Trả lời phỏng vấn với tờ Channelnewsasia, Slamet đề nghị giấu tên thật vì sợ những ông chủ ở Campuchia vẫn đang tìm kiếm anh. Theo Slamet, những ký ức về 3 tháng kinh hoàng hồi năm 2023 vẫn còn ám ảnh anh.
Nhắc lại ngày định mệnh, Slamet cho hay, khi chạy trốn khỏi đường dây đánh bạc trực tuyến ở Bavet - thành phố nằm ở cửa khẩu biên giới quốc tế giữa Campuchia và Việt Nam, anh chỉ mang theo ví, điện thoại di động và bộ sạc.
Sau khi xin được ra ngoài để hút thuốc, Slamet đã tận dụng cơ hội để trốn thoát và gọi một chiếc taxi. Sau đó, Slamet yêu cầu tài xế đưa mình tới thủ đô Phnom Penh, cách Bavet khoảng 160km. "Tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc ăn cắp tiền của công ty để trả cho chuyến đi về nhà", Slamet - tới từ Đông Java, Indonesia kể.
Bẫy lương cao
Slamet kể mình bị một nhà tuyển dụng mà anh gặp ở thành phố Malang, tỉnh Đông Java, rủ sang Việt Nam làm việc cho một nhà máy với mức lương 15 triệu Rupiah (khoảng 925 USD). Số tiền này không bao gồm khoản trợ cấp thực phẩm 200 USD.
Số tiền được trả cao hơn nhiều những gì Slamet có thể kiếm được ở Indonesia. Theo trang web thu thập dữ liệu Statista, tính tới tháng 2/2024, một nhân viên trung bình ở Indonesia có thể mong đợi mức lương ròng hàng tháng là 3 triệu Rupiah.
Đó là mức lương đầy hứa hẹn trong bối cảnh Slamet đang thất nghiệp. Tuy nhiên, thay vì tới Việt Nam, tháng 1/2023, anh chàng 27 tuổi lại bị đưa tới một căn hộ ở Bavet để trở thành nhân viên hành chính của một trang web cờ bạc trực tuyến.
Slamet kể: "Tôi chỉ được trả 4 triệu Rupiah/tháng và phải làm việc hơn 12h/ngày, văn phòng luôn có các tay súng và chó nghiệp vụ canh gác". Như một phần công việc, Slamet được giao nhiệm vụ quản lý các giao dịch từ những người tham gia đánh bạc trực tuyến tại Indonesia.
"Tôi biết mật khẩu ngân hàng và mã PIN của công ty. Tôi đã chuyển khoảng 30 triệu Rupiah tiền của họ vào tài khoản ngân hàng của tôi. Nếu tôi không làm điều này, tôi sẽ không thể về nhà”, Slamet nói với CNA, đồng thời cho biết anh vẫn đang bị ông chủ cũ ở Campuchia quấy rối.
Tháng trước, Giám đốc Cơ quan Bảo vệ công dân Indonesia Judha Nugraha cho biết, đại sứ quán Indonesia tại Phnom Penh mỗi ngày xử lý khoảng 15-30 báo cáo về việc công dân nước mình đề nghị giúp đỡ. Cơ quan Bảo vệ công dân trực thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia.
Ông Judha cho biết, từ tháng 1-11/2024, đại sứ quán tại đây đã xử lý thành công hơn 2.946 vụ việc bảo vệ công dân Indonesia, trong đó hơn 76% số vụ liên quan đến gian lận trực tuyến.
Theo các chuyên gia, việc người Indonesia trở thành nạn nhân của nạn buôn người thông qua các phương tiện trực tuyến đã trở thành xu hướng kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, khi nhiều người tuyệt vọng tìm kiếm việc làm và dễ bị lừa đảo.
Các nhà quan sát cũng nhận thấy sự thay đổi trong cách các vụ buôn người được thực hiện. Theo đó, những kẻ phạm tội nhắm tới người trẻ tuổi có trình độ học vấn cao. Nạn nhân cũng không còn bị đưa tới Trung Đông mà đến các quốc gia Đông Nam Á.
Bị tra tấn thể chất và tinh thần
Khi Slamet tỏ ra bất mãn và yêu cầu được đưa trở lại Indonesia, chủ lao động đòi phạt 50 triệu Rupiah khiến chàng trai 27 tuổi không còn lựa chọn nào khác ngoài tiếp tục làm việc.
Slamet kể: "Không hề có thỏa thuận hợp đồng nào cả", và nói thêm anh làm việc trong các căn hộ do một số công ty cờ bạc và lừa đảo trực tuyến thuê.
Theo Slamet, có tới 80% những người làm việc cùng anh là công dân Indonesia, bao gồm cả ông chủ cũ của anh đến từ Bắc Sumatra. Slamet làm việc và ngủ trong văn phòng, chỉ có thể rời đi để ăn hoặc đi hút thuốc. Anh chàng 27 tuổi cho hay, ngay cả đi ăn hay hút thuốc cũng bị bảo vệ kiểm soát. "Nếu lúc đó không đủ mạnh mẽ về mặt tinh thần, tôi có thể tự tử rồi".
Một nhân viên của tổ chức Migrant Care tại Jakarta cho biết, họ đã nhận được một số báo cáo về hành vi ngược đãi đối với người Indonesia làm việc tại Campuchia. "Một số người bị còng tay, cho giật điện và đánh đập... Lý do cho hành vi ngược đãi này rất đa dạng, chẳng hạn như không đạt được mục tiêu hoặc bị phạt vì nộp đơn khiếu nại cùng những lý do khác", Arina Widda Faradis - người làm việc tại bộ phận hỗ trợ pháp lý của tổ chức nói với Channelnewsasia.
Slamet xác nhận những thông tin trên và cho biết các công ty cờ bạc trực tuyến tại Campuchia sẽ dùng súng điện với những nhân viên bị coi là không đủ năng lực làm việc.
Hàng trăm nghìn người bị bán cho băng nhóm tội phạm trực tuyến
Tháng 8/2023, Văn phòng Cao ủy nhân quyền Liên Hợp Quốc cho biết, có hàng trăm nghìn người bị bán cho các nhóm tội phạm hoạt động trực tuyến trên khắp Đông Nam Á. Theo đó, ít nhất 120.000 người ở Myanmar và 100.000 người khác ở Campuchia có thể bị giam lỏng và rơi vào các tình huống mà họ buộc phải thực hiện các vụ lừa đảo trực tuyến, từ đầu tư tình cảm tới gian lận điện tử và cờ bạc bất hợp pháp. Tuy nhiên, chính phủ Campuchia đã bác bỏ thông tin này.