Nếu không tìm hiểu, có lẽ ít ai biết những thiết bị công nghệ do học sinh Việt Nam nghiên cứu và thực hiện rất thú vị , có tính ứng dụng cao. Một số công trình nghiên cứu về chế tạo robot vệ sinh đi trên mặt tường, mặt bảng, xe lăn có thể được điều khiển bằng điện thoại hoặc bằng giọng nói… đều là những sản phẩm của các bạn học sinh mới đang học lớp 10-12 gửi dự thi giải Học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thường niên.
Mùa giải năm nay, nhiều người khá ấn tượng bởi thiết bị đuổi chó do nam sinh Nguyễn Tấn Minh (lớp 11A2 chuyên Sinh, trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) chế tạo thành công . Chiếc máy này càng nhận được sự quan tâm đặc biệt hơn nữa khi lịch sử ra đời của nó lại gắn liền với một câu chuyện khá bi hài của chủ nhân - từng bị chó đuổi, cắn dẫn đến nỗi ám ảnh tuổi thơ.
Chế tạo máy đuổi chó vì không muốn người khác cũng sợ chó giống mình
Bây giờ dù đã lớn, ký ức bị chó cắn cũng đã lùi xa cả chục năm nhưng mỗi khi nhắc đến loài thú cưng này, Minh đều lắc đầu nói “SỢ LẮM”. Nhiều người thường rất thích chó, ôm ấp, cưng chiều vật nuôi nhưng dù cho cả thế giới có ca ngợi loài chó thế nào thì Minh cũng khó mà yêu quý chúng.
Đối với cậu, kỷ niệm ngày nhỏ đã trở thành nỗi ám ảnh khó quên. “Mình sợ nhất giống pitbull, sợ tất cả những con chó to, hung dữ và ít khi dám đến gần chúng”, Minh tâm sự.
Lúc còn nhỏ, khoảng 4-5 tuổi, trong 1 lần đi tìm nhà bạn, cậu bị 1 chú chó lao ra tấn công, phải theo dõi bệnh dại. Cũng từ đó, hơn chục năm đã qua, Minh không bao giờ dám đi qua ngôi nhà đó thêm bất cứ lần nào và hễ nhìn thấy ở đâu có chó là cậu thường tìm cách lảng tránh.
“Mình nghĩ hầu hết những người sợ chó cũng là vì lúc còn bé bị loài này tấn công. Từ đó gây ra một ám ảnh tuổi thơ khó xóa nhòa”.
Chính vì suy nghĩ ấy và mong muốn nhiều trẻ em khác không lâm vào tình cảnh giống mình, phải sợ hãi loài vật nuôi trung thành bậc nhất, Tấn Minh đã bắt tay vào nghiên cứu thiết bị đuổi chó có tên “D.S Dog Security”. Cơ chế hoạt động của nó là sẽ thu thập âm thanh của tiếng chó sủa và nhận diện, phân tích. Khi ngưỡng âm thanh vượt mức cho phép, nó sẽ phát ra sóng siêu âm khiến chó bị ức chế, khó chịu và bỏ đi.
Sóng siêu âm này con người không nghe thấy, không gây ồn nhưng lại có tác dụng đuổi chó rất hiệu quả. Minh tâm sự, khi nghiên cứu về cách xua đuổi động vật, cậu thấy có 3 phương án là ánh sáng, hóa chất và âm thanh. “Tuy nhiên, giải pháp dùng âm thanh là hợp lý nhất vì ánh sáng và hóa chất có thể gây hại cho cả người sử dụng lẫn vật nuôi”.
