Theo thông báo mới nhất của chính quyền tỉnh Yamanashi (Nhật Bản), trong khoảng thời gian từ tháng 12 năm 2020 đến tháng 8 năm 2021 đã có 4 người trong độ tuổi từ 30 đến 50 tham gia trò chơi tàu lượn Do-Dodonpa bị gãy xương, bao gồm cả ở cổ, ngực và cột sống. Trong đó, chấn thương cột sống có thể mất đến 3 tháng điều trị ở bệnh viện để hồi phục hoàn toàn.
Công viên Fuji-Q Highland nổi tiếng với nhiều trò chơi tàu lượn siêu tốc |
Đại diện công viên Fuji-Q Highland và đơn vị chế tạo tàu lượn này là công ty Sansei Technologies cho rằng cần điều tra cẩn thận mối liên hệ giữa những tai nạn trên dựa trên các tiêu chuẩn an toàn của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch.
Tuy nhiên, chính quyền tỉnh cho biết họ vẫn sẽ đình chỉ sự hoạt động của tàu lượn cho đến khi xác định được nguyên nhân và sẽ tìm cách ngăn ngừa những sự cố tương tự.
Bất chấp sự lây lan của đại dịch Covid-19, Nhật Bản vẫn cho phép các công viên giải trí được mở cửa từ tháng 6/2020. Vào thời điểm đó, giới chức nước này khuyên người chơi tàu lượn cố "giữ tiếng hét trong lòng" để phòng ngừa dịch bệnh.
Tuy nhiên, điều này được cho là không khả thi khi tàu lượn Do-Dodonpa có khả năng tăng tốc cao nhất thế giới và đạt tốc độ từ 0 đến 172 km/giờ chỉ trong vài giây.
Ngoài tốc độ khủng khiếp, Do-Dodonpa còn có chiều dài tới 1.244 mét với độ cao hơn 49m khiến người trải nghiệm tàu lượn này có cảm giác bắn lên không trung và rơi mạnh xuống.
Xem video nhân viên công viênFuji- Q Highland hướng dẫn cách chơi tàu lượn 'không la hét' trong mùa dịch:
Đỗ An (Theo CNN)