Năm 2005, tại tổ 6 ấp Phước Hiệp, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Hợp tác xã Dịch vụ khai thác thủy sản Quyết Thắng chính thức được thành lập.
Ông Nguyễn Trính, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã nhớ lại: Hồi đầu, Hợp tác xã chỉ có 7 thành viên, sở hữu 9 chiếc tàu với tổng công suất máy là 1.350CV. Tổng số vốn điều lệ là 450 triệu đồng và vốn thành viên tự quản lý khoảng 9 tỷ đồng.
Tháng 3/2015, Hợp tác xã Dịch vụ khai thác thủy sản Quyết Thắng tổ chức Đại hội chuyển đổi mô hình hoạt động hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012; xác định phương châm khi các đoàn tàu ra khơi đi đánh bắt là “Vượt trùng khơi - tạo phú quý”.
Lĩnh vực hoạt động của Hợp tác xã chủ yếu kết hợp khai thác đánh bắt thủy sản xa bờ và tổ chức dịch vụ nhà lồng phân loại hải sản.
Trải qua 18 năm phát triển, tới nay, Hợp tác xã đã có 51 thành viên với 125 lao động, sở hữu đội tàu gồm 18 chiếc với công suất tổng cộng là 10.200CV, giá trị tài sản thành viên tự quản lý trên 67 tỷ đồng.
Hợp tác xã Dịch vụ khai thác thủy sản Quyết Thắng đã góp phần thay đổi phương thức hoạt động của ngư dân tại địa phương, từ đánh bắt đơn lẻ chuyển sang tham gia các tổ, đội đánh bắt tập trung trên biển. Phương thức này giúp ngư dân tiết giảm chi phí, có thể làm giàu từ biển.
Nhằm giúp các tàu bám biển lâu hơn, khai thác được lượng hải sản lớn hơn, Hợp tác xã đã quyết định nâng cấp xây dựng đội tàu cá công suất lớn. Theo đó, nâng cấp máy có công suất lớn từ 8.800 CV - 10.200 CV; trang bị lưới loại dài hơn từ 50 đến 70m; thay đổi trang thiết bị sang loại có khả năng định vị để thường xuyên quan sát và theo dõi hoạt động tàu thuyền, có thiết bị gọi vệ tinh để liên lạc với đội dân quân tự vệ trên biển khi cần thiết.
“Đội tàu thuyền được đầu tư hiện đại sẽ giúp ngư dân hỗ trợ, giúp đỡ nhau trên biển, đồng thời thuận tiện liên lạc về đất liền để xử lý kịp thời khi có sự cố bão, gió lớn, lốc xoáy…, hạn chế rủi ro tối đa”, ông Trính nhấn mạnh.
Loạt tàu cá được nâng cấp đều trang bị máy kết đông lấy nước biển làm nước đá trực tiếp nên đảm bảo chất lượng hải sản, đồng thời tiết kiệm được 1 phần nhiên liệu. Cùng với đó, Hợp tác xã còn đầu tư mới 2 máy lấy nước biển làm nước uống, phục vụ đoàn tàu đánh cá.
Gần đây, Hợp tác xã mạnh dạn đầu tư 5,6 tỷ đồng xây dựng 43 căn nhà lồng với diện tích hơn 2.000m2 để lựa rửa cá ở cảng cá Phước Tỉnh. Hiện hợp tác xã có 43 ki-ôt hoàn chỉnh, cho 34 hộ thành viên hợp tác xã thuê sử dụng khai thác. Đây được coi là phần tài sản chung của Hợp tác xã.
Hiện tại, đoàn tàu 18 chiếc của Hợp tác xã có thể tổ chức đánh bắt 3 chuyến/tàu/năm, sản lượng khai thác đạt được hơn 4 tấn/tàu/năm, mang về doanh thu gần 50 tỷ đồng/năm. Thu nhập của thành viên trên 200 triệu đồng/người/năm. Thu nhập của người lao động là gần 100 triệu đồng/người/ năm. Riêng khu nhà lồng lựa rửa hải sản mang về cho Hợp tác xã khoản lợi nhuận 50 triệu đồng/tháng.
“Từ khi được địa phương và Hợp tác xã hỗ trợ tham gia học các lớp nghề máy tàu và thuyền trưởng, công việc ổn định, tôi cảm thấy vững tâm hơn khi vươn khơi bám biển”, ngư dân Nguyễn Lưu, thành viên Hợp tác xã Dịch vụ khai thác thủy sản Quyết Thắng phấn khởi chia sẻ.
Một điểm đáng lưu ý, bên cạnh việc hỗ trợ hoạt động cho ngư dân, Hợp tác xã Dịch vụ khai thác thủy sản Quyết Thắng thường xuyên tuyên truyền, quán triệt các thành viên không xâm phạm vùng biển nước ngoài, thực hiện khai thác đúng vùng, đúng tuyến, đúng mùa vụ...
Hợp tác xã còn thành lập đội dân quân biển gồm 9 người, đăng ký 6 chiếc tàu sẵn sàng ứng phó khi có lệnh điều động cứu hộ, cứu nạn; thường xuyên tham gia diễn tập nhằm phục vụ an ninh, an toàn trên biển.
Đầu năm 2023, Hợp tác xã Dịch vụ khai thác thủy sản Quyết Thắng đã xây dựng bộ hồ sơ tham gia sản phẩm OCOP với các sản phẩm mực khô, cá chỉ vàng khô, mực 1 nắng, bạch tuộc tươi phi lê… Kết quả, sản phẩm mực khô đã được công nhận OCOP 3 sao.
Mong muốn lớn nhất bây giờ của ông Nguyễn Trính Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã là mở rộng cảng cá để phục vụ việc bốc dỡ hải sản và hậu cần nghề cá, tăng cường liên kết với doanh nghiệp và các hợp tác xã khác nhằm mở rộng hoạt động tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên.
“Chúng tôi rất mong được Nhà nước hỗ trợ nguồn vốn đầu tư xây dựng kho đông lạnh và xưởng để phát triển tốt hơn hoạt động liên kết tiêu thụ sản phẩm thủy sản của địa phương”, ông Trính bày tỏ.