Sau khi chế tạo thành công máy D.S Dog Security, Minh đã đem đi thử nghiệm và đạt kết quả đáng mừng. Trải nghiệm xua đuổi đàn chó 11 con với nhiều giống khác nhau tại 1 gia đình ở Bắc Ninh cho kết quả rằng, ở ngưỡng âm thanh 40 kHz (120 dB), đàn chó phản ứng, lùi lại dần, 9 con bỏ chạy… “Những con không chạy thường là chó to, gan lì nhưng dù không chạy, chúng cũng không dám xông lên tấn công“, Minh nói
Theo Minh, thiết bị đuổi chó này chỉ khiến những chú chó bỏ chạy chứ không hề gây hại cho chúng. Ngoài ra, máy đuổi chó cũng không phải là thiết bị tốt cho kẻ trộm bởi vì trong quá trình bỏ chạy, chó vẫn sủa để báo động cho chủ nhà.
“Bản thân mình bị chó đuổi, cắn từ bé nên rất sợ và ngoài ra còn thường đọc báo thấy có cả chuyện chó cắn người bị thương nặng, tử vong nên nghĩ rằng, thiết bị đuổi chó này có thể giúp ích cho nhiều người.
Nó sẽ giúp đảm bảo an toàn cho mọi người và thích hợp với trẻ nhỏ. Biết đâu nhờ nó, sẽ không còn người nào giống mình, sợ chó từ bé vì bị chó cắn”.
Mong muốn cải tiến máy đuổi chó trở nên thông minh hơn, đuổi được tất cả các loại chó và sẽ dự thi giải Quốc gia vào năm sau
Dù là một phát hiện và nghiên cứu khá thú vị khiến nhiều người để ý nhưng sản phẩm của Tấn Minh vẫn không đạt giải Quốc gia. Nói về điều này, cậu bạn cho biết cảm xúc hiện tại vẫn còn khá lẫn lộn, vừa buồn, vừa vui.
“Buồn vì sản phẩm của mình không được giải nhưng cũng vui vì nó được nhiều người biết đến. Hy vọng là sẽ có người cũng đam mê như mình và bắt tay hợp tác, cải tiến chiếc máy này thông minh hơn nữa để dự thi vào năm sau”.
Minh chia sẻ, máy đuổi chó D.S Dog Security vốn không phải là ý tưởng của một mình cậu. Trước đó, một người bạn học cùng lớp là Phạm Nguyên Phú Sỹ đã đề xuất làm nó bởi gia đình cậu nuôi một chú chó lớn và nó thường xuyên sủa, dọa tấn công người khác khiến nhiều người cảm thấy phiền phức.
Trao đổi về nguyện vọng chế tạo máy đuổi chó với Minh, cả 2 nhận ra đều có chung quan điểm và sở thích nên đã bắt tay vào làm từ tháng 3/2018. Tuy nhiên đến tháng 9 cùng năm, bạn Sỹ đi du học Mỹ và giao lại mọi việc cho Minh. Từ đó, Minh tiếp tục hoàn thiện và đem sản phẩm này đi đăng ký dự thi, thuyết phục được hội đồng TP đưa nó đến tham dự giải Quốc gia.
Mình khá tiếc vì bạn Sỹ đã đi du học. Nếu như bạn ấy còn ở Việt Nam, chắc chắn bọn mình sẽ làm ra nhiều thứ hấp dẫn hơn nữa. Tụi mình học chuyên Sinh nhưng cả 2 lại rất hợp nhau vì cùng yêu thích môn Vật lý
Nói về máy đuổi chó D.S Dog Security, Minh cho biết mong muốn hiện tại của cậu là có thể cải tiến nó, tăng cường phần trí thông minh, giúp nó nhận biết được nhiều loại tiếng chó sủa hơn để phát huy hiệu quả đuổi được tất cả các loại chó.
Ngoài ra, Minh cũng dự định sẽ gắn thêm công nghệ gọi khẩn cấp SOS, định vị GPS để hỗ trợ người dùng khi gặp tình huống nguy hiểm. Với thiết kế như hiện tại, sản phẩm sẽ có giá thành 250.000 đồng. Trong tương lai, nếu thu nhỏ thiết bị gọn nhẹ hơn, máy đuổi chó có thể sẽ có nhiều mẫ mã hấp dẫn, thông minh, hiệu quả hơn trong khi giá thành sẽ hạ thấp.
Với mức giá rẻ và nhiều tính năng như vậy, Minh không chỉ hy vọng máy đuổi chó có thể giật giải Quốc gia vào năm sau mà còn trở thành thiết bị được sử dụng rộng rãi, giúp ích cho nhiều người, nhất là đối tượng trẻ em.
Ký ức 1 tháng đi viện 60 lần và mơ ước thành bác sĩ
Ngoài chuyện bị chó cắn khi còn nhỏ, ký ức tuổi thơ của Minh cũng khá dữ dội khi cậu bạn thường xuyên ốm đau, bị viêm phổi, hen suyễn. Minh kể, có những tháng cậu phải đi viện 60 lần, mỗi ngày vào viện tiêm 2 mũi vì bị ốm.
“Mình nhớ bị tiêm ven khắp mọi chỗ, ở tay chân, mu bàn chân rồi còn bị tiêm lên cả đầu nữa. Cảm giác rất đau và kinh khủng”.
Khi lớn hơn, tần suất ốm của Minh cũng thưa dần. Tuy nhiên, cậu bạn vẫn nuôi niềm đam mê cháy bỏng là trở thành bác sĩ cầm dao mổ, có nhiều kiến thức y tế để tự mình chữa bệnh cho mình cũng như những người thân xung quanh.
“Không hiểu sao từ bé mình đã không sợ máu lại còn thích xem những chương trình phẫu thuật khó như ghép tạng. Sau này biết học Y mới giúp thành bác sĩ nên mình quyết tâm theo lớp chuyên Sinh và đang cố gắng để thi đỗ ngành Y đa khoa, ĐH Y Hà Nội”.
Học trường chuyên, lớp chọn lại đặt mục tiêu thi vào ngành Y đa khoa với điểm số khá cao nhưng Minh hoàn toàn không bị áp lực học hành chi phối. Ngoài thời gian học trên lớp, mỗi ngày cậu bạn chỉ dành ra 2-3h tự học ở nhà. Thời gian còn lại, Minh thường tham gia hoạt động ngoại khóa như định hướng trường chuyên cho học sinh lớp 9, hỗ trợ học sinh lớp 12 thi ĐH…
Những lúc rảnh rỗi, cậu bạn thường ngồi đọc sách hoặc chơi game. Từ nhỏ, mẹ Minh đã cho cậu đọc những cuốn về kỹ năng, quan điểm sống như: Cha giàu cha nghèo, Đắc Nhân tâm, Tôi tài giỏi bạn cũng thế, Hạt giống tâm hồn. Lớn lên, Minh thường đọc sách về Vật lý, Y khoa. Cậu bạn nói, Sinh học, ngành Y là đam mê nhưng Vật lý và nghiên cứu khoa học lại là sở thích của mình. Theo Minh, sở thích chỉ là cái mình thích và có thể là nhất thời nhưng đam mê là thứ mà mình khao khát, theo đuổi và có thể sống, làm việc cùng với nó cả một đời.
“Có đôi lúc làm xong hết mọi việc, đêm khuya mình lại tự nghĩ nếu sau này trượt ĐH Y, không làm được bác sĩ thì sẽ ra sao nhỉ? Rồi mình lại tự an ủi, phải vui vẻ và làm tốt mọi thứ có thể thôi. Còn nếu thật sự trượt ĐH Y, có lẽ mình sẽ thi vào ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội để theo học về máy tính, nso hợp với sở thích nghiên cứu, tìm tòi, thích Vật lý của mình.
Mình nghĩ, khi một cánh cửa đóng lại thì có thể tìm cửa khác để đi, không nhất định phải sống cố chấp làm gì”.
Theo SaoStar