Lazada vừa công bố những báo cáo trong quý 3/2021 (từ ngày 1/7/2021 đến 30/9/2021) trên nền tảng thương mại điện tử này. Trong đó, dịch bệnh đã góp phần lớn hình thành 3 xu hướng chủ đạo.

{keywords}
Xu hướng mua sắm trên thương mại điện tử dự báo tiếp tục tăng mạnh cuối năm. (Ảnh: Hải Đăng)

Ghi nhận thực tế cho thấy số lượng nhà bán hàng tham gia kinh doanh tăng hơn 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, số lượng nhà bán hàng ở các khu vực ngoài TP.HCM và Hà Nội tăng hơn gấp đôi.

Nền tảng này cho rằng những hoạt động kinh doanh trực tiếp bị hạn chế tại nhiều thành phố lớn trên cả nước đã thúc đẩy doanh nghiệp tìm đến các sàn thương mại điện tử.

Trong giai đoạn dịch bệnh, chỉ hàng hoá thiết yếu mới được ưu tiên lưu thông và buôn bán. Kết hợp với nhu cầu của người dân về các mặt hàng này tăng lên đã dẫn đến sức mua hàng bách hoá tăng mạnh.

Các số liệu trong báo cáo cho thấy ngành hàng bách hóa trên Lazada đứng đầu doanh thu trong quý 3/2021 với mức tăng trưởng hơn gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng thực phẩm tươi sống đạt con số tăng trưởng ấn tượng, gấp 17 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là ngành hàng có lượt tìm kiếm nhiều nhất vào cuối tháng 8 khi Chỉ thị 16 được ban hành và liên tục tăng trưởng xuyên suốt quý.

Do mọi người phải ở nhà để phòng dịch, các loại hàng hoá liên quan đến học tập, làm việc, giải trí tại gia cũng được mua nhiều hơn.

Thống kê cho thấy doanh thu của các sản phẩm máy tính (bao gồm máy tính cá nhân và máy tính để bàn) ghi nhận mức tăng trưởng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài 3 xu hướng đã ghi nhận nói trên, phía Lazada cũng đưa ra những dự báo cho tình hình mua sắm online dịp cuối năm.

Theo đó, thói quen mua sắm trực tuyến được hình thành và phát huy trong giai đoạn giãn cách tiếp tục được duy trì trong trạng thái bình thường mới.

Logistics sẽ đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong thị trường thương mại điện tử. Các sàn sẽ tiếp tục đầu tư mạnh hơn vào logistics để tiếp tục đáp ứng và nâng cao trải nghiệm của người tiêu dùng.

Các ngành hàng bách hóa, điện tử và sản phẩm chăm sóc sức khỏe sẽ duy trì tăng trưởng tốt. Ngành hàng làm đẹp, thời trang có thể bùng nổ trong quý 4 năm nay khi các hoạt động dần trở lại trạng thái bình thường mới cũng như mùa mua sắm cuối năm và Tết đến cận kề. Người tiêu dùng có thể chi tiêu mạnh tay trở lại ở phân khúc sản phẩm cao cấp sau khi phải tiết chế mua sắm trong giai đoạn giãn cách.

Người tiêu dùng có xu hướng mua sắm cho Tết truyền thống sớm hơn thường lệ, thường bắt đầu từ cuối tháng 11, đầu tháng 12 và tập trung vào các nhóm hàng cá nhân như quần áo, mỹ phẩm, sản phẩm cho bé… vì nỗi lo dịch bệnh trở lại, lo ngại thiếu hụt hàng hóa hay giao hàng gián đoạn. Trong khi đó, mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô hay hoa trái sẽ được mua vào khoảng thời gian cận Tết hơn.

Hải Đăng

Rô-bốt tự động lấy hàng trong kho của sàn thương mại điện tử Việt

Rô-bốt tự động lấy hàng trong kho của sàn thương mại điện tử Việt

Rô-bốt được áp dụng toàn bộ trong khâu lấy trong kho giúp sàn thương mại điện tử Việt tiết kiệm thời gian, gia tăng độ chính xác.