Xác định rõ tầm quan trọng của hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn (gọi tắt là cấp xã) trong việc tổ chức và vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, Sơn La đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) cấp xã trên địa bàn tỉnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Cán bộ xã Co Tòng (Thuận Châu) tuyên truyền chủ trương sáp nhập bản tới người dân. |
Đến ngày 30/6/2019, toàn tỉnh Sơn La có tổng số 4.557 CBCC cấp xã, trong đó: Nữ chiếm 21,72%, đảng viên chiếm 88,21%, người dân tộc thiểu số chiếm 86,2%. Cùng với đảm bảo đủ cơ cấu, số lượng, thành phần CBCC cấp xã theo quy định, hàng năm, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, tỉnh ta từng bước đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ CBCC cấp xã đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý hành chính, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở. Việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCC cấp xã được tỉnh triển khai thực hiện có hệ thống.
Đội ngũ CBCC cấp xã đã từng bước chuẩn hóa, cơ bản đạt chuẩn trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, tin học theo các chức danh, vị trí đảm nhiệm. So sánh từ năm 2015 đến năm 2018, cho thấy: Năm 2015, số CBCC có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên là 80,36%, lý luận chính trị trung cấp trở lên là 43,65%, thì sau 3 năm, chất lượng đội ngũ được nâng cao rõ rệt, đến nay số có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên chiếm 96,16%, lý luận chính trị chiếm 70,33%; trình độ tin học đã qua bồi dưỡng chiếm 75,49%; Trình độ ngoại ngữ đã qua bồi dưỡng chiếm 27%.
Ngoài ra, công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chế độ, chính sách CBCC cấp xã đã được cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, thực hiện. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã vẫn còn tồn tại một số hạn chế, như: Một bộ phận CBCC cấp xã ngại rèn luyện, phấn đấu, học tập nâng cao trình độ. Năng lực lãnh đạo của một số CBCC cấp xã, nhất là cán bộ chủ chốt còn nhiều hạn chế, thiếu năng động, chủ động giải quyết công việc; năng lực và kỹ năng hành chính, kỹ năng vận dụng các kiến thức đã được đào tạo, bồi dưỡng của một số CBCC vào công việc cụ thể còn yếu. Công tác quy hoạch, tạo nguồn CBCC còn có mặt hạn chế, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ còn thấp. Việc đánh giá, xếp loại CBCC làm căn cứ để bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với CBCC ở một số nơi thực hiện chưa nghiêm...
Để tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng tuyển dụng và bố trí, sử dụng công chức cấp xã; sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn cán bộ cấp xã; Đổi mới, quy trình lựa chọn, bầu cử cán bộ cấp xã. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nhất là chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng phải theo quy hoạch, gắn với việc sử dụng; đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng, chú trọng việc nâng cao kỹ năng hành chính, kỹ năng xử lý và giải quyết vấn đề cho CBCC cấp xã. Bên cạnh đó, đổi mới công tác đánh giá CBCC cấp xã; Tạo điều kiện để nhân dân tích cực tham gia giám sát, đánh giá và góp ý cho đội ngũ CBCC cấp xã. Gắn việc đánh giá với công tác bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với CBCC. Đồng thời, tiếp tục thực hiện luân chuyển cán bộ nhằm từng bước khắc phục tình trạng khép kín, cục bộ địa phương. Tăng cường công tác quản lý và tiếp tục nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của CBCC cấp xã. Qua đó, xây dựng đội ngũ CBCC cấp xã đủ tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.