Tang vật các loại cáp bị cắt trộm tại trụ sở công an huyện Sóc Sơn. Ảnh: Hưng Hải . 
Nạn "cáp tặc" từ biển di cư lên... thành phố!

Thiếu tiền chơi game, đánh bi-a, điện tử xèng, 3 thanh niên thôn Phù Liễn (Bắc Hồng, Đông Anh, Hà Nội) rủ nhau cắt trộm cáp điện thoại đem bán đồng nát.

Sau 6 vụ trót lọt với khoảng 1 triệu đồng, cả nhóm phải đối diện với khả năng chịu trách nhiệm hình sự từ 3 - 12 năm tù vì sự thiếu hiểu biết của mình với tội danh "Phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia".

Tối 24/6, nhóm 3 thanh niên  Phan Văn Tráng, Phan Văn Đại Trịnh và Nguyễn Quang Thiện dùng dao phay chặt cắt hơn 100 mét dây cáp điện thoại loại 50 đôi tại thôn Phù Liễn (xã Bắc Hồng, Đông Anh) rồi chôn giấu tại bờ ao gần nhà. Số cáp này sau đó được mang ra đồng, gọt bỏ vỏ nhựa bọc rồi đốt được gần 2 kg lõi đồng. Mỗi cân đồng phế liệu được thu mua với giá 90.000 đồng, "phi vụ" này chúng kiếm được 127.000 đồng và chia nhau tiêu xài.

Mối nối tạm thời tại hiện trường do nạn "cáp tặc" gây ra. Ảnh: Hưng Hải 

Trước hiện tượng mất cáp liên tục diễn ra, Đài Điện thoại Đông Anh và công an huyện Đông Anh cùng phối hợp truy bắt thủ phạm. Sau thời gian mật phục, theo dõi kết hợp các biện pháp nghiệp vụ, cả nhóm đã được mời lên trụ sở công an huyện làm việc ngày 3/7. Những thanh niên này lập tức đã nhận tội.

Từ tháng 5/2007, nhóm thanh niên này đã gây ra 6 vụ cắt cáp tại các địa bàn khác nhau, tổng số tiền thu được khoảng 1 triệu đồng. Hiện tại, trong nhà tạm giam Công an huyện Đông Anh, 3 thiếu niên Phan Văn Tráng, Phan Văn Đại Trịnh và Nguyễn Quang Thiện vẫn còn ngơ ngác vì không nghĩ việc cắt trộm dây điện thoại của thôn mình lại có thể đối mặt với án tù. Tráng vừa mới xin việc làm thợ mộc được 1 tuần, còn Trịnh và Thiện đang học nốt hai lớp cuối cùng PTTH.

" Chúng tôi đang hoàn tất hồ sơ đối với nhóm đối tượng này. Các em có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 231 - Bộ luật Hình sự - Phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia. Đây là loại tội phạm nghiêm trọng, đối tượng phải chịu trách nhiệm hình sự từ 14 tuổi trở lên chứ không phải từ 16 tuổi như những tội danh khác ", ông  Bùi Quốc Đồng, Trưởng Công an huyện Đông Anh, nói.

Trao đổi với phóng viên VietNamNet , ông Bùi Quốc Đồng cho biết đây chỉ là một vụ điển hình trong hàng loạt vụ cắt phá cáp thời gian gần đây. Từ tháng 3/2007 đến tháng 5/2007 có tới 17 vụ xảy ra trên địa bàn. Hầu hết chỉ là dân tự phát cắt điện thoại kiếm đồng nhưng cũng có những vụ đặc biệt nghiêm trọng như hồi tháng 4/2006 tại xã Nguyên Khê (Đông Anh). Nhóm này được trang bị cả kìm cộng lực, bao tải. Trong lần mật phục phối hợp giữa công an, dân phòng và Đài điện thoại Đông Anh, kẻ thủ ác bị bắt giữ với hơn 200 mét cáp tang vật. Tổng thiệt hại về vật tư thay thế khắc phục hậu quả của băng nhóm này để lại lên đến hàng trăm triệu đồng.

