Chuyến xe chở vị khách đặc biệt…
Hồi giữa tháng 7, câu chuyện một tài xế xe ôm chở cậu sinh viên cụt hai chân không lấy tiền lan tỏa trên mạng xã hội nhận được nhiều khen ngợi của độc giả.
Vị khách đặc biệt của Đức là sinh viên năm 2 Trường ĐH Nguyễn Tất Thành |
Cậu sinh viên bị mất hai chân là bạn Ngô Nhật Tân, sinh viên năm 2, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, TP.HCM. Bị tai tạn lúc 5 tuổi, Nhật Tân phải cưa cả hai chân. Dù vậy, Tân đã vượt qua đau đớn, mặc cảm, hoàn thành 12 năm phổ thông và thi đỗ vào Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
Hiện tại, Tân đang ở nhà cậu ruột ở quận 9. Hằng ngày, cậu ruột chở Tân tới trường rồi cõng vào lớp. Hôm cậu ruột của Tân bận, đã đặt xe ôm cho em tới trường.
Cảm phục trước nghị lực của Tân, người tài xế khi hoàn thành chuyên đi đã không lấy tiền và còn cõng em vào phòng bảo vệ. Câu chuyện khiến người đọc cảm phục nghị lực của Tân và đức tính quý giá của người tài xế.
Hôm qua, mình có chở cậu này học năm thứ 2, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Chuyến xe xuất phát từ đường Đỗ Xuân Hợp, Quận 9 đi Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cơ sở đường Nguyễn Hữu Thọ, Quận 7. Đường kẹt xe, phải đi hết tầm gần 17km với tổng số tiền là 62.000 trong một giờ đồng hồ.
Điều đặc biệt ở đây là cậu này mất cả 2 chân (bị cắt tới đùi) do lúc nhỏ không may gặp tai nạn. Cả đoạn đường đi, nói chuyện với nhau mình mới biết cậu ấy nghị lực phi thường thế nào.
Bình thường, buổi sáng cậu ruột sẽ chở cậu đi học. Hôm nay ông bận gì đó nên mới đặt xe. Tới trường, thường sẽ có bạn cùng lớp cõng vào. Cậu nói học ngành dược để sau này cố gắng mở tiệm thuốc Tây vì chân bị như vậy nên khó học những ngành khác.
Không biết ước mơ của cậu có thành hiện thực không nhưng mình hết sức khâm phục nghị lực của cậu này. Bị từ 5 tuổi mà học lên được tới đại học. Đấy, người ta bị tật cả 2 chân mà có nghị lực và sống lạc quan, còn chúng ta có sức khoẻ, bình thường thì hãy cố gắng sống thật tốt và bớt than phiền về cuộc sống này.
Kết thúc chuyến xe, cậu hỏi mình bao nhiêu tiền vậy anh. Mình nói "Thôi, anh không lấy tiền đâu!" Nhìn vẻ mặt cậu có vẻ rất vui làm mình cũng thấy nhẹ lòng. Nói xong mình cõng cậu vào chỗ bảo vệ ngồi để đợi bạn rồi chào tạm biệt.
Và hình như mình cho đi thì cũng sẽ được nhận lại. Mình không lấy tiền cậu nhưng ngày hôm đó mình được bo hơn 50.000 đồng.
Người tài xế đặc biệt
Điều đặc biệt, người tài xế trong câu chuyện cũng là sinh viên. Đó là Phạm Minh Đức, học năm cuối khoa Cơ khí, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM.
Hơn nửa tháng câu chuyện về Đức được đăng tải, tôi mới có cơ hội được gặp em. Đức bảo em vừa bảo vệ thành công đồ án tốt nghiệp nên đang trong những ngày khá thoải mái.
Ấn tượng về Đức là một sinh viên hiền lành nhưng rắn rỏi. Quê ở Đức Phong (Mộ Đức, Quảng Ngãi) vào TP.HCM học đại học. Năm thứ nhất sinh viên, Đức bắt đầu đi làm thêm. Em đã trải qua các công việc rửa xe, lau xe, chuyển nhà, chuyển đồ, vệ sinh công trình. Và năm thứ 3 tới nay, việc làm thêm của em là chạy xe ôm công nghệ. Ngoài học, mỗi tuần Đức dành thời gian chạy vài chuyến xe. Số tiền kiếm được đủ để em trang trải cuộc sống.
