Mở cửa phiên giao dịch sáng 13/3, đa số cổ phiếu trên các sàn chứng khoán đều giảm điểm. Phần lớn cổ phiếu blue-chips tiếp tục giảm sàn với những doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bán lẻ, dầu khi như: Vietcombank, BIDV, VPBank, HDBank, Bảo Việt, Thế Giới Di Dộng, PNJ, VRE, GAS, Petrolimex,...

Chỉ số VN-Index giảm 45 điểm (tương đương giảm 5,8%) xuống 724 điểm. HNX-Index giảm 3,8%; Upcom-Index giảm 2,5%.

Như vậy, chỉ sau 5 phiên, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam bị bốc hơi khoảng 31 tỷ USD. Trong phiên sáng nay, vốn hóa bốc hơi khoảng 7 tỷ USD. Trong phiên 12/3, thị trường mất 7,5 tỷ USD.

Chứng khoán Việt giảm trong bối cảnh chứng khoán toàn cầu hôm qua tụt giảm hiếm có trong lịch sử.

{keywords}
Bốc hơi 31 tỷ USD, cơ hội dài hạn, tin vào nội lực doanh nghiệp Việt

Thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận một phiên giảm điểm chưa từng có trong lịch sử với chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm hơn 2,35 ngàn điểm, tương đương giảm 10%. Đây là phiên giảm điểm theo giá trị tuyệt đối lớn chưa từng có trong lịch sử Mỹ, còn tính theo giá trị tương đối thì chỉ sau lao dốc tồi tệ nhất kể từ cú sập sàn trong ngày Thứ Hai đen tối năm 1987 (khi đó giảm 22,6%).

Chỉ số tầm rộng S&P 500 của Mỹ cũng giảm 9,5% xuống 2.480,64 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 9,4% xuống còn 7.201,8%. Tất cả các chỉ số chứng khoán của Mỹ đều giảm trên 20% so với đỉnh cao khoảng một tháng trước đây và đều rơi vào một thị trường giá xuống (bear market).

Chứng khoán châu Âu giảm 11%.

Chứng khoán thế giới lao dốc sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu (pandemic) và tổng thổng Mỹ Donald Trump ngay lập tức tuyên bố chỉ các chuyến bay từ châu Âu đến Mỹ trong 30 ngày để đối phó với sự lây lan của đại dịch Covid-19. Và Ngân hàng Trung ương ECB ra một quyết định đầy thất vọng: không hạ lãi suất mà chỉ bơm thêm thanh khoản cho hệ thống tài chính.

Mặc dù giảm mạnh nhưng sức cầu bắt đáy khá lớn. Các doanh nghiệp rục rịch đăng ký mua vào cổ phiếu quỹ. Trong khi đó, nhiều doanh nhân và người nhà của doanh nghiệp cũng đăng ký mua vào lượng lớn cổ phiếu như trường hợp Hòa Phát, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội, Yeah1...

Trao đổi với báo chí, Chủ tịch UBCK Trần Văn Dũng cho rằng, các nhà đầu tư không nên bán tháo, bình tĩnh, tin vào nội lực doanh nghiệp và nền kinh tế.

{keywords}
Chủ tịch UBCK Trần Văn Dũng.

Ông Dũng cũng cho biết, trước tình trạng nhiều cổ phiếu rơi về vùng giá thấp, lãnh đạo một số doanh nghiệp và người có liên quan đã công bố nhu cầu mua vào cổ phiếu, chẳng hạn tại HPG. Cùng với đó, một số doanh nghiệp niêm yết đang có nhu cầu mua vào cổ phiếu của chính mình làm cổ phiếu quỹ.

Về phía UBCK, ông Dũng khẳng định, cơ quan này sẽ xử lý hồ sơ mua cổ phiếu quỹ của doanh nghiệp trong vòng 1 ngày, thay vì xử lý trong vòng 7 ngày như quy định tại Thông tư 162/2015/TT-BTC.

Cũng theo ông Dũng, để hỗ trợ doanh nghiệp chống lại đà suy giảm kinh tế từ dịch COVID-19, Chính phủ đã tung ra gói hỗ trợ kép, đó là gói tín dụng 250.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ tài khoá 30.000 tỷ đồng.

Khác với nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện việc giảm lãi suất trung tâm để làm cho các loại lãi suất khác đều giảm theo, hai gói hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam về cơ bản có tác dụng san sẻ rủi ro giữa các thành phần kinh tế, thay vì bơm thêm tiền vào nền kinh tế.

Theo đại diện của UBCK, các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính trung gian và nhà đầu tư cần vững tin vào nội lực của nền kinh tế, vào các giải pháp của Chính phủ và các bộ, ngành, cũng như sức bền của TTCK Việt Nam nhằm góp phần hỗ trợ thị trường lấy lại đà tăng trưởng, đặc biệt là tránh những phiên bán tháo không cần thiết.

Ông Dũng cho biết, trong phạm vi thẩm quyền, UBCK sẽ báo cáo Bộ Tài chính một số giải pháp góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động trong ngành chứng khoán và cho nhà đầu tư, trong đó có giải pháp cắt giảm một số loại giá dịch vụ chứng khoán và nới lỏng một số quy định về giao dịch ký quỹ (margin) áp dụng cho giai đoạn trước mắt.

V. Hà