Tuân thủ quy định an toàn khi tắm biển, du lịch
Ngày 20/5, tai nạn khiến 2 người tử vong xảy ra khi đoàn học sinh lớp 6 của một trường tại Hà Nội về Vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định) tham quan và trải nghiệm. Đi cùng các em còn có các phụ huynh.
Tàu đã đưa đoàn tham quan ra bãi bồi để các em trải nghiệm việc bắt ngao. Khi nước dâng lên, bãi cát bị sụt và cuốn theo dòng nước. Chủ tàu đã ném áo phao xuống để phụ huynh cứu học sinh. Tuy nhiên, một nam sinh và một người lớn gặp nạn và chết đuối.
Trước sự việc đau lòng trên, bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết cần hết sức thận trọng khi đưa trẻ nhỏ đi tham quan, trải nghiệm ở những nơi sông hồ hay tắm biển. Tai nạn đuối nước có thể xảy ra bất kỳ khi nào.
Đây là tai nạn phổ biến, tăng cao mỗi dịp hè khi trẻ được nghỉ học. Để phòng ngừa, việc đầu tiên là phụ huynh cần thận trọng khi cho trẻ đi chơi, du lịch, trải nghiệm ở những nơi có nguy cơ thiên tai, lũ lụt hay ở vùng sông nước.
Khi du lịch, ở những bãi biển có cắm cờ cảnh báo nguy hiểm, cần chấp hành nghiêm theo các chỉ dẫn để tránh tai nạn. Nếu du lịch bằng tàu thuyền, các thành viên nhất thiết phải mặc áo phao theo quy định.
“Kể cả người lớn hay trẻ nhỏ đều phải mặc áo phao đảm bảo an toàn khi lên tàu, thuyền. Đây là nguyên tắc. Chúng ta không thể biết trước nguy hiểm nào sẽ xảy ra”, bác sĩ Phương nói.
Ngoài ra, mùa hè nóng nực, trẻ thường được cha mẹ cho đi tắm hồ bơi. Quá trình tắm, trẻ có thể sặc nước, chuột rút, ngộp… Mặc dù hồ bơi có nhân viên cứu hộ nhưng khó có thể bao quát toàn bộ hoặc ứng cứu kịp thời.
Vì thế, phụ huynh phải liên tục để mắt đến con, cho trẻ bơi ở hồ bơi phù hợp, không cho trẻ nhỏ sang hồ bơi của người lớn.
Bên cạnh đó, nếu xung quanh nhà có sông hồ, cần giám sát trẻ chặt chẽ, luôn đặt con trong tầm mắt, đặc biệt là trẻ nhỏ đang chập chững tập đi.
Với trẻ dưới 3 tuổi, phụ huynh cần cẩn thận với các dụng cụ đựng nước trong nhà như thau, chậu, lu vại. Bệnh viện ở TP.HCM từng tiếp nhận trẻ đuối nước vì ngã chúi đầu vào xô. Trẻ tử vong sau 3 ngày nằm viện.
Bác sĩ Phương cho biết, dù có biện pháp đề phòng nhưng tai nạn vẫn có nguy cơ xảy ra. Do đó, cần nắm chắc nguyên tắc sơ cứu đúng, giúp quyết định sự sống còn và nguy cơ di chứng não ở trẻ.
Trẻ đuối nước ngưng tim ngưng thở cần được hồi sức tim phổi ngay tại hiện trường. Nếu tình trạng thiếu oxy não kéo dài quá 4 phút, trẻ sẽ bị di chứng nặng nề. Nếu kéo dài quá 10 phút, trẻ sẽ nguy kịch tính mạng.
Sơ cứu đúng cách khi gặp người đuối nước
Trước tiên, cần nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nước bằng cách đưa cánh tay, cây sào dài cho nạn nhân nắm. Người cứu hộ cũng có thể ném phao hoặc vớt nạn nhân lên bằng cách nắm tóc hoặc nắm cổ áo và kéo lên bờ. Lưu ý, tránh để nạn nhân ôm ghì khiến cả hai đều chìm xuống nước.
Sau đó, đặt nạn nhân nằm chỗ khô ráo, thoáng khí. Nếu nạn nhân bất tỉnh, kiểm tra xem nạn nhân còn thở hay không bằng cách quan sát sự di động của lồng ngực.
Khi lồng ngực không di động tức là nạn nhân ngưng thở, hãy tiến hành ấn tim ngoài lồng ngực ở nửa dưới xương ức. Phối hợp ấn tim và thổi ngạt trong 2 phút rồi đánh giá xem nạn nhân có thở lại, môi hồng hay có phản ứng khi lay gọi kích thích đau không. Nếu không, phải tiếp tục các động tác cấp cứu ngay cả trên đường chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế.
Trong trường hợp không thể thổi ngạt, động tác ấn tim 100-120 lần/phút cũng có hiệu quả hồi sinh hô hấp tuần hoàn cho nạn nhân.
Nếu nạn nhân còn tự thở, hãy đặt nạn nhân nằm nghiêng một bên để chất nôn chảy ra ngoài, tránh hít sặc.
Tiếp theo, cởi bỏ quần áo ướt và giữ ấm cho nạn nhân bằng chăn hay một tấm khăn khô. Nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế ngay cả khi họ có vẻ như bình thường hoặc đã hồi phục. Nguy cơ khó thở thứ phát có thể xảy ra vài giờ sau ngạt nước.