Ngay sát huyện Đông Anh, Sóc Sơn cũng là một điểm nóng về tệ nạn cắt trộm cáp thông tin liên lạc. Địa bàn này đặc biệt phức tạp khi giáp ranh với 6 huyện, thị xã của 4 tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc. Với sự đầu tư của thành phố nhằm phát triển kinh tế xã hội, toàn huyện có tới 725km cáp treo từ bể ngầm theo cột dẫn dọc các tuyến đường dân sinh đến các cơ quan thông xã. Bên cạnh đó là 430km cáp ngầm từ tổng đài chủ đi các tổng đài vệ tinh theo tuyến quốc lộ, đường liên huyện, liên xã. Thời gian qua, công an huyện Sóc Sơn triệt phá 9 ổ nhóm gồm 44 đối tượng trong đó có tới 30 đối tượng vẫn là học sinh, làm rõ 44 vụ cắt phá dây thông tin.

Cáp nào cũng bị nằm trong "tầm ngắm"

Tất cả các dây thông tin liên lạc đều nằm trong "tầm ngắm" của "cáp tặc". Nhiều nhất là dây treo loại 50 hoặc 20 đôi chạy qua cánh đồng vắng, chiếm tới 80% số vụ cắt phá trên địa bàn 2 huyện. Không phải trang bị tàu thuyền, thiết bị lỉnh kỉnh như cắt trộm cáp biển, dụng cụ hành nghề của đạo tặc trên cạn chỉ là 1 con dao to (loại dao rựa hoặc dao phay). Chúng leo lên cột, dùng dao rựa chặt đứt dây tín hiệu có lõi đồng. Sau đó chúng xuống đất kéo sợi tín hiệu tách khỏi dây chịu lực. Đến khi cảm thấy "đủ", chúng lại kê dây vào cột điện để chặt đứt.  

Vì chơi game, chat, bi-a mà cắt trộm cáp điện thoại, Tráng (phải), Trịnh (giữa) và Thiện (trái) có thể bị truy tố hình sự từ 3 - 12 năm tù. Ảnh: Hưng Hải 

Với loại cáp 20 đôi lõi đường kính to hơn ngón tay cái người lớn (khoảng 20 mm), toàn bộ thao tác trên chỉ diễn ra từ 10 - 15 phút. Trong khi hành sự, thoáng thấy bóng người là kẻ gian lập tức chui vào những ruộng ngô, ruộng bí gần đó để ẩn nấp nên khó phát hiện. Số cáp cắt trộm được chôn giấu kỹ vài hôm mới được đem đốt lấy đồng để tránh sự chú ý của các cơ quan điều tra và quần chúng. Loại cáp ngầm dưới đất bị cắt trộm chủ yếu là những đoạn dự trữ cuộn tại bể cáp. Dây lẻ đến các thuê bao cũng không phải ngoại lệ.

Chi phí để khôi phục thông tin liên lạc cho 1 đoạn cáp bị cắt gấp 10 lần số tiền mà kẻ gian thu được nhờ bán lõi đồng. Theo thống kê của Đài điện thoại Đông Anh, số tiền vật tư thay thế những đoạn cáp bị cắt trộm tại khu vực đài phụ trách từ trước đến nay khoảng trên dưới 10 tỷ đồng . Cá biệt có trường hợp khôi phục tuyến cáp do nhóm cắt phá chuyên nghiệp tại xã Nguyên Khê (Đông Anh) bị bắt hồi tháng 4/2006 lên tới gần 100 triệu đồng.

" Số tiền không quá lớn nhưng không xử lý kịp thời sẽ gây ra hậu quả lớn và đe dọa nghiêm trọng tới an toàn, anh ninh thông tin trong cả vùng ", ông Nguyễn Thành Vinh, Trưởng Đài điện thoại Đông Anh nói. Gần 200 thuê bao của hộ dân cư, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp... bị gián đoạn liên lạc vì kiểu phá hoại này. Đêm 18/5, "cáp tặc" hành sự khiến 90 thuê bao bị mất liên lạc, thông tin ngày hội bầu cử (19/5) giữa các điểm bầu cử trong khu vực này bị gián đoạn. Tuyến cáp thông tin liên lạc đặc chủng của quân đội Hà Nội - Thái Nguyên đi qua địa phận Sóc Sơn cũng bị kẻ gian "hỏi thăm".