Tài xế là Phạm Minh Đức sinh viên năm cuối Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM |
"Lúc đầu mẹ nghe tin chạy xe ôm nên ngăn cản dữ lắm. Em bảo mẹ cứ để con ra đời kiếm tiền để biết như thế nào. Bao nhiêu năm, em chỉ biết tiêu tiền của bố mẹ. Dù vậy bố mẹ vẫn không đồng ý nhưng em vẫn cứ làm"- Đức kể.
Không còn nhớ cụ thể câu chuyện từ hai tháng trước, Đức chỉ còn mang máng, sáng đấy em nhận được một cuốc xe di chuyển từ đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9 tới Trường ĐH Nguyễn Tất Thành ở quận 7 với giá 62.000 đồng. Sau khi xác nhận, em tới chỗ hẹn và điện rất nhiều cho khách nhưng đầu dây bên kia không bắt máy. Thoáng chút bực mình nhưng Đức vẫn kiên nhẫn đứng chờ. Một lúc sau em thấy người đàn ông trung niên cõng một thanh niên cụt hai chân và đặt lên xe em.
"Thú thực lúc đó em khá sợ. Buổi sáng người đông, đường xa, nhỡ trên đường xảy ra chuyện gì thì sao". Nhưng rồi suy nghĩ đó thoáng qua, Đức nổ máy và chở vị khách tới đúng điểm hẹn.
"Lúc đầu em không dám nói chuyện. Vị khách cũng im lặng. Để xóa tan không khí bắt chuyện và hỏi han bạn. Câu chuyện về vị khách đặc biệt như em đã chia sẻ diễn đàn"- Đức nói.
Làm tài xế xe ôm, gặp nhiều vị khách trong đó từng có người nghèo khó, có nhiều sinh viên và cả người nghiện ngập, nhưng với Đức cậu sinh viên bị cụt hai chân kia là vị khách đặc biệt đưa lại cho em nhiều cảm xúc. Hôm nay gặp tôi, Đức chỉ nói muốn đính chính một chi tiết "cho đi và nhận lại".
"Em chỉ muốn cho đi là được nhưng hôm đó khá trùng hợp khi không lấy tiền của bạn kia thì em được một vị khác khác bo 50.000 đồng. Sẵn tiện, em đưa vào câu chuyện "cho đi và nhận lại" chứ không phải cho đi là em muốn nhận lại đâu"- Đức phân minh.
Với Đức việc không lấy tiền của cậu sinh viên cụt 2 chân kia là điều bình thường và đây không phải là trường hợp duy nhất. "Em từng gặp nhiều khách chở rồi họ không trả tiền cho mình, hay lâu lâu nhiều khách đưa tiền lớn quá, không có tiền thối thì em vẫn bảo thôi có bao nhiêu thì đưa. Đưa 10 nghìn cũng được. Em biết như vậy là thiệt thòi nhưng nếu thiệt một chút mà ngày đấy mình cố gắng thì vẫn bù được. Em là thanh niên, có sức khỏe, làm thêm một chút đâu có sao. Như bạn sinh viên cụt chân ấy, lúc em nói không lấy tiền, bạn rất vui nên em cũng vui theo, dù hôm đó em hết tiền mới đi chạy xe".
Đức tự nhận, mình là người thật thà, nên hay bị lừa. Nhưng qua nhiều việc làm thêm, em đã tích lũy cho mình nhiều bài học quý giá. Điều em nghiệm ra là ở đâu cũng có người xấu và người tốt. Bản thân em khi chứng kiến nhiều trường hợp đặc biệt đã bớt than phiền, biết kiên nhẫn, nghị lực, nhịn, chịu khó…hơn.
Dự định, sau nhận bằng Đức sẽ ở lại Sài Gòn làm việc. Với em thanh niên phải mạnh mẽ và Đức đã sẵn sàng cho cuộc chơi mới.
Điều Đức tự hào nhất là, khi mẹ ở quê đọc được câu chuyện của em đã nói rằng: "Sau này con ra sao mẹ chưa biết nhưng nhân phẩm của con như vậy là mẹ mừng". Và Đức bảo, trước khi làm gì thì em phải là người tử tế.
Lê Huyền
Điều cô giáo học được từ cậu học trò có Huy chương Vàng quốc tế
Hàng ngày, Chí Nguyên bắt xe bus hơn chục cây số đến trường. Thầy cô động viên Nguyên nên ở lại ký túc xá. Nhưng cậu không đồng ý vì “đi vất vả một chút nhưng em được ăn cơm mẹ nấu”.