Nam sinh viên 22 tuổi được người thân dìu đến khám tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cơ sở 3 với biểu hiện tê bì tay chân kéo dài suốt 2 tháng, kèm theo yếu cơ, khó khăn khi đi lại. 

Trước đó, bệnh nhân thường xuyên sử dụng bóng cười trong các buổi tiệc, với tần suất trung bình từ 10-20 quả/lần, 2-3 lần/tuần liên tục trong 6 tháng như một cách xả stress.

Khám lâm sàng cho thấy tình trạng tê bì lan tỏa ở cả hai tay và hai chân của bệnh nhân, đặc biệt ở các đầu ngón; sức cơ chi trên giảm còn 4/5. Bác sĩ chẩn đoán tổn thương thần kinh ngoại biên có liên quan đến tình trạng thiếu hụt vitamin B12 - một hậu quả thường gặp ở những người lạm dụng khí N2O (bóng cười).

Theo bác sĩ Lê Nhất Duy, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cơ sở 3, bóng cười được biết đến như một chất gây tê và an thần tạm thời. Hít bóng cười trong thời gian dài hoặc với lượng lớn có thể gây suy giảm hấp thụ vitamin B12. 

bong cuoi 123.png
Giới trẻ hít bóng cười trong các cuộc vui. Ảnh: Chí Hùng. 

Bác sĩ Duy cảnh báo tình trạng tê tay chân do sử dụng bóng cười là một vấn đề sức khỏe đáng báo động. Người sử dụng bóng cười thường xuất hiện các triệu chứng như:

- Tê bì tay chân, đặc biệt là vùng ngón tay và ngón chân.

- Mất cảm giác tại các chi.

- Yếu cơ, khó khăn trong việc di chuyển.

- Trong những trường hợp nghiêm trọng, có thể gây tê liệt hoặc mất chức năng vận động.

Ngoài ra, các triệu chứng khác như mệt mỏi, chóng mặt, và suy giảm trí nhớ cũng có thể xuất hiện. 

Trường hợp này, các bác sĩ chỉ định điều trị bổ sung vitamin B12 và vật lý trị liệu hỗ trợ cải thiện chức năng vận động và giảm triệu chứng tê bì.

Bác sĩ Duy khuyến cáo người sử dụng bóng cười ngừng ngay lập tức và thực hiện chế độ ăn giàu vitamin B12 (thịt, cá, trứng, sữa). Người bệnh cần được theo dõi định kỳ để đánh giá tiến triển của triệu chứng và hiệu quả điều trị. 

Việc nhận biết sớm các triệu chứng, tiến hành thăm khám và điều trị kịp thời có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.