Huyện vùng cao Nam Trà My là một trong 6 huyện nghèo ở Quảng Nam. Bước vào năm 2024, huyện có gần 3.000 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 36,3%; 340 hộ cận nghèo, tỷ lệ 4,16%. Năm nay, huyện phấn đấu đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 30%; chú trọng huy động mọi nguồn lực để tập trung cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao; phấn đấu giảm nhanh các chiều thiếu hụt cơ bản về việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin.

Trung tuần tháng 7, UBND huyện Nam Trà My phê duyệt Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng (trồng cây Sâm Ngọc Linh 1 năm tuổi) trên địa bàn xã Trà Nam. Tổng kinh phí thực hiện gần 1 tỷ đồng, nguồn vốn của Dự án 2 và Tiểu dự án 1 - Dự án 3 của Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

63 hộ nghèo và 1 hộ kinh doanh giỏi tại thôn 1, thôn 2, thôn 3 và thôn 4, xã Trà Nam sẽ tham gia triển khai dự án trong thời gian 36 tháng (từ tháng 7/2024 đến tháng 7/2027). Trong gần 1 tỷ đồng nguồn kinh phí triển khai dự án có hơn 50 triệu đồng vốn cam kết đối ứng của các hộ tham gia dự án, số còn lại do ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện hỗ trợ.

Dự án được phê duyệt sẽ góp phần giải quyết việc làm, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của hộ dân, hỗ trợ cho các hộ tham gia dự án có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo. Đây cũng là hướng đi khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế vốn có của địa phương để sản xuất, ổn định, bền vững.

W-giam ngheo tre em .jpg
Trẻ em vùng cao được chăm lo dinh dưỡng, y tế, giáo dục... 

Với người dân huyện vùng cao Nam Trà My, thực hiện dự án còn nhằm hạn chế việc du canh - du cư, phát rừng làm nương rẫy ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp.

Ngoài hiệu quả kinh tế, việc sản xuất dự án còn có ý nghĩa về xã hội và môi trường rất tích cực như làm thay đổi nhận thức và tập quán canh tác của người dân (từ manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa), giảm thiểu ô nhiễm môi trường sinh thái, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản, giảm số lượng và tỷ lệ nghèo, đảm bảo giảm nghèo bền vững.

Đây là dự án thực hiện theo phương thức cộng đồng, do đó Dự án thực hiện quay vòng vốn theo Quyết định số 01/2023 của UBND tỉnh Quảng Nam.

Cụ thể hình thức quay vòng bằng tiền; tỷ lệ thu hồi quay vòng bằng 10%/dự án, mức kinh phí thu hồi là hơn 92,6 triệu đồng/63 hộ, tương ứng mỗi hộ nghèo thuộc đối tượng Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tham gia dự án trồng Sâm Ngọc Linh trên đây sẽ trích nộp số tiền 1,47 triệu đồng.

Tổng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững phân bổ cho huyện Nam Trà My giai đoạn 2022 - 2024 hơn 261,7 tỷ đồng. Cùng với sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển nhiều mô hình kinh tế, chủ yếu là phát triển sâm Ngọc Linh, dược liệu và chăn nuôi.

Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 giảm từ 54,69% đầu năm 2022 xuống còn 36,3% cuối năm 2023. Cụ thể, giảm 1.366 hộ nghèo, bình quân giảm 9,2%/năm, vượt 3 lần so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy.

Nằm trong khuôn khổ dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, trong năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam triển khai thực hiện các dự án ở  2 huyện Nam Trà My và Tây Giang. Tại huyện Nam Trà My, Trung tâm triển khai dự án trồng cây dược liệu đương quy phát triển kinh tế miền núi tỉnh Quảng Nam tại xã Trà Linh và nuôi cá diêu hồng, rô phi chính kết hợp các loài cá khác tại xã Trà Vinh. Tổng giá trị các dự án nói trên tại 2 huyện là hơn 1 tỷ đồng.

Đây được đánh giá là những mô hình hay để giảm nghèo bền vững, giúp giải quyết được lực lượng lao động nông nhàn tại vùng núi. Sinh kế còn tạo được việc làm mới, giảm áp lực khai thác bất hợp pháp vào rừng tự nhiên, gây nguy hại môi trường và những hệ quả khác cho xã hội.

Ngoài việc được hỗ trợ cây, con giống và phân bón, các hộ nghèo tham gia mô hình còn được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nắm bắt quy trình kỹ thuật nuôi trồng. Trong quá trình thực hiện, cán bộ chuyên môn trực tiếp đến tận hộ gia đình hướng dẫn thực hiện từng công đoạn trong quy trình nuôi, trồng chăm sóc, phòng, chống, xử lý dịch bệnh, phối trộn thức ăn chăn nuôi cho đến khi có kết quả...

Bà con các xã nghèo miền núi qua đây cũng tăng cơ hội tiếp cận và ứng dụng được tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, làm quen với phát triển kinh tế hộ gia đình trên diện tích đất mình có, không để đất trống đồi núi trọc; thay đổi nhận thức và tập quán canh tác.