Cáp tặc khó bắt, khó xử

Điểm khó của những vụ án cắt phá đường dây thông tin nằm ở chỗ tang vật vụ án khó truy tìm. Sau khi cắt, cáp tang vật bị đốt thành cuộn dây và bán phế liệu. Thủ phạm đa phần chưa có tiền án, tiền sự nên việc khoanh vùng cũng khó. Băng nhóm tổ chức cắt phá chuyên nghiệp tuy có nhưng không nhiều. Động cơ phạm tội cũng rất nhỏ nhặt: chỉ là thiếu tiền chơi game, chat hoặc tiêu xài cá nhân.

Cư dân trong vùng chủ yếu sống bằng nghề nông nên ý thức chưa cao, việc vi phạm có khi xuất phát từ những nhu cầu rất nhỏ nhặt như thiếu sợi dây buộc rào, dây gàu nước... Mặt khác, chỉ một số vụ cắt phá nghiêm trọng mới phải để công an khám nghiệm hiện trường. Những vụ nhỏ đều được phía bưu điện gấp rút sửa chữa để đảm bảo thông tin liên lạc rồi mới báo cho công an. 

" Chúng tôi thực sự đau đầu với loại tội phạm này ", một cán bộ điều tra tội phạm công an huyện Sóc Sơn chia sẻ. " Các tuyến cáp trải trên địa bàn quá rộng, lực lượng anh em lại mỏng nên kiểm soát không xuể. Có khi nhận được tin báo, anh em lập tức chạy bộ vài cây số đến hiện trường thì "sự đã rồi". Tổ chức mật phục, theo dõi cũng không thường xuyên được vì còn phải lo trăm nghìn công việc khác đảm bảo an ninh khu vực ".

Người phụ trách Đài điện thoại Đông Anh cho biết tại đơn vị có thiết bị báo động. Mỗi khi có sự cố đường dây ở đâu là lập tức biết ngay. Nhưng do địa hình quá rộng nên khi cán bộ phối hợp cùng công an và huy động lực lượng dân phòng di chuyển đến nơi thì kẻ gian đã kịp trốn thoát. Đa phần thủ phạm là dân địa phương nên có trường hợp chúng trà trộn vào những người hiếu kỳ đứng ngay tại hiện trường.

Điều đáng buồn là thủ phạm lại có độ tuổi rất trẻ, phổ biến ở mức 15 - 17 tuổi. Thống kê của công an huyện Sóc Sơn cho thấy thủ phạm gây án từ 14 - 18 tuổi chiếm tới 74,2%. Hầu hết các em đều chưa nhận thức được mức độ nguy hại khi phạm tội.

" Trong nhiều vụ, chúng tôi chỉ cần phối hợp với nhà trường và chính quyền địa phương khoanh lại những em học sinh cá biệt là phát hiện được thủ phạm ", ông Trần Quang Huy, Trưởng Công an huyện Sóc Sơn, nói.

Trước tình trạng trên, các cơ quan chức năng đã kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, trường học tổ chức giáo dục. Công an huyện Sóc Sơn cho biết đã phân công trách nhiệm tới từng cán bộ lực lượng công an xã và dân quân quản lý tuyến cáp trên địa bàn của mình. Ngoài việc tuyên truyền trên hệ thống phát thanh thôn xã, mỗi trường học cũng có những buổi học tập về ý thức bảo vệ đường dây liên lạc trong những buổi chào cờ đầu tuần. Đại diện trường học cũng phải tham gia vào những buổi tái hiện hiện trường do công an tổ chức.

"Nỗ lực đẩy mạnh triệt phá cùng với các biện pháp tuyên truyền trong thời gian qua đã có những kết quả đáng kể, số vụ cắt phá trong thời gian qua có giảm xuống", Trưởng Công an huyện Sóc Sơn nói. Tuy nhiên, người đứng đầu cơ quan điều tra tại điểm nóng về nạn "cáp tặc" này cũng thừa nhận đó chỉ là những kết quả bước đầu. Để đảm bảo an toàn cho những đường dây thông tin, trước mắt cần có sự phối hợp lực lượng bảo vệ chuyên trách của chính đơn vị chủ quản đường dây. Tiếp đến là sự phối hợp trong công tác tuyên truyền trong thời gian dài, tổ chức được những phong trào như "Đường sắt quê em" của ngành Đường sắt, để nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ loại tài sản quốc gia này.

Hưng Hải

Theo VietNamNet