Chất lượng NTM chưa đều
Hiện vẫn còn 27 huyện trên địa bàn chín tỉnh (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Ðắk Lắk, Ðắk Nông, Gia Lai, Kon Tum) chưa có xã đạt chuẩn NTM và có ba tỉnh ở Tây Nguyên có tỷ lệ số xã đạt chuẩn dưới 30%; tỷ lệ xã dưới 10 tiêu chí chiếm 21,98% của cả nước; chất lượng công nhận xã đạt chuẩn NTM ở một số nơi còn chưa bảo đảm.
Theo quan sát, cái khó nhất hiện nay trong xây dựng NTM của tỉnh là số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi chưa đạt chuẩn NTM còn quá nhiều (37 trong số 48 xã), nhiều tiêu chí đạt thấp.
Thời gian qua, ngân sách của tỉnh chịu áp lực lớn trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; trong khi các vấn đề sinh kế, đời sống của người dân ở vùng DTTS và miền núi chậm được thay đổi. Khó khăn nữa là năng lực của một số cán bộ cơ sở còn hạn chế; tình trạng thiếu nước sản xuất, sinh hoạt còn phổ biến; quy mô sản xuất tại các xã manh mún, nhỏ lẻ, năng suất, sản lượng một số cây trồng, vật nuôi chưa cao. Bên cạnh đó, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của tỉnh.
Đổi thay ở những vùng đất nông thôn mới tại Tây Nguyên |
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhìn nhận, thời gian qua, việc xây dựng NTM của vùng ven biển Nam Trung Bộ và Tây Nguyên còn thiếu chiều sâu, thiếu toàn diện, mới chỉ tạo được điểm sáng ở một số nơi, tính lan tỏa, nhân rộng các mô hình điển hình chưa nhiều; một số địa phương chưa phát huy hết lợi thế về nguồn lực (đất đai, tài nguyên) để khai thác, hỗ trợ xây dựng NTM.
Nhiều ngành kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp) vẫn chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, có nơi quá lạm dụng khai thác tài nguyên khoáng sản, rừng, biển, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tính bền vững của hệ sinh thái. Các liên kết cụm ngành còn thiếu, khả năng lan tỏa hạn chế; nhiều tiềm năng vẫn chưa được khai thác hiệu quả.
Ở nhiều nơi, các công trình hạ tầng cơ sở chưa đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông xuống cấp, chưa được đầu tư sửa chữa kịp thời, chưa bảo đảm tính kết nối từ thôn, buôn đến các tuyến huyện lộ, tỉnh lộ, quốc lộ. Công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi, nước sạch, các thiết chế văn hóa, thể thao một số địa phương còn kém hiệu quả; chưa kết nối được kinh tế biển với các vùng sâu trong đất liền giữa các tỉnh vùng ven biển Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; chất lượng liên kết sản xuất và chất lượng hợp tác xã còn yếu, số lượng hợp tác xã bình quân của các tỉnh thấp nhất cả nước.
Công tác chuyển đổi cơ cấu sản xuất vẫn chủ yếu mang tính tự phát, chạy theo thị trường, chưa có sự gắn kết với thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, chế biến; việc chuyển đổi cơ cấu lao động ở nông thôn của hầu hết các tỉnh đều khá thấp; thu nhập người dân nông thôn tăng chậm, chưa thật bền vững.
Tập trung huy động các nguồn lực
Ðể tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng NTM, thời gian tới, các địa phương vùng ven biển Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cần tiếp tục tranh thủ các nguồn lực cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển sản xuất nhằm hướng tới phát triển nông thôn toàn diện và bền vững, giúp đời sống vật chất và tinh thần của người dân khá giả.
Thời gian tới, chủ trương của tỉnh Lâm Đồng là tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở mức độ cao hơn, toàn diện hơn. Theo đó, tỉnh yêu cầu các địa phương không chạy theo thành tích, chú trọng về chất lượng và tính bền vững của từng tiêu chí; lấy việc nâng cao đời sống, thu nhập của người dân làm cơ bản; xây dựng vùng nông thôn trở thành nơi đáng sống. Phấn đấu đến hết năm 2020, có ít nhất 109 xã và sáu huyện đạt chuẩn NTM. Giai đoạn 2021 - 2025, Lâm Ðồng đặt mục tiêu tất cả số xã và huyện đạt chuẩn NTM, trong đó 50% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, đời sống của người dân nông thôn.
Khánh Hòa đang nỗ lực khắc phục những khó khăn, hạn chế trong xây dựng NTM. Tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2020, có 58 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí; bình quân mỗi huyện, thị xã, thành phố vùng đồng bằng có ít nhất một xã đạt chuẩn NTM nâng cao, tạo cơ sở xây dựng NTM kiểu mẫu. Khánh Hòa đang triển khai một số giải pháp chủ yếu nhằm tối đa các nguồn lực cho xây dựng NTM. Trong đó, chú trọng nâng cao năng lực cộng đồng cư dân nông thôn trong việc tổ chức sản xuất nông sản đạt tiêu chuẩn chất lượng cao; tổ chức hợp tác liên kết, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hình thành các vùng chuyên canh, thâm canh. Ðồng thời xây dựng cơ chế khuyến khích, hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và tiếp tục thực hiện mỗi xã một sản phẩm nhằm thúc đẩy tiến trình xây dựng NTM.
Tỉnh Quảng Nam, ngoài việc giữ vững nhịp độ phát triển của 98 xã đã đạt chuẩn NTM, tỉnh đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp trong xây dựng NTM. Quảng Nam phấn đấu đến hết năm 2020, có ít nhất 119 xã đạt chuẩn NTM, không còn xã đạt dưới tám tiêu chí, có 26 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, hơn 133 khu dân cư NTM kiểu mẫu và có năm đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM. Ðồng thời, phấn đấu đưa thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt hơn 42 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2%/năm. Hoàn thiện, nâng cấp 130 sản phẩm thế mạnh trong nông nghiệp và dịch vụ du lịch nông thôn hiện có; phát triển mới 100 sản phẩm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm...
Hiện tại, các tỉnh, thành phố vùng ven biển Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đang nỗ lực triển khai giải pháp nhằm huy động tối đa, lồng ghép nguồn lực vào đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu ở nông thôn; đồng thời gắn chương trình xây dựng NTM với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống. Qua đó, tạo bước đột phá trong xây dựng NTM, góp phần tạo việc làm, cải thiện đời sống người dân và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Duy Linh
Ảnh: Th. Hân