Nậm Pồ là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Điện Biên, có 8 dân tộc cùng sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 44,65%. Huyện đặt mục tiêu năm 2024 giảm tỷ lệ hộ nghèo thêm từ 6% trở lên. Hiện nay, các xã, thị trấn của huyện đã đăng ký phấn đấu giảm 681 hộ, trong đó 557 hộ nghèo và 124 hộ cận nghèo.

Lãnh đạo UBND huyện Nậm Pồ cho biết, tính đến ngày 30/6, Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững đã giải ngân hơn 150 tỷ đồng (thuộc nguồn vốn đầu tư), đạt 79% tổng kế hoạch vốn.

Trong 8 tháng đầu năm nay, huyện Nậm Pồ tập trung tuyên truyền, vận động và triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, nhất là dự án hỗ trợ trồng cây quế, cây chanh leo. Huyện đã hoàn thành 16 dự án hỗ trợ trồng cây quế và phê duyệt dự án trồng chanh leo tại bản Long Dạo, bản Tân Lập, xã Si Pa Phìn, với tổng diện tích hơn 4,3 ha. 

Tại xã Si Pa Phìn, người dân 37 hộ đang thực hiện trồng chanh leo, là mô hình trong dự án hỗ trợ phát triển sản xuất với tổng diện tích 40,98 ha, trồng tại các bản: Van Hồ, Pú Đao, Sân Bay, Nậm Chim I, Chế Phù, Long Dạo, Tân Lập. Dự án sử dụng nguồn vốn sự nghiệp của Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững với kinh phí thực hiện hơn 3,2 tỷ đồng.

Cây chanh leo đang phát triển, sinh trưởng tốt; từ thời điểm bắt đầu thu hoạch đến nay đã cho sản lượng hơn 30 tấn, với giá bán là 10.000 đồng/kg. Đặc biệt, vào thời điểm chính vụ năm 2024, cây chanh leo trên địa bàn xã Si Pa Phìn cho bói quả trên toàn bộ 40.98 ha. Ước tính mỗi cây cho ra khoảng 10-15 kg quả/cây, đạt tiêu chuẩn đinh mức kỹ thuật.

Đi thăm dự án chanh leo trên địa bàn xã Si Pa Phìn ngày 25/7, ông Lê Khánh Hòa, Bí thư Huyện ủy Nậm Pồ, cho rằng dự án chanh leo có triển vọng, phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương, có thể mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cao cho người dân.

Ông đề nghị cấp ủy, chính quyền xã Si Pa Phìn cần tiếp tục quan tâm, đồng hành, hỗ trợ người dân trong quá trình sản xuất, nhất là đầu ra sản phẩm, từ đó không những giúp người dân tạo ra được sản phẩm sạch, chất lượng mà còn là hướng đi trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

W-giam ngheo .jpg
Bí thư Huyện uỷ Nậm Pồ yêu cầu quyết liệt hơn công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm và công tác giảm nghèo.

Tại cuộc họp về giảm nghèo hồi tháng 8, Bí thư Huyện uỷ Nậm Pồ đề nghị các đơn vị liên quan chủ động xây dựng kế hoạch trồng cây quế trong năm 2025 và những năm tiếp theo; từng bước thay đổi nhận thức của người dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với tình hình thực tế địa phương...

Bí thư Huyện uỷ Nậm Pồ cũng yêu cầu quyết liệt hơn công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm và công tác giảm nghèo. Thực tế 8 tháng đầu năm, huyện Nậm Pồ mở 13 lớp đào tạo nghề cho gần 420 lao động nông thôn và có hơn 1.400 lao động đi làm tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. 

Tháng 9, công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động, trong đó có nhiều người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, tiếp tục được đẩy mạnh. Ngày 20/9, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Nậm Pồ phối hợp với một công ty tổ chức khai giảng 2 lớp đào tạo nghề dệt thủ công truyền thống cắt may, tạo mẫu, giới thiệu sản phẩm tại xã Phìn Hồ. Dự kiến, cùng với xã Phìn Hồ, Trung tâm tiếp tục mở lớp đào tạo nghề dệt thủ công truyền thống cho hơn 200 lao động nông thôn tại các xã Na Cô Sa, Si Pa Phìn.

Học viên được đào tạo từ ngày 18/9-1/11, được sắp xếp thời gian, bố trí trang thiết bị, vật tư, phụ liệu đầy đủ. Các học viên cũng được đội ngũ cán bộ, giáo viên có tay nghề, nghiệp vụ sư phạm tốt truyền đạt, hướng dẫn cách dệt thủ công truyền thống, may dân dụng, tạo mẫu sản phẩm, giới thiệu sản phẩm... theo hướng "cầm tay chỉ việc", đảm bảo 100% đạt yêu cầu.

Doanh nghiệp cũng phối hợp với cơ quan chuyên môn huyện, cấp ủy chính quyền địa phương tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp cho người dân đi làm tại các nhà máy, doanh nghiệp trong nước, với có mức thu nhập phù hợp, ổn định.

Trước đó, 4 lớp đào tạo nghề dệt thủ công truyền thống cắt may, tạo mẫu, giới thiệu sản phẩm cho 140 lao động nông thôn tại xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ, cũng đã bế giảng. Hàng trăm học viên nữ vùng cao biên giới được đào tạo kiến thức và rèn tay nghề dệt thủ công, may đo quần, áo phục vụ cuộc sống, nâng cao kỹ năng giới thiệu sản phẩm được tạo ra để bán ra thị trường.