương Vân sẽ phát triển các dịch vụ như: lập vườn ươm cây giống lâm nghiệp; thu mua gỗ rừng trồng, mua bán rừng non, du lịch sinh thái, v.v... Đồng thời, HTX sẽ thực hiện liên doanh, liên kết với những doanh nghiệp phù hợp với các hoạt động sản xuất và dịch vụ của mình, đặc biệt là 3 mũi nhọn: sản xuất cây giống lâm nghiệp thân thiện môi trường, mua bán gỗ rừng trồng và mua lại rừng non của thành viên.

Qua thống kê hiện nay, tổng diện tích rừng và quy hoạch lâm nghiệp của tỉnh Thừa Thiên Huế là 348.785 ha. Trong đó diện tích đất có rừng 311.051 ha, rừng tự nhiên 212.180 ha, độ che phủ rừng đạt 57,34%.

Thời gian qua, công tác trồng rừng ở Thừa Thiên Huế đã có sự phát triển hiệu quả, trên nền tảng đó, nhiều HTX lâm nghiệp được thành lập để đẩy mạnh và phát triển hơn về kinh tế lâm nghiệp.

{keywords}
Đời sống người dân được nâng cao đời sống nhờ phát triển lâm nghiệp bền vững

Với sự ra đời của HTX Hương Vân, Thừa Thiên Huế hiện có 16 HTX lâm nghiệp bền vững nằm tại các huyện Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới, Phong Điền, Hương Trà…, qua đó thúc đẩy kinh doanh rừng trồng theo chuỗi giá trị, tạo công ăn việc làm bền vững cho người dân.

HTX lâm nghiệp bền vững được thành lập với mục tiêu vì lợi ích của thành viên, góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho các thành viên trong HTX, đồng thời tiến tới đáp ứng nhu cầu thị trường, có chất lượng, hiệu quả, có sức cạnh tranh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế.

Được biết, tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến cuối năm nay thành lập thêm 4 HTX lâm nghiệp bền vững và năm 2020 sẽ thêm 10 HTX.

Bài: Nguyễn Duy Tuấn - nhóm PV
Ảnh: Nguyễn Thị Diệu Bình - Nhóm PV