BS Trịnh Văn Sơn, Viện Lâm sàng các bệnh Truyền nhiễm, BV TƯ quân đội 108 cho biết, nam thanh niên 23 tuổi ở Hải Phòng được chuyển vào viện cấp cứu trong tình trạng ý thức lơ mơ, kích thích, niêm mạc vàng đậm.
Gia đình cho biết, trước đó nam thanh niên vẫn khoẻ mạnh. Trước khi vào viện 3 ngày, có biểu hiện mệt mỏi, vàng mắt, vàng da, sau đó khởi phát đột ngột rồi hôn mê.
Ngay khi vào viện, bệnh nhân được nhận định suy gan tối cấp do viêm gan B. Thời gian từ lúc khởi phát vàng da đến khi có hội chứng não gan là 3 ngày.
Nam bệnh nhân được cứu sống sau cơn suy gan tối cấp và được xuất viện sau 40 ngày điều trị
BS Sơn cho biết, hội chứng não gan là sự suy giảm chức năng não do sự tích tụ chất độc trong máu. Tình trạng này xảy ra khi gan không thể loại bỏ đủ độc tố khỏi máu.
Bệnh nhân nhanh chóng được lọc thay thế huyết tương, điều trị hồi sức tích cực và phối hợp với trung tâm ghép tạng tư vấn ghép gan.
Trong thời gian chờ có tạng ghép, bệnh nhân tiếp tục được điều trị tích cực với lọc thay thế huyết tương, chống phù não, các biện pháp giảm amoniac trong máu, đảm bảo hô hấp, đảm bảo dinh dưỡng.
Sau 6 ngày điều trị tích cực, chức năng gan của bệnh nhân hồi phục một phần, bệnh nhân thoát hôn mê gan, chức năng đông máu cải thiện (prothrobin tăng dần lên 88%).
Tuy nhiên, bệnh nhân xuất hiện nhiễm khuẩn tiết niệu và tình trạng ứ mật cải thiện chậm nên tiếp tục được điều trị tích cực với kháng sinh kiểm soát nhiễm khuẩn, thuốc kháng virus, thuốc nhuận mật và chống viêm.
Sau 40 ngày điều trị tích cực tại khoa, đến nay bệnh nhân hết nhiễm khuẩn, ý thức hoàn toàn tỉnh táo, chức năng gan hồi phục hoàn toàn.
Tuy nhiên, BS Sơn cho biết, trong suy gan cấp, ghép gan vẫn được coi là biện pháp điều trị có hiệu quả giúp giảm tỉ lệ tử vong. Lọc thay thế huyết tương và lọc thay thế huyết tương thể tích cao chỉ là cầu nối trong thời gian chờ ghép gan, đặc biệt với những bệnh nhân suy gan do nhiễm độc.
BSCK II Vương Phúc Đường, Viện Lâm sàng các bệnh Truyền nhiễm cho biết, suy gan cấp là một thể bệnh rất nặng do hủy hoại tế bào gan một cách nhanh chóng dẫn đến suy chức năng gan, từ đó dẫn đến tổn thương thứ phát đa cơ quan như hội chứng não gan, hội chứng gan thận, rối loạn đông máu, nhiễm khuẩn thứ phát.
Bệnh có tiên lượng xấu với tỉ lệ tử vong cao. Điều trị suy gan cấp cần điều trị toàn diện từ chăm sóc điều trị hỗ trợ các cơ quan, các biện pháp hỗ trợ chức năng gan nâng cao như lọc thay thế huyết tương, lọc gan và sẵn sàng ghép gan cấp cứu khi có chỉ định.
Để tránh các biến chứng nghiêm trọng, BS Đường khuyến cáo, những bệnh nhân đã có bệnh lý gan mật như viêm gan virus (viêm gan B, viêm gan C), cần phải được theo dõi và quản lý định kỳ bởi các bác sĩ chuyên khoa.
Khi có các dấu hiệu như mệt mỏi, tức bụng, ăn kém, tiểu vàng và vàng mắt cần phải được thăm khám và đánh giá chức năng gan càng sớm càng tốt, nhằm điều trị tích cực hạn chế tiến triển dẫn đến suy gan.
Với thể bệnh có hủy hoại gan cấp tính dẫn đến suy gan cấp và suy gan tối cấp thường gặp các nguyên nhân do nhiễm độc (đặc biệt là nhiễm độc paracetamol), do các nhóm virus viêm gan A, B, C, D, E, viêm gan tự miễn.
Với nhóm bệnh nhân này cần nhập viện ngay và cần nhanh chóng đánh giá toàn diện chức năng các cơ quan, đánh giá chức năng gan, tình trạng ứ mật, rối loạn đông máu (tiểu cầu, prothrombin). Từ đó nhanh chóng điều trị hồi sức gan tích cực, lọc thay thế huyết tương và tư vẫn sẵn sàng cho ghép gan khi có chỉ định.
Thúy Hạnh
Chàng trai tặng mẹ 2/3 lá gan vẫn đi tập gym, bơi lội
Nguyễn Trung Quân đã hiến tặng mẹ 2/3 lá gan. Ngay sau đó anh vẫn trở lại tập gym, chơi thể thao, bơi lội như người bình